Giáo sư tình nguyện bắc cầu cho văn hóa, giáo dục Việt - Hàn

Thứ Sáu, 03/06/2016, 13:14
Đang giảng dạy tại một trường đại học ở Hàn Quốc, trong lần tới Lâm Đồng thăm thú, được sự giới thiệu của đồng nghiệp, GS. TS Park Jong Ryul (67 tuổi) đã bén duyên với Đà Lạt và trở thành “sứ giả” bắc cầu cho nền văn hóa, giáo dục Việt Nam – Hàn Quốc.

Giáo sư Park Jong Ryul mời chúng tôi tới thăm Trung tâm Sejong Đà Lạt, trong khuôn viên Trường Đại học Đà Lạt, nơi ông làm giám đốc vào một ngày cuối tuần. Dù ngày nghỉ, Đà Lạt mưa dầm dề nhưng trung tâm vẫn nhộp nhịp sinh viên ngành Hàn Quốc học tới tra cứu, học tập. 

Trung tâm quy mô như một thư viện thu nhỏ, nơi đây ngoài cung cấp cho giảng viên, sinh viên ngành Hàn Quốc học của Việt Nam và sinh viên Hàn Quốc tới theo học tiếng Việt tại Trường Đại học Đà Lạt các tài liệu phục vụ nghiên cứu, học tập còn có đầy đủ các trang thiết bị, máy móc phục vụ việc tra cứu, khảo cứu những tài liệu liên quan đến văn hóa, văn học, giáo dục Hàn Quốc và Việt Nam.

Giáo sư Park Jong Ryul kể, năm 2008, khi đó ông đang giảng dạy tại một trường đại học ở Hàn Quốc, trong lần tới Đà Lạt du lịch, được một đồng nghiệp đang công tác tại Trường Đại học Đà Lạt giới thiệu và khuyên ông nên tới Đà Lạt làm giảng viên tình nguyện. Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt đã trực tiếp mời GS. TS Park Jong Ryul tới giảng dạy tại Khoa Đông Phương (nay là Khoa Quốc tế học).

Sau một thời gian suy nghĩ, GS Park đã quyết định chuyển sang Đà Lạt sinh sống và làm việc tại đại học Đà Lạt trong sự ngỡ ngàng của các đồng nghiệp ở Hàn Quốc. Thời gian đầu tới Đà Lạt công tác, tìm hiểu đời sống của sinh viên ông thấy có nhiều sinh viên hoàn cảnh khó khăn, đời sống vật chất thiếu thốn nhưng vẫn quyết tâm học tập, nuôi ý chí vươn lên.

GS. TS Park Jong Ryul cùng sinh viên ngành Hàn Quốc học tại Trung tâm Sejong Đà Lạt.

Công việc đầu tiên của GS Park Jong Ryul là dành ra 3.000 USD lập quỹ học bổng hỗ trợ cho sinh viên nghèo và sinh viên giỏi ngành Hàn Quốc của Khoa Quốc tế học. Sau đó, ông tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam như Samsung, Hansol… tài trợ quỹ học bổng để hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi. Đến nay, quỹ học bổng do ông sáng lập đã quyên góp được gần 100.000 USD. Hiện mỗi năm có khoảng 60 sinh viên ngành Hàn Quốc học được thụ hưởng học bổng này.

Từ khi GS. TS Park Jong Ryul đến giảng dạy tại Trường Đại học Đà Lạt, hằng năm bằng các mối quan hệ của mình, ông đều phối hợp với Ban giám hiệu trường gửi sinh viên sang Hàn Quốc du học. Hiện có khoảng 60 sinh viên được sang Hàn Quốc du học từ nguồn học bổng của Chính phủ Hàn Quốc, của nhà trường và học bổng riêng của ông.

Các sinh viên khi trở lại Việt Nam đều nhanh chóng thành đạt, làm việc tại Trường Đại học Đà Lạt, thông dịch viên cho các công ty Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Việt – Hàn và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.

Qua sự giới thiệu của GS Park Jong Ryul, gần 600 sinh viên ngành Hàn Quốc học sau khi tốt nghiệp đã được các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam tuyển dụng vào những vị trí phù hợp, mức lương khởi điểm thấp nhất đều hơn 10 triệu đồng/tháng.

“Điều thú vị là rất nhiều sinh viên tốt nghiệp, đi làm xa nhưng họ vẫn giữ liên lạc với tôi và không quên dành những lời chúc tốt đẹp cho tôi vào sinh nhật. Có dịp trở về Đà Lạt, họ thường trở về trường thăm tôi, đưa tôi đi ăn.. và biếu tôi những món quà ý nghĩa…” - GS Park tâm sự.

Cũng thông qua sự giới thiệu của GS Park, hằng năm đều có những giảng viên từ Hàn Quốc sang thỉnh giảng ngành Kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Đà Lạt. Đồng thời ông phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường lựa chọn những sinh viên ưu tú ngành Kỹ thuật hạt nhân đưa sang đào tạo tại các trường đại học danh tiếng ở Hàn Quốc trong lĩnh vực hạt nhân để chuẩn bị nhân lực cho hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Hiện nay, ngoài đảm đương công việc giảng dạy tiếng Hàn Quốc của Khoa Quốc tế học, GS. TS Park còn là người đứng đầu Trung tâm Sejong, thuộc Trung tâm Việt – Hàn, Trường Đại học Đà Lạt. Sau những giờ lên lớp, GS Park thường dành thời gian để nghiên cứu, tra khảo văn hóa, văn học Việt Nam. Ông coi trọng văn hóa gia đình Việt Nam, cách xưng hô giữa người ít tuổi với người lớn tuổi hơn, văn hóa về công sở…

Ông nhận định, văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng. Ông tỏ ra yêu thích Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng như nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam, và luôn tìm những tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn để đọc.

Ông đánh giá sinh viên Việt Nam thông minh, cần cù, chăm chỉ và tiếp thu rất nhanh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Hàn Quốc học. Tuy nhiên, ông cũng thấy chạnh lòng vì những sinh viên ông đang giảng dạy chịu nhiều thiệt thòi so với sinh viên ở Hàn Quốc do thiếu cơ sở vật chất, đều đó ảnh hưởng không ít đến việc phát huy khả năng sáng tạo.

Kim Ngân
.
.
.