Gương mặt thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã ra đi

Thứ Năm, 09/02/2012, 09:15
14h hôm qua (8/2) tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra lễ viếng và tiễn đưa gương mặt thơ cuối cùng có mặt trong tác phẩm nổi tiếng “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân”, nhà thơ Xuân Tâm, về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nhà thơ Xuân Tâm tên thật là Phan Hạp. Ông sinh năm 1916 tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, Quảng Nam. Thuở nhỏ, ông học trường Quốc học Huế, có bằng Thành chung và đã có thơ in ở từ tuổi thanh niên. Tập thơ đầu tay của ông là “Lời tim non” được xuất bản năm 1941, gồm 35 bài khi mới bước vào tuổi 25. Cũng sau khi ra tập sách này, ông đã được hai nhà phê bình văn học Hoài Thanh - Hoài Chân để mắt tới.

Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh – Hoài Chân nhận xét: “Mặc dầu cảnh Huế cơ hồ Xuân Tâm không nói đến, không khí sông Hương, núi Ngự vẫn mang mác trong thơ Xuân Tâm. Huế ở đây trong sạch, đứng đắn và nhất là có chừng mực. Văn sĩ Pháp Pujarniscle viết về Huế có câu: “Thành phố mỉm cười khi thương đau, thở than khi vui vẻ”. Quả có thế. Vui hay buồn ở Xuân Tâm đều có vẻ dịu dàng, vừa phải: “Đám cưới, người ta vui vẻ nhỉ/ Pháo tràng gieo đỏ, tiệc liên miên/ Riêng tôi đi tránh, buồn và nghĩ: - Cảnh ấy nào đâu phải cảnh tiên...”. Và khi vui: “Thấy chiều, hớn hở tôi ra đón/ Như đứa trẻ con thấy mẹ về/ Chiều buồn, chiều đẹp, chiều mơn trớn/ Chiều ru êm ái khúc lòng tê...”.

Trong “Thi nhân Việt Nam” cũng giới thiệu bài thơ “Nghỉ hè” của Xuân Tâm, bài thơ được ông sáng tác năm 20 tuổi, từng được giải nhất trong cuộc thi của Báo Bạn đường (năm 1941). Bài thơ đơn giản chỉ tả lại tâm trạng háo hức, vui sướng của chàng thanh niên Xuân Tâm thời ấy khi bước vào kỳ nghỉ hè, nhưng đằng sau câu chữ đã nói lên được những mơ ước xa xôi về một ngày mai đầy ánh sáng

Thiên Kim
.
.
.