Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội năm 2006

Thứ Năm, 14/09/2006, 13:43

Ngày 12/9/2006, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 đã được công bố. Tiểu thuyết "Mẫu thượng ngàn" của Nguyễn Xuân Khánh, tập thơ "Hành trình" của Hoàng Hưng, tập tiểu luận, phê bình văn học "Giăng lưới bắt chim" của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết "Cô đơn trên mạng", của Janusz L. Wisniewski (Ba Lan), bản dịch của Nguyễn Thanh Thư đã được vinh danh.

Sàng lọc từ trên 100 tác phẩm được giới thiệu, xuất bản trong khoảng thời gian từ 1/7/2005 đến 30/6/2006, cuối cùng 10 tác phẩm có dư luận và có chất lượng hơn cả được chọn vào vòng chung khảo.

Theo Hội Nhà văn Hà Nội, trong một năm qua, văn xuôi và thơ có nhiều tác phẩm hay, gây được dư luận và được nhiều người tìm đọc. Vì vậy, số lượng giải thưởng có thể nới rộng, thậm chí có thể trao giải cho vài ba tác phẩm thuộc mỗi thể loại. Tuy nhiên, trong tình hình lạm phát giải thưởng và "mưa" huy chương ở các ngành văn học nghệ thuật, việc trao giải một cách cẩn trọng là việc cần thiết.

"Mẫu thượng ngàn" của Nguyễn Xuân Khánh vừa mới phát hành đã nhanh chóng gây được dư luận. Cuốn tiểu thuyết mang tính lịch sử, văn hóa, phong tục có vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại. Văn hóa Việt, tín ngưỡng Việt và cuộc hòa nhập với văn minh phương Tây, đồng thời là sự phản kháng, được mô tả sâu đậm và quyến rũ. Cuốn tiểu thuyết đã đạt được số phiếu tuyệt đối của Hội đồng chung khảo: 9/9 phiếu.

"Hành trình" của Hoàng Hưng tập hợp những bài thơ sáng tác trong giai đoạn 1995-2005. Sau rất nhiều tìm tòi thể nghiệm, sau khi đã thử nhiều phương pháp, thơ Hoàng Hưng đã đạt đến độ chín ở tập "Hành trình". Sự tìm tòi hình thức đã lặn vào, thấm vào nội dung, kỹ thuật đã chuyển hóa thành hiệu quả. Hành trình ráo riết đi ra với thế giới bên ngoài cũng đồng thời là hành trình nhận chân chính mình, trở lại với mình. Một cuộc du ngoạn hiện đại thấm đẫm chất thiền có sức lay động và thuyết phục được người đọc.

Nếu còn có điều băn khoăn thì chính là tác giả đã chú tâm chăm chút hơn cho cấu trúc toàn bài thơ mà chưa thực sự làm sáng lên từng câu thơ để khắc dấu vào tâm trí độc giả. Tập thơ này và tập "Giăng lưới bắt chim" được 8/9 phiếu bầu.

"Giăng lưới bắt chim" tập hợp những bài phê bình văn học, tiểu luận, tạp văn của Nguyễn Huy Thiệp. Những ý kiến khơi khơi, tưng tửng, khi chua xót lúc lại dí dỏm, tạo nên một vẻ hấp dẫn riêng. Chặng đường đồng hành với nhà văn, người ta có thể ngờ vực, có thể nghi ngại, nhưng người dẫn đường luôn chứng tỏ có sức hút khó cưỡng. Ở bài này bài khác, một số quan điểm của tác giả không dễ nhận được sự tán đồng, có thể cần được trao đổi thêm.

"Cô đơn trên mạng" là bản dịch cuốn tiểu thuyết Ba Lan đương đại. Hơi thở thời đại và những vấn đề của một xã hội trong thời toàn cầu hóa bao trùm toàn bộ cuốn sách. Trong quá trình chuyển dịch từ ngôn ngữ gốc là tiếng Ba Lan sang tiếng Việt, chưa thể nói rằng dịch giả đã thực sự làm chủ được tiếng Việt ở mức độ cao, những ngôn từ chuyên môn chưa hẳn đã chuẩn xác, một số khái niệm thiếu chính xác ở bản gốc chưa được tác giả khắc phục bằng những chú thích cần thiết. Nguyễn Thanh Thư bắt đầu nối lại cuộc tiếp xúc với một nền văn học quan trọng, bị đứt đoạn trong gần hai chục năm qua.

Bốn tác phẩm, bốn gương mặt góp phần làm cho độc giả hình dung ra diện mạo văn học trong một năm qua. Lễ trao giải chưa được công bố

Dương Thái Sơn
.
.
.