Gunter Grass và bộ tranh minh họa truyện cổ tích của Andersen
Nhà văn Đức Gunter Grass, chuyên viết tiểu thuyết và kịch bản sân khấu, đã hoàn thành một bộ tranh minh họa các Truyện cổ tích của nhà văn lớn Đan Mạch Andersen với lòng ngưỡng mộ, đam mê và một sự "gặp gỡ và đồng điệu".
Hans Christian Andersen, SN 1805, tại Odense, một cảng biển nằm trên đảo Fionie tại Đan Mạch. Ông mất tại Copenhague năm 1875. 122 năm sau khi nhà văn Đan Mạch ra đời, nhà văn Đức Gunter Grass mới sinh ra, năm 1927, tại Dantzig, (Ba Lan), nổi tiếng là "một trong số các nhà viết tiểu thuyết được chú ý nhiều nhất của Đức sau thế chiến", được giải Nobel văn học năm 1999. Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà văn Đan Mạch sắp tới, Gunter Grass, đã dùng phấn đen vẽ lên các hình minh họa cho một sưu tập 30 truyện cổ tích của Andersen, mang tựa đề Bóng ("Ombre").
Giải thích việc làm trên của mình, Gunter Grass nói rằng, nếu được sinh cùng thời, ắt ông và nhà văn Đan Mạch đã là bạn tâm giao. Bị một nhà thần học kiêm triết gia Đan Mạch Soren Kierkegaard (1813 - 1855) phê phán với những lời lẽ miệt thị, nhưng rồi Andersen đã được thừa nhận, đầu tiên tại Đức, sau đó ở toàn châu Âu: Họ sùng mộ tác giả, người từng bị gọi là "con vịt bé nhỏ ti tiện". Đến cả hình thành một truyền thuyết cho rằng Andersen là con hoang của vua Đan Mạch. Từ đó, ra đời câu nói hoa mỹ: "Ít quan trọng chuyện người ta sinh ra ở một bầy gia cầm nếu như người ta chui ra từ một quả trứng thiên nga".
Qua 156 truyện kể của Andersen, người ta đều thấy ẩn hiện bóng dáng tác giả, người viết truyện: "Một con người đơn độc, bất hạnh trong tình yêu, không mái ấm, gia đình" một điều "không mấy che đậy khi mà luôn hiện diện trong đó những lời tâm sự các điều khốn khổ, ảo não của bản thân". Phần lớn các nhân vật trong truyện của Andersen đều trở thành những khuôn mặt được biết đến, ưa chuộng và phổ cập, giống như các nhân vật trung tâm của Shakespeare, như vua Lear hay Hamlet chẳng hạn.
Gunter Grass bộc bạch với phóng viên Tuần báo Pháp những gì ông tâm đắc cùng nhà văn Đan Mạch tiền bối: "Vào các thời buổi bấp bênh mà chúng ta đang sống, trong đó toàn thế giới đã bị sự khốn cùng đụng chạm tới, bị đảo lộn bởi các cuộc khủng hoảng và bạo lực, thì nỗi buồn phiền, lo ngại thường tìm kiếm sự trợ lực, an ủi trong các chuyện thần tiên, cả khi chúng mang những hình thức khác nhau".
Gunter Grass kể lại việc ông vận dụng cả truyện cổ tích Andersen trong đấu tranh chính trị ra sao: Năm 1965, trong cuộc vận động tuyển cử ủng hộ Willy Brandt, ông đã dùng câu chuyện kể của Andersen có tựa đề Những bộ đồ mới của Hoàng đế, lấy nó làm tiêu đề cho bài diễn văn của mình. "Tôi đã nhằm vào đối thủ của tôi là Ludwig Erhard, lúc bấy giờ là Thủ tướng. Đối với tôi, mỗi chính khách đều đang kết thân với vị Hoàng đế bị đánh lừa bởi các lời nịnh hót và mù quáng trước sự giả nhân giả nghĩa của đám cận thần đó...".
Nói về bộ tranh minh họa, Gunter Grass bộc lộ: "Các ký họa của tôi nói lên ý muốn tôn vinh người nổi tiếng nhất trong những người Đan Mạch. Tôi thấm nhiễm chủ nghĩa hiện thực đặc biệt đến thế ở ông, nó pha lẫn ‘sự hoang tưởng’. Sở dĩ, tôi chọn màu đen và màu trắng, vì muốn đầu tiên có một thoáng nhìn đến sự đam mê của ông ta với hình cát mà ông rất giỏi thực hiện...". Chính từ đó gợi ý ông đặt tên Bóng cho tập tranh ký họa của mình.
Còn nói về các đường vẽ đen, Gunter Grass cho biết, ý ông muốn "nhấn mạnh những sự gãy vỡ, đứt đoạn có tính phóng thích, mỉa mai, làm bật nổi sự dữ dằn, khốc liệt của các câu chuyện mà thường là kết thúc không có hậu".
Cuối cùng, Gunter Grass coi Andersen như là một "người đọc phi thường". Nhà văn - họa sỹ xác quyết: "Tôi tin chắc rằng, nếu như chúng ta ưu tiên trong các lớp học việc đọc to bài vở, thì điều đó sẽ tạo thuận lợi cho việc tập quen và yêu thích sách vở. Và lúc đó các học sinh sẽ hiểu ra rằng, cả văn phạm cũng có ý nghĩa của nó"