Giữ gìn bản sắc dân tộc của sân khấu truyền thống: Cần có hướng đi đúng

Thứ Hai, 13/07/2009, 00:40
Nền kinh tế thị trường hiện đại cộng với sự bùng nổ thông tin các loại hình văn hóa đại chúng, các dòng người du lịch, sự phổ cập ồ ạt tiếng Anh trong quan hệ quốc tế đem lại nhiều mối lợi cho con người, nhưng cũng báo hiệu nguy cơ nhân cách bị bào mòn, bản lĩnh dân tộc bị nhào nặn, bản sắc văn hóa dân tộc bị biến tướng, mà nguy cơ đó cũng là nguy cơ chính trị, nguy cơ tinh thần cản trở sự phát triển.

Khôi phục văn hóa dân tộc chính là tạo ra những khách thể để ngăn chặn những dòng văn hóa độc hại từ bên ngoài. Nhân loại đã từng bước vào thời đại mà con người chứ không phải kỹ thuật đứng ở vị trí trung tâm của sinh hoạt kinh tế. Con người có phong cách, có bản lĩnh, có văn hóa là cơ may cho sự phát triển. Coi nhẹ bản sắc văn hóa dân tộc là để mặc cho các loại văn hóa thấp kém trên thế giới chi phối sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Những tổn thương văn hóa gắn liền với những tổn thương tinh thần sẽ được các thế lực xấu khai thác với hậu quả không lường được. Sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội ở nhiều nước Đông Âu đều có những nguyên nhân sâu xa từ những sai lầm trong việc giải quyết những vấn đề dân tộc và văn hóa dân tộc.

Cùng với năm tháng hoạt động cách mạng, một thái độ trân trọng di sản văn hóa dân tộc được hình thành trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Theo Người, muốn duy trì và phát huy những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, trước hết cần phải "tìm hiểu sâu vốn của dân tộc"… "Làm công tác văn nghệ mà không hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu".

Trong những thập kỷ gần đây, sự nghiệp văn hóa nói chung và sân khấu nói riêng ở nước ta từng bước được đổi mới, nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của nhân dân. Nét nổi bật của sân khấu truyền thống Việt Nam là vừa phản ánh một cách sinh động và đậm nét bản sắc văn hóa Việt Nam với những nét đặc trưng cơ bản nhất là thể hiện tâm lý cộng đồng, đạo lý truyền thống, nếp ứng xử, các mối quan hệ xã hội và đồng thời là tinh thần thượng võ của dân tộc. Vừa mang dấu ấn rõ nét về mối quan hệ giao lưu, tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa ngoại nhập để làm phong phú thêm nền sân khấu truyền thống độc đáo, vừa có bản sắc riêng, vừa đa dạng, song lại thống nhất. Đó là sự thống nhất trong đa dạng của nền sân khấu dân tộc, khác với nhiều nền sân khấu thuộc khu vực khác.

Điều khó nhất không phải chỉ dừng lại ở sự nhận thức về bản sắc văn hóa. Cái tiếp theo chính là sự thể hiện thái độ đối với văn hóa dân tộc, đối với sân khấu truyền thống. Nói đến bản sắc văn hóa là phải nói đến các quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế. Vấn đề là làm sao biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tinh tế để tạo nên sự chuyển hóa hoặc tiếp nhận tốt nhất.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thế nào, nhưng vẫn đưa sân khấu theo kịp thời đại, đáp ứng nhu cầu quần chúng hiện nay khi hoàn cảnh xã hội đang nhanh chóng phát triển, khi trình độ dân trí ngày một nâng cao. Đó là điều cần suy ngẫm đối với những ai đang đứng trên mặt trận văn hóa!

Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, con đường phát triển của sân khấu Việt Nam luôn có sự kết hợp giữa kế thừa, phát triển của nghệ thuật truyền thống với việc tiếp thu tinh hoa sân khấu thế giới, cho dù ở một số giai đoạn nào đó còn trục trặc, những cách hiểu, cách làm còn phiến diện, hẹp hòi, tuỳ tiện. Một mặt các hình thức ca kịch dân tộc như chèo, tuồng, cải lương, dân ca kịch, các hình thức múa rối, xiếc… vẫn giữ được truyền thống cũ, mặc dù còn một số hạn chế. Mặt khác cũng đã mạnh dạn tiếp thu một số kinh nghiệm của sân khấu thế giới, nhất là về phương pháp làm việc; qua đó có những tìm tòi và phát triển mới, tạo nên một số tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Người nghệ sĩ đã tìm thấy ở sân khấu truyền thống khả năng mở rộng dung lượng cho vở diễn. Lối diễn ước lệ mang đến cho nghệ thuật của diễn viên kịch nói nhiều yếu tố mới, không còn tình trạng diễn viên chỉ cần nói là đủ.

