Hà Ân – nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử có những nhân vật tình báo

Chủ Nhật, 24/07/2005, 07:37

Hà Ân là một trong rất ít nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử. Trong tác phẩm của ông luôn có nhân vật làm tình báo. Và nhân vật ấy rất hấp dẫn đối với người đọc.

Cuộc sống của nhà viết tiểu thuyết lịch sử này thật khiêm tốn, giản dị. Nếu Hà Ân không kể, chắc không mấy ai biết, ông đã từng là một chiến sĩ công an hoạt động bí mật trong nội thành suốt từ năm 1945 đến 1948. Sau đó ông được chuyển sang đội công tác đặc biệt hoạt động ở Lào Cai. Hoàn thành nhiệm vụ, ông được cấp trên cho về Hà nội chờ công tác mới. Những ngày chờ đợi ấy đã đưa ông đến với ý tưởng cầm bút.

Năm 1961, cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên: “Tướng quân Nguyễn Chích” của ông ra mắt bạn đọc. Có thể coi đây là tác phẩm đầu tiên mang dấu ấn nghề nghiệp của ông. Hà Ân tâm sự: “Khi tôi viết đến cuốn sách thứ hai, cảm giác như mình đã thành nghề. Cái khó là nắm cho được thần thái của nhân vật đã được chép vào sách sử”. Đến nay gia tài của ông đã có 8 tiểu thuyết lịch sử. Trong đó ông dành nhiều thời gian cho 2 cuốn “Người Thăng Long” và “Khúc khải hoàn dang dở”.

Để hoàn thành cuốn “Khúc khải hoàn dang dở” ông phải lao động vất vả suốt 20 năm trời. Giải thích cho sự chậm chạp này ông tâm sự: “Chẳng ai viết một cuốn tiểu thuyết 10 năm chứ chưa nói đến 20 năm như tôi. Bởi lẽ sau 6 năm trời hùi hụi tìm tòi tư liệu để xây dựng nhân vật để rồi lại phải đốt đi tất cả bản thảo chỉ vì có sự nhầm lẫn về tư liệu. Về “tai nạn nghề nghiệp” này, ông kể: Trong cuốn “Khúc khải hoàn dang dở” nhân vật chính ban đầu của tôi là Trần Quốc Tảng, một ông hoàng văn võ song toàn nhưng ngạo đời và có nhiều trắc ẩn. Nhất là khi đọc bài “Phóng cuồng ca” tôi đinh ninh là của Trần Quốc Tảng với những câu như sau:

“Trời đất xa trông chừ sao ta thấy mênh mông
Ngoài vòng cương tỏa chừ ta chống gậy chơi rong..”

Tôi bị mê hoặc bởi con người Trần Quốc Tảng, qua những dòng sử liệu. Phần cuối cuốn tiểu thuyết hoàn thành dựa trên tâm điểm là bài “Phóng cuồng ca”. Nhưng khi cuốn tiểu thuyết sắp hoàn thành thì Hà Ân đọc được một bài báo trên Tạp chí Văn học xác nhận “Phóng cuồng ca” là của Trần Tung! Thế là mọi ý định của ông bị sụp đổ.

May mà sau khi đốt đi hàng trăm bản thảo, đọc lại thư tịch cổ ông bắt “gặp” Đỗ Vĩ– một nhà tình báo thời Nhà Trần, một chàng trai Thăng Long tài hoa, một nghệ sĩ đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt…   Lúc ấy ông mới tiếp tục công việc viết cuốn tiểu thuyết “Khúc khải hoàn dang dở”. Từ đó, hai nhân vật Trần Nhật Duật và Đỗ Vĩ đã trở thành nguồn động viên, hối thúc ông viết hết chương này sang chương khác.

Hình ảnh người điệp viên Đỗ Vĩ (thế kỷ XIII) sừng sững trong tác phẩm như một minh chứng cho ý chí gan dạ và lòng trung thành quả cảm của con người đất Việt. Đỗ Vĩ đã sống một cuộc đời thật oanh liệt, đầu đội trời chân đạp đất tận đến khi bị địch đầu độc chết ở nơi đất khách quê người.

Còn nhân vật Trần Nhật Duật, lại là một hình tượng về một vị tướng tài ba, am tường các vấn đề dân tộc, biết nhiều ngoại ngữ và tiếng các dân tộc người miền biên viễn. Nếu như Đỗ Vĩ đã cung cấp cho Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo nhiều tin tức tình báo rất có giá trị từ ngoài biên giới thì Trần Nhật Duật đã giúp cho vua Trần Nhân Tông những kế sách đoàn kết các dân tộc giữ gìn an ninh nội bộ, chống giặc ngoại xâm.

Nhà văn Hà Ân có 4 người con, ba gái một trai. Vợ ông mất năm 1978 để lại cho ông các con còn thơ trẻ. Có lẽ vì sống trong hoàn cảnh “gà trống nuôi con” chừng ấy năm trời nên  mảng đề tài cho thiếu nhi cũng được ông rất quan tâm. Từ những cuốn sách: “Trăng nước Chương Dương”; “Bên bờ Thiên Mạc”; “Trên Sông truyền hịch”; “Tướng quân Nguyễn Chích”… trên tủ sách tiểu thuyết lịch sử của Hà Ân, tôi thầm ước một ngày gần đây sẽ được xem bộ phim lịch sử của Việt Nam dàn dựng từ chính những tác phẩm này.

Những bộ phim lịch sử Việt Nam sẽ thay dần những bộ phim dã sử của Trung Quốc: thời “Tam Quốc diễn nghĩa”, thời “Đông chu liệt quốc”, thời nhà Hán nhà Thanh… đã và đang trình chiếu nhiều lần trên các kênh truyền hình thời gian qua. Chỉ có những bộ phim Việt Nam với những nhân vật lịch sử Việt Nam mới giúp khán giả hiểu thêm về lịch sử đất nước và bồi đắp thêm niềm tự hào về con người và hào khí của dân tộc.. 

Lâm Vy
.
.
.