Giáo sư, Viện sĩ IU.M.Lô-pu-khin: Những ký ức ngày đầu giữ gìn thi hài Bác

Thứ Tư, 29/07/2009, 09:16
Trong cuốn tập ký, hồi ký "Bên Lăng Bác Hồ" tập I, Giáo sư, Viện sĩ IU.M.Lô-pu-khin, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Mát-xcơ-va số 2 đã có bài viết rất cảm động kể lại những hồi ức trong những ngày đầu tiên ông bắt đầu công việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam.

Bài viết này nguyên bản bằng tiếng Nga, đã được Đại tá Lại Văn Hòa - lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện 69 dịch ra tiếng Việt. Ngay sau khi bài viết được công bố, những chi tiết trong câu chuyện hồi ức này đã mang lại cho người đọc những xúc động mạnh.

Giáo sư Viện sĩ IU.M.Lô-pu-khin đã kể lại rằng: Những ngày cuối tháng 8 năm 1969, Viện trưởng Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê nin, XX. Đê-bốp gọi điện và thông báo rằng: Chính phủ quyết định tôi phải bay gấp sang Hà Nội. Tôi không hỏi gì và hiểu không cần giải thích qua điện thoại những điều bí mật, việc ướp sắp tới (hoặc như chúng tôi thường gọi là "công việc") rõ ràng liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù chưa có một thông báo nào về cái chết của Người.

Lúc đó, tôi là Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Mát-xcơ-va số 2. Tôi cũng đã ký tất cả các lệnh triệu tập các sinh viên mới năm thứ nhất. Vợ và các con tôi khỏe mạnh và tôi thực sự vui mừng vì được rời Mát-xcơ-va, khỏi phải chịu sự quấy rầy của những người khách, những sinh viên thi không đỗ và các nhà báo; khỏi những tiếng chuông đánh thức sớm; cuối cùng là thoát khỏi mệt mỏi đã tích lũy.

Ngày hôm sau, một nhóm gồm 5 người, trong đó có tôi và các nhà khoa học XX.Đê-bốp, Iu.A.Khô-rô-xcoop, I.N. Mi-khai-lốp và người trợ thủ tin cậy của ông, lên chiếc máy bay IL-62. Máy bay theo lộ trình đến Ta-sken rất nóng, chúng tôi nghỉ trong một khách sạn lớn nhưng ồn ào, với những chiếc quạt quay uể oải.

Sau một giờ, hoặc hơn một chút, chúng tôi ra máy bay, bay tiếp qua những ngọn núi phủ tuyết trắng nhìn thấy qua cửa kính. Không lâu sau đó, máy bay hạ cánh xuống Cal-cút-ta, và cuối cùng chúng tôi bay xuống sân bay ở Hà Nội.

Những cán bộ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam sang Liên Xô học tập về giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ.

Khi rời khỏi máy bay, chúng tôi ngập chìm trong cái nóng ẩm ướt, khó thở, giống như ở trong nhà tắm hơi nóng rực. Các bạn Việt Nam nhanh chóng đưa chúng tôi lên ôtô, đi vào phố và rồi đưa chúng tôi vào một ngôi nhà hai tầng màu trắng dễ chịu, được xây dựng từ thời thực dân Pháp. Ở đó, sau bữa ăn tối giản dị, chúng tôi thu xếp đi ngủ trong những căn phòng với chiếc giường rộng rãi, giường được phủ vải có riềm mỏng. Trên trần là những chiếc quạt phả ra không khí nóng và hình như đậm đặc hơn.

Chúng tôi sống trong ngôi nhà này một vài ngày và thường xuyên có người bảo vệ. Chỉ đến chiều tối, khi phố xá đã vắng, các bạn Việt Nam mới đưa chúng tôi đi dạo chơi trên phố, đi bộ xung quanh một chiếc hồ nhỏ bao quanh là công viên thú.

Ngày mồng 1/9, chúng tôi được biết tình trạng sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xấu, và chúng tôi cần sẵn sàng chuẩn bị cho "công việc". Chiều 2/9, chúng tôi tới phòng thí nghiệm đặc biệt của quân y viện. Ở đó đã chuẩn bị sẵn áo choàng, dụng cụ trong công việc và các dung dịch cố định, dung dịch ướp cần thiết chuyển từ Mát-xcơ-va đến. Lúc đó, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở đây.

