Giáo lý không phù hợp với khoa học và lý trí thì rõ ràng là mê tín

Thứ Sáu, 25/09/2015, 18:21
Ngày 25/9 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức hội thảo khoa học “Đối thoại liên tôn giáo trong điều kiện mới” với sự tham dự của đại diện các chức sắc tôn giáo trong cả nước.

TS. Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, do những đặc điểm lịch sử, văn hóa, dân cư mà Việt Nam có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo với khoảng 25 triệu tín đồ của 14 tôn giáo. Mỗi dân tộc đều lưu giữ những hình thức tín ngưỡng, tôn giáo riêng... Thúc đẩy các cuộc giao lưu, gặp gỡ, đối thoại liên tôn giáo có hiệu quả đã mang lại cho Việt Nam một đời sống tín ngưỡng, tôn giáo thống nhất trong đa dạng, sôi động và ổn định, đoàn kết. Nhất là trong bối cảnh các thế lực xấu luôn lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, gây mất đoàn kết, làm mất ổn định và TTATXH hay một số đạo lạ xuất hiện, hướng con người vào mê tín dị đoan cùng nhiều mục đích khác.

TS. Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện của nhiều tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Baha’I đều chung quan điểm: Tôn giáo phải phù hợp với lý trí và tương thích với những kết luận khoa học. Nếu giáo lý không phù hợp với khoa học và lý trí thì rõ ràng là mê tín.

Đối thoại liên tôn giáo là cơ hội để các tín đồ có tinh thần cởi mở, chấp nhận trong yêu thương các tín đồ tôn giáo khác. Khuynh hướng đối thoại liên tôn giáo đã gặt hái nhiều thành quả trong việc tạo ra tình thương yêu hòa hợp giữa mọi người thuộc mọi thành phần tôn giáo khác nhau. Đối thoại liên tôn giáo chính là hành động làm phong phú hơn niềm tin của chính tôn giáo mình. Đây cũng là một trong những cơ sở và việc làm cần ưu tiên cho chiến lược xây dựng một xã hội mới, văn minh và l đảm bảo sự phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, nhấn mạnh việc đối thoại tôn giáo là cần thiết, khi các tôn giáo suy cho cùng là đều vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nhiều chức sắc đại diện các tôn giáo tham dự hội thảo.

Giáo sư Trần Đình Thụy nhấn mạnh 2 điều: Các tôn giáo cần đối thoại để hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn vì tất cả mọi tôn giáo đều tìm đến hữu thể tuyệt đối và đều muốn cho mọi người được hạnh phúc. Hiểu nhau rồi, các tôn giáo cùng đan tay khắc phục khó khăn, bỏ qua những khác biệt về lý thuyết, để làm vơi đi những đau khổ của kiếp người, cùng nhau xây dựng một xã hội hạnh phúc.

Trong lịch sử cách mạng 70 năm qua, các tôn giáo luôn đồng hành trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và giờ đây, sự thấu hiểu, đoàn kết, sẻ chia giữa các tôn giáo sẽ tiếp tục làm mạnh thêm khối đại đoàn kết toàn dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người chỉ ra ngay từ 7 thập kỷ trước.

Dạ Miên
.
.
.