Giao lưu “Hiệp định Paris và tấm lòng bè bạn”: Giây phút của hạnh ngộ và tri ân

Chủ Nhật, 27/01/2013, 17:40
Sáng 26/1, tuổi trẻ Thủ đô đã hội ngộ, giao lưu với những nhân chứng lịch sử của Hiệp định Paris 40 năm về trước. Những bè bạn quốc tế đã ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris cũng đã hội tụ để ôn lại những kỷ niệm về một thời đại lịch sử đầy vẻ vang và hào hùng, về tình đoàn kết, hữu nghị, bác ái giữa các dân tộc.
>> Nụ cười chiến thắng ở Hội nghị Paris

Hơn 9h buổi giao lưu mới bắt đầu nhưng 8h sáng khán phòng của Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội đã chật kín ghế ngồi, đủ để thấy sức hút của một sự kiện văn hóa lịch sử lớn đối với công chúng Thủ đô. Hiệp định Paris là một mốc son chói lọi trên con đường đấu tranh bằng ngoại giao của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chương trình giao lưu “Hiệp định Paris và tấm lòng bè bạn” là cơ hội giúp cho nhiều khán giả Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về một chặng đường đấu tranh đầy cam go, thử thách với nhiều hy sinh mất mát nhưng cũng rất đáng tự hào của dân tộc.

Khán giả đã được lắng nghe những tâm sự của những người bạn quốc tế như ông Ramsey Clack, người Mỹ, nguyên là Bộ trưởng Tư pháp từ năm 1967 – 1969, dưới thời Tổng thống L.B.Johnson – người đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và có nhiều đóng góp trong các hoạt động đoàn kết ủng hộ Việt Nam; ông Andre Menras, người Pháp – người đã từng công khai leo lên đầu tượng đài hai tên lính thủy đánh bộ trước trụ sở Quốc hội chính quyền Sài Gòn phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và tung truyền đơn đòi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam; bà Merle Evelyn Ratner – nhà hoạt động xã hội Mỹ, người từng trèo lên tượng nữ thần tự do ở New York phất lá cờ của Việt Nam để phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam…

Một trong những điều đặc biệt, gây bất ngờ cho các đại biểu và khán giả theo dõi chương trình là phần trò chuyện bằng tiếng Việt rất sõi của ông Andre Menras, hay còn có tên gọi khác là Hồ Cương Quyết. Đến Việt Nam với tư cách là một sinh viên mới tốt nghiệp, Andre Menras cảm thấy hết sức bất bình khi chứng kiến cuộc chiến tranh ác liệt với những cảnh tượng giết chóc dã man của quân đội Mỹ.

Rồi xuất phát từ một trái tim với tình yêu thương đồng loại hết sức nhân bản, ông tự thấy bản thân phải làm một điều gì đó để đóng góp một phần nhỏ chấm dứt cuộc chiến tranh này. Do có những hành vi chống chiến tranh nên ông đã bị quân đội Mỹ bắt giam vào tù. Trong suốt 2 năm rưỡi trong tù, ông đã được các tù nhân chính trị Việt Nam giác ngộ cách mạng, và đó cũng chính là cơ duyên để sau này khi bị trục xuất, ông có đóng góp lớn đối với Hiệp định Paris trong việc đưa tài liệu về danh sách tù nhân chính trị làm bằng chứng chống lại đế quốc Mỹ.

Cũng trong thời gian ở tù, ông được một người bạn tù đặt tên là Hồ Cương Quyết, và ông từng nghĩ nếu một ngày nào đó có cơ hội trở thành người Việt Nam thì ông sẽ lấy tên này. Ông là người nước ngoài đầu tiên được Chủ tịch nước Nguyễn Minh triết ký quyết định nhập Quốc tịch Việt Nam.

Chương trình giao lưu “Hiệp định Paris và tấm lòng bè bạn” là lời tri ân sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước.