Điều đó thể hiện rõ trong các vở kịch "Quẫn" (Trần Hoạt đạo diễn). "Tiếng hát" (Xuân Đàm), "Ngày và đêm" (Vũ Minh), "Lời thề thứ chín" (Xuân Huyền), "Âm mưu và tình yêu", "Đại đội trưởng của tôi", "Nguyễn Trãi ở Đông Quan..." (Nguyễn Đình Nghi)...

Qua một số vở kịch nói mà các đạo diễn của ta vận dụng có hiệu quả tinh hoa sân khấu dân tộc đã bước đầu khẳng định hướng đi đúng của ngành Kịch nói nước ta.

Song song với việc đưa số thủ pháp và phương pháp biểu diễn của sân khấu truyền thống vào kịch nói, biến nó thành kịch nói Việt Nam với phong cách và nét riêng của mình, thì sân khấu truyền thống cũng đang cố gắng nghiên cứu để tiếp thu và đưa vào các vở diễn của mình những yếu tố tinh hoa của sân khấu thế giới, nhằm từng bước nâng dần nghệ thuật sân khấu nước ta tiến lên hiện đại mà vẫn là Việt Nam. Công việc này còn gặp nhiều khó khăn, trước hết là trong quan niệm, trong nhận thức ở ngay những người sáng tạo.

Phải tự tin, tự hào mà nhìn nhận về truyền thống văn hóa của mình, như GS Phan Ngọc đã viết: "Nói đến truyền thống văn hóa dựa trên văn học thì chẳng nước nào so sánh được với Trung Hoa. Nhưng một nền văn hóa lấy cơ sở là truyền thống yêu nước thì chẳng nước nào sánh được với Việt Nam" (N.C.Đ.N.A - số 4-94).

Trí và tâm đúng hướng cần được bắt nguồn từ văn hóa dân tộc, vì văn hóa là tính đặc thù của mỗi dân tộc. Văn hóa lại không phải bất biến, nó luôn vận động theo sự chuyển biến của xã hội. Trong sự chuyển động của văn hóa thì cái tâm có tính hằng số, cái trí có tính biến số. Ví như trong văn hóa Việt Nam, trải qua bao thăng trầm của lịch sử xã hội, cái nhân ái, hiếu đễ, tấm lòng yêu nước, nhớ nguồn vẫn luôn bền vững trong con người Việt Nam. Và cái trí của họ đã diễn dịch cái tâm, cái tấm lòng đó trong mọi hành vi, ứng xử...

Với mục tiêu là cải tiến, nâng cao sân khấu truyền thống để kịp thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày một cao của quần chúng, các nhà hoạt động sân khấu nước ta đã và đang cố gắng tìm ra con đường tốt nhất thông qua việc thử nghiệm và xây dựng một số vở. Trong vài chục năm gần đây chèo đã mạnh dạn thử nghiệm theo nhiều khuynh hướng khác nhau: hoặc dựng lại nguyên xi các vở chèo cổ (như "Trương Viên", "Quan âm Thị Kính", Từ Thức") hoặc kế thừa và phát triển những tinh hoa của chèo cổ (như bộ ba "Bài ca giữ nước", "Cô gái làng chèo", "Anh lái đò sông Vị) hoặc làm ca kịch mới (như "Nàng Sita", "Mối tình Đuông Nali")...

Ở đây, không phải là sự dung hòa, mà thực tế cuộc sống đòi hỏi ngành Chèo phải định hướng cho mình những bước đi thích hợp. Đối với tuồng cũng vậy, nhiều khuynh hướng nảy sinh trong quá trình xây dựng và phát triển. Nhiều vở tuồng cổ được chỉnh lý, cải biên như "Sơn Hậu", "Tam nữ đồ vương", "Trảm Trịnh Ân", "Nghêu Sò Ốc Hến", "Ngọn lửa Hồng Sơn", "Đào Phi Phụng"... Đồng thời, tuồng cũng đã cố gắng xây dựng những vở diễn nhằm phản ánh cái hiện thực hào hùng của dất nước như các vở "Chị Ngộ", "Má Tám", "Tình mẹ", "Trở về", "Sư già và em bé"... Nhiều vở tuồng về đề tài lịch sử cũng một thời được hoan nghênh. Tuy nhiên lại có một số vở mới về đề tài hiện đại lại sa vào cải biên một cách quá đà, làm mất chất tuồng, lược bỏ những yếu tố cốt cách của nó, biến nó thành ca kịch mới, hoặc có thể gọi là kịch nói pha tuồng...

