Giải thưởng Hội Nhà văn VN 2012: Không cần xếp hàng đợi tới phiên

Thứ Sáu, 18/01/2013, 09:36
Giữa những tên tuổi đã rất quen thuộc, nhà thơ Phạm Đương với tập thơ “Giờ thứ 25” được coi như một phát hiện của giải năm nay. Tuy nhiên nhà thơ Phạm Đương, vốn được biết đến cùng bút danh nhà báo Trần Đăng lại không phải người xa lạ giữa chốn cầm bút.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 vừa thông báo, đã tạo nên sự bất ngờ cho nhiều người khi thiếu vắng hạng mục văn học dịch. Ngoài các giải thưởng chính thức, Hội Nhà văn còn trao bằng khen cho một số tác phẩm tạo được dư luận trong thời gian qua. Giữa những tên tuổi đã rất quen thuộc, nhà thơ Phạm Đương với tập thơ “Giờ thứ 25” được coi như một phát hiện của giải năm nay. Tuy nhiên nhà thơ Phạm Đương, vốn được biết đến cùng bút danh nhà báo Trần Đăng lại không phải người xa lạ giữa chốn cầm bút. Anh đã trò chuyện với Báo CAND ngay khi vừa kịp tận hưởng niềm vui lớn:

PV: Nói một cách chân thành, anh có bất ngờ khi nghe tin mình được giải thưởng Hội Nhà văn năm 2012, lại đồng hạng với những người bạn vong niên của anh như nhà thơ Thanh Thảo?

Nhà thơ Phạm Đương: Thơ khác với chạy thi, hễ ai chạy “nhanh nhất” thì nhận huy chương vàng, dù cả thơ lẫn chạy đều… lao về phía trước. Dĩ nhiên, xin hiểu cho rằng “chạy” của thơ không phải là chạy đua để giật giải. Tôi làm thơ như một nhu cầu tự thân, như là một cách để “giải thoát” cho chính mình chứ không nghĩ giải. Vậy nên đoạt giải là điều bất ngờ với tôi.

Bất ngờ hơn là anh Việt Hưng, Thư ký tòa soạn của Báo Thanh Niên tại Hà Nội khi nhận bản tin về giải thưởng đã điện hỏi tôi: “Có phải Phạm Đương là anh không đấy?”, vì tôi đang là phóng viên Báo Thanh Niên nhưng không mấy người ở báo biết tôi… có làm thơ.

Riêng việc tôi được vinh dự “đứng chung” với bậc lão làng về thơ như bạn nói thì tôi không bất ngờ. Vì thơ chứ có phải chính sách đâu mà phải xếp hàng đợi đến phiên? Tôi nhớ cách đây 35 năm (1978), giải thưởng đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Thanh Thảo lúc ấy 32 tuổi đã “hất văng” nhà thơ Huy Cận, hơn mình những 26 tuổi, ra khỏi giải kia mà.

PV: Anh được coi là một phát hiện của giải thưởng năm nay, vậy cũng tức là nhà thơ Phạm Đương chưa thực sự thành một tên tuổi quen thuộc với người hâm mộ, hoặc giả cái bút danh nhà báo Trần Đăng đã lấn lướt chính bản thân anh trong thơ?

Nhà thơ Phạm Đương: Tôi không hiểu dựa vào đâu để nói rằng tôi là “một phát hiện” của giải? Tôi nghĩ, thơ luôn là bạn đồng hành của sự lặng lẽ. Có lẽ tôi không hợp lắm với những “ồn ào” ngoài thơ nên ít người biết chăng? Đúng tôi là một nhà báo chuyên nghiệp, dưới cái tên Trần Đăng, “mượn danh” của một nhà văn nổi tiếng - bút danh mà tôi từng “khổ sở” trước nhiều câu hỏi tò mò của các nhà báo, nhưng tôi nghĩ, giá trị của tác phẩm sẽ làm nên “cái tên” của nhà báo hay nhà thơ chứ không phải ngược lại.

Bìa tập thơ “Giờ thứ 25” của nhà thơ Phạm Đương.

PV: Có nhiều người đánh giá anh là nhà thơ dấn thân. Còn anh, anh tự nhìn nhận mình như thế nào?

Nhà thơ Phạm Đương: Tôi không hiểu ý “dấn thân” ở đây là theo kiểu gì? Nếu nói “dấn thân” là dám “nói thật” về mình, về đất nước mình, đồng bào mình, kể cả những điều mà say rượu cũng không dám nói thì tôi đang “dấn” đây. Còn “dấn” mọi cách để được nổi tiếng thì tôi không dám đâu.

PV: Hỏi nhỏ một chút, tập thơ “Giờ thứ 25” của anh phát hành được bao nhiêu bản, chủ yếu là “biếu rất chạy” hay bán được ra công chúng?

Nhà thơ Phạm Đương: Tập thơ này cũng như các tập khác, tôi đều tự bỏ tiền túi ra in. Cho phép tôi được giấu số lượng nhé. Tôi dành ra 150 cuốn để tặng, mà “tặng” mấy tháng nay vẫn chưa hết. Giá như tặng thơ mà dễ dàng như mời đám cưới thì chắc hết lâu rồi. Hiện tôi còn “giữ nguyên” số lượng thơ in sau khi tìm người tặng cho hết 150 cuốn mà không tìm ra đối tượng để tặng. Không biết giải thưởng này liệu có giúp được gì trong việc “tiêu hóa” số thơ còn lại không đây?

PV: Anh có theo dõi sự kiện tập thơ “Đi qua thương nhớ” của gương mặt trẻ Nguyễn Phong Việt đã tiêu thụ được hàng vạn bản trên thị trường, và vẫn còn tiếp tục “hot” trong những ngày này. Chứng tỏ, độc giả đâu có quay lưng với thơ mà do thơ đã tìm đến độc giả theo cách thức nào, còn đường nào? Anh nghĩ thế không?

Nhà thơ Phạm Đương: Tôi có đọc đâu đó nói về sự “hot” này. Xin được chúc mừng bạn Nguyễn Phong Việt. Hy vọng thơ không phải như nhà đất, được các ngân hàng “đẩy” giá lên quá mức mà nó vốn có để giờ thành “nợ xấu”.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ Phạm Đương.

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012 được trao cho các tác phẩm: Văn xuôi: Tập truyện ngắn Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ. (Bằng khen: Tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc của Y Ban; Tiểu thuyết lịch sử Một thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam).

Thơ: Giải thưởng: Trường ca chân đất của Thanh Thảo; Màu tự do của đất của Trần Quang Quý và Giờ thứ 25 của Phạm Đương. (Bằng khen: Hoa hoàng đàn nở muộn của Khuất Bình Nguyên và Chất vấn thói quen của Phan Hoàng). Lý luận phê