Gìn giữ cho thế hệ sau

Thứ Hai, 22/01/2007, 14:40

Theo đề án "Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc", phòng Văn hóa thông tin huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) sẽ tập trung khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống; lễ tang, lễ cưới; dạy chữ viết Raglai…; tổ chức lễ hội cồng chiêng, lễ hội được mùa, lễ hội ăn mừng lúa mới.

Khánh Vĩnh là một huyện miền núi có trên 30.000 người với 6.299 hộ, gồm hơn 10 dân tộc anh em đang sinh sống như Raglai, T'rin, Êđê, Kinh, Tày, Nùng… trong đó người dân tộc Raglai chiếm đa số. Từ xưa đến nay, Khánh Vĩnh được xem như là cái nôi về bản sắc văn hóa dân tộc, tuy nhiên những năm gần đây, do các loại hình văn hóa hiện đại du nhập, thì việc bảo tồn, phát huy và phát triển các loại hình văn hóa truyền thống là điều rất cần thiết và nên làm.

Huyện Khánh Vĩnh được tách ra từ huyện Diên Khánh cũ từ năm 1985. Từ đó cho đến nay, Đảng bộ và nhân dân huyện đã có những cố gắng cùng bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đời sống kinh tế huyện nhà. Tuy nhiên, do thời kỳ đầu còn nhiều khó khăn, nên người dân chỉ biết tập trung vào làm kinh tế mà dần lãng quên đi đời sống văn hóa tinh thần.

Đối với các già làng sống trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, thì những lễ hội vốn có từ xa xưa như lễ hội ăn mừng lúa bắp mới, lễ hội cúng bến nước, lễ hội cồng chiêng, lễ hội già làng… hòa cùng với các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống như cồng chiêng, mã la, đinh năm, đinh tút, khèn sa la khen, vũ điệu, hát lí a, kể khan, sử thi, trường ca như ngấm vào máu thịt. Bản sắc văn hóa đó không chỉ đưa con người về với nguồn cội mà còn thể hiện tình yêu thiên nhiên, lòng tự hào dân tộc, ca ngợi tinh thần cần cù lao động sáng tạo, đoàn kết cộng đồng.

Hiện nay, một số lễ hội tuy vẫn được tổ chức và duy trì, nhưng cũng chỉ trong phạm vi giữ vững phong trào, không phổ biến thường xuyên hoặc gia đình nào kinh tế khá giả, làm ăn được mùa thì đứng ra tổ chức nhỏ lẻ. Các nghệ nhân già làng ở đây đang lo ngại bản sắc văn hoá truyền thống vốn có ấy sẽ dần bị mai một theo thời gian, bởi nhiều loại hình văn hoá hiện đại đã và đang du nhập làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của người dân vùng cao.

Điều đáng lo ngại hơn cả là nạn chảy máu cồng chiêng nơi đây đang ở mức báo động. Lý do cồng chiêng bị thất thoát nhiều có thể nói do người sở hữu đã bán đi để mua các vật dụng khác, cũng đã có rất nhiều người sưu tầm cồng chiêng cổ đi tìm mua với giá cao khiến cho người sở hữu chiêng đồng sẵn sàng bán hoặc bị trộm cắp. Chính vì vậy, lượng cồng chiêng hiện nay trên địa bàn huyện còn rất ít. Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa thông tin - Thể thao huyện Khánh Vĩnh thì riêng tại xã Khánh Thành, sau ngày đất nước giải phóng ước có trên 100 bộ cồng chiêng nhưng nay chỉ còn 4 bộ, hay xã Khánh Hiệp trước đây có 80% số hộ có bộ cồng chiêng, thì đến nay cũng chỉ còn 34 bộ.\

Một nguyên nhân nữa là các loại nhạc cụ truyền thống khác như đàn đá, T'rưng, khèn sa la khen, đinh năm, đinh tút còn có ít người ham mê chế tạo; một số đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện có xu hướng "Kinh hóa" như bỏ nhà sàn làm nhà theo kiểu người Kinh, nghi thức lễ cưới, trang phục, trang sức cũng như văn hoá ẩm thực; tiếng nói, chữ viết Raglai cũng ít người biết đọc, biết viết; những làn điệu hát ru, trường ca, sử thi tuy vẫn còn được lưu giữ ở người lớn tuổi nhưng với giới trẻ hiện nay thì việc ưa chuộng loại hình này hầu như không có, đó cũng là hồi chuông đáng báo động trong âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Raglai nói riêng.

Có lẽ vì vậy mà đa số thanh niên dân tộc thiểu số ở đây không biết hát, không biết đánh cồng chiêng, mã la, thổi đinh năm, đinh tút…

Đứng trước tình hình đó, Phòng Văn hóa thông tin -Thể thao huyện Khánh Vĩnh đã xây dựng và trình lên UBND huyện đề án "Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc". Theo đề án thì một số việc trọng tâm cần phải làm là tập trung xây dựng, tổ chức các lễ hội hàng năm như lễ hội cồng chiêng, lễ hội được mùa, lễ hội ăn mừng lúa mới… để bà con phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc; khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống; lễ tang, lễ cưới; dạy chữ viết Raglai…

Việc quan tâm đến bảo tồn các loại hình bản sắc văn hóa dân tộc của các cấp, các ngành ở huyện Khánh Vĩnh là việc làm đáng hoan nghênh, tuy nhiên trước hết vẫn là do ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Vì vậy, chính quyền địa phương cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các chương trình sưu tầm, nghiên cứu, tăng cường đầu tư các loại hình văn hoá đang có nguy cơ bị mất dần, nếu không một ngày nào đó nguồn tài sản tinh thần vô giá ấy sẽ chẳng còn cho các thế hệ mai sau.

Hy vọng rằng việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc ở huyện Khánh Vĩnh sớm được thực hiện. Có như vậy, kho tàng bản sắc văn hóa của cộng đồng người dân tộc thiểu số địa phương sẽ vẫn mãi tồn tại theo thời gian

Khánh Ninh
.
.
.