Tôi đảm nhận phần kỹ thuật, XX.Đê-bốp nói nhỏ với tôi: "Nào, bắt đầu đi!". Tôi ngắm nhìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cơ thể hơi gầy, tầm thước, cơ bắp nở nang. Thi hài còn ấm (do trong những ngày này thời tiết nóng, và còn là vì thời gian Người mất chưa lâu).

Cơ chân tay phát triển không quá lớn, da nhẵn màu bánh mật, cơ thành bụng nổi rõ; bàn tay nhỏ với những ngón tay dài và móng tay hình ô - van thanh tao. Khuôn mặt với hai gò má cao điển hình của người châu Á và của nhà trí thức. Trên da mặt ở một số nơi, đặc biệt là vùng trán, thái dương có những nốt sắc tố sẫm màu không lớn do sắc tố hóa ở người già.

Ổ mắt hơi sập, môi khép lại có đường viền ngoài rõ như mỉm cười, biểu hiện sự bình yên vĩnh cửu. Trán cao rộng, tóc thưa chải về phía sau, râu dài hơi uốn cong, xen lẫn những những sợi bạc và sẫm màu. Da ở vùng chân phía mặt trong dưới xương bánh chè thấy rõ những vết kim.

Sau này tôi được biết là trước khi Người trút hơi thở cuối cùng, các chuyên gia Trung Quốc đã đưa kim châm vào các huyệt gọi là "các huyệt của sự sống".

Thấm thoắt đã 40 năm trôi qua và cách thời điểm này 10 năm, nghĩa là trong khoảng thời gian 30 năm kể từ ngày tôi và các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi được mời trở lại Việt Nam.

Tôi rất muốn thăm quê hương thân thương của Hồ Chí Minh, làm quen với các tư liệu ở Bảo tàng mang tên Người cách Lăng không xa và chủ yếu là xem xét thành quả giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước tiên đến thăm Bảo tàng tráng lệ, tôi gặp những người mến khách và dễ thương. Tôi không thể gặp thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lúc đó ông đang điều trị trong bệnh viện. Những người chủ nhà mến khách đã làm tất cả để tôi tham quan và nghỉ ngơi tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng và vui mừng mà tôi mong muốn khi đến Việt Nam, tất cả đã đạt được.

Tôi có cơ hội tham quan các nơi: đầu tiên là ở phòng viếng, sau đó là ở phòng thí nghiệm quan sát và đánh giá kỹ trạng thái thi hài. Thật tuyệt vời! Sau 30 năm, diện mạo thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh không có gì thay đổi: cả khuôn mặt bình yên và bàn tay đẹp của Người. Thể tích và hình dáng các phần mềm không thay đổi.

Tất cả những năm sau đó tôi không sang Việt Nam. Các đồng nghiệp ở Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê nin như Iu.A.Rô-ma-cốp, Tu.I. Đê-nhi-xốp Nhin-kôn-xki, L.Đ. Giê-rép-xốp, X.V. Tô-ma-sê-vích và những người đã mất như X.X. Đê-bốp, I.N.Mi-khai-lốp, B.I. Khô-mu-tốp luôn sát cánh cùng các chuyên gia Việt Nam khắc phục những khó khăn trong điều kiện chiến tranh, khí hậu nhiệt đới, việc xây dựng Lăng kéo dài… luôn đảm bảo thông số nhiệt, ẩm, tiến hành làm thuốc thường xuyên, nên thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn rất tốt. Không một thi hài nào đã bảo quản trước đây trong đó cả V.I. Lê-nin, G.M. Đi-mi-tơ-rốp… được giữ gìn trong trạng thái lý tưởng như vậy.

Rất tiếc lần ấy, tôi đã không gặp được các bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, những người Việt Nam đã cùng chúng tôi tham gia giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu: Thời điểm tôi sang Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền đã mất, còn bác sĩ Lê Ngọc Mẫn đang ốm nặng.

Cần nhận thấy rằng, những gì liên quan đến thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam quả thật là thiêng liêng. Lời dạy của Người: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" được viết bằng những chữ vàng, trang trọng trên tường tiền sảnh của Lăng.

Khi đề cập đến đất nước chúng ta (Liên bang Nga), đến sự giúp đỡ của các nhà bác học, các kỹ sư, các chuyên gia quân sự… trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, người Việt Nam luôn nhớ đến câu nói mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hay nhắc nhở: "Uống nước nhớ nguồn"

Như Bình (trích ghi)
.
.
.