Trong sáng tạo những vở mới, phần kế thừa phải đặt ngang hàng với phần sáng tạo của nghệ sĩ, làm phong phú thêm nền nghệ thuật truyền thống qua các thời đại. Gìn giữ và phát triển truyền thống là hai mặt của một vấn đề mang tính chiến lược về văn hóa dân tộc của Nhà nước ta. Có bảo vệ tốt truyền thống mới có sự phát triển đúng hướng, mới bảo vệ được truyền thống.

Do vậy, cần tôn trọng các nguyên tắc có tính định hướng:

Để lưu giữ, bảo tồn thì cần đảm bảo sự nguyên vẹn, không có sự can thiệp của bàn tay chuyên nghiệp.

Cần có sự gia công, trau chuốt đối với những vở chọn lọc và những trích đoạn truyền thống định đưa ra giới thiệu.

Điều cơ bản đối với những vở mới là phát triển, nhưng không được làm mất cái bản sắc riêng, tính độc đáo của chèo, của tuồng. Chúng ta không có quyền sử dụng bừa bãi cái vốn quý đó để gọi là "cách tân" hay "hiện đại". Nhân danh hiện đại để làm mất truyền thống là điều có tội. Cần tạo ra sự hợp nhất nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại cho tuồng và chèo.

Lực lượng sáng tạo khi xây dựng vở mới phải hiểu biết đầy đủ để nhận ra cái phần hồn, phần tinh hoa nhất. Và có khi tìm ra các thủ pháp hiện đại nhất không phải từ Âu - Mỹ, mà chính là xuất phát từ sân khấu truyền thống của cha ông. Trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại chúng ta có thể tiếp cận từ hai mặt: Tiếp thu, ứng dụng những cái hay của sân khấu thế giới trong dàn dựng, biểu diễn và ngay cả trong xử lý các bộ phận phụ trợ như trang trí, âm nhạc, ánh sáng v.v...

Đồng thời sân khấu truyền thống Việt Nam cũng xác định cho mình nhiệm vụ phản ánh cuộc sống đương đại. Cần vượt qua cái gọi là định hướng một chiều, coi thường khả năng phản ánh của tuồng và chèo. Chỉ có đi vào cuộc sống mới, xây dựng hình tượng mới thì sân khấu truyền thống mới có thể chứng minh khả năng tồn tại và phát triển của mình trong xã hội. Đó là con đường tiếp cận với hiện đại hay nhất, thiết thực nhất, nhưng cũng đầy gian truân!

Mối quan hệ giữa tinh thần dân tộc và tính quốc tế trong sân khấu cũng có nhiều nét tương tự. Ngày nay, khi thế giới chuyển từ đối đầu sang đối thoại và tập trung nguồn lực cho sự tăng trưởng kinh tế bằng những phương tiện và kỹ thuật hiện đại cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng tin học, thì việc giao lưu văn hóa trên thế giới cũng được mở rộng hơn bao giờ hết. Tình hình trên đặt ra hai vấn đề bức xúc, hai mối lo cho mọi người chúng ta.

Một là, trong khi chạy theo sự tăng trưởng kinh tế trong cơ chế mới làm thế nào để những giá trị nhân bản của nền văn hóa truyền thống không bị xói mòn.

Hai là, khi tiếp xúc, giao lưu với nước ngoài làm thế nào để không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Muốn hiện đại hóa nền sân khấu truyền thống Việt Nam theo hướng XHCN thì không có cách nào khác là phải chấp nhận sự cộng sinh văn hóa với thái độ khoan dung, đồng thời xây dựng một hệ giá trị, trên cơ sở đó chúng ta có thể đánh giá và tự lựa chọn để có thể hội nhập vào văn hóa khu vực và văn hóa thế giới mà vẫn giữ được bản sắc Việt Nam

Nguyễn Phan Thọ
.
.
.