Khán giả đến với chương trình giao lưu còn được gặp gỡ và trải nghiệm những ký ức xúc động của những người bạn quốc tế rất gần gũi với Việt Nam, những người trực tiếp ngồi trên bàn đàm phán Hiệp định Paris năm nào. Đó là ông Anatoly Khyupenen, nguyên là Trưởng đoàn cố vấn quân sự tại Việt Nam từ năm 1972 – 1975 ông Lương Phong, Vụ phó Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc bấy giờ, hay ông Michel Strachinescu, quốc tịch Pháp – người lái xe cho phái đoàn ta ở Verrieresle Buisson trong 3 năm từ 1970 – 1973…

Đó là người bạn Italia Renato Darsie, đảng viên Đảng Những người Cộng sản Italia – một trong những người lãnh đạo phong trào ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ nói chung và Hiệp định Paris nói riêng; là người bạn Ai Cập Nouri Abdulrazzak Hussain Mahmoud, Tổng Thư ký Tổ chức Đoàn kết Nhân dân Á – Phi, hay người du kích quân Caracas Carlos Rey Gomez người Venezuela đã tham gia vụ bắt giữ sĩ quan Mỹ Micheal Smolen để đánh đổi chiến sỹ biệt động Nguyễn Văn Trỗi…

Ông Trịnh Ngọc Thái, một trong những người đã từng tham gia quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris cũng đã chia sẻ: Bạn bè quốc tế giúp đỡ chúng là chính là bởi tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh giành độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được dư luận thế giới đồng tình.

Có một câu nói của nữ văn sỹ người Thụy Điển rằng, “cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là lương tri của loài người, là trái tim của nhân loại”. Chúng ta chiến đấu trên 3 mặt trận là quân sự, chính trị, ngoại giao, trong đó đấu tranh quân sự trên chiến trường mang tính chất quyết định, tuy nhiên sự đóng góp của phong trào nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh của chúng ta là một mặt trận tạo điều kiện giúp chúng ta thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Paris.

Chúng ta phải kể tới sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình, có tác động to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc chủ nghĩa, phong trào không liên kết… Đặc biệt ở Mỹ có tới 11 người thanh niên tự thiêu chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, rất nhiều phụ nữ Mỹ tự buộc tay, khóa tay vào hàng rào tòa Bay-ốc phản đối lực lượng đàn áp...

Có thể nói, chiến thắng của chúng ta không chỉ đến từ sự nỗ lực của quân và dân ta, mà còn nhờ những vòng tay siết chặt của bè bạn quốc tế trong những ngày tháng đó…

Đến từ sớm và ngồi lại những giây phút cuối cùng của buổi giao lưu để chứng kiến hết, trải nghiệm hết những ấn tượng, kỷ niệm thiêng liêng của những bạn bè quốc tế, em Nguyễn Thị Huyền, Sinh viên khoa Pháp, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội tâm sự: “Hôm nay em thực sự rất bất ngờ và hiểu biết thêm rất nhiều những câu chuyện cảm động xoay quanh những vị khách quốc tế đã có nhiều hoạt động ủng hộ, chia sẻ cùng nhân dân Việt Nam. Em muốn được thay mặt thế hệ trẻ Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến họ…”.

Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký kết Hiệp định Paris: “Phong trào đoàn kết quốc tế ủng hộ Việt Nam của hàng triệu, hàng triệu người dân bạn bè trên thế giới giúp chúng ta hình dung bạn bè thế giới đã đem lại sự ủng hộ, tình cảm như thế nào. Đó chính là nhân tố hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đối với thắng lợi của nhân dân ta.

Hôm nay tôi muốn thay mặt nhân dân Việt Nam thể hiện sự tri ân sâu sắc, và mãi mãi đối với bạn bè quốc tế, từ các bạn đến từ châu Âu, châu Á, châu Phi đến những người bạn Mỹ. Mong rằng những tình cảm hữu nghị của chúng ta đã trải qua mấy chục năm, sẽ tiếp tục mãi mãi, để chúng ta thấy cuộc sống càng ngày càng tốt đẹp, tình hữu nghị giữa chúng ta càng ngày càng thắm thiết”.

Quỳnh Vinh
.
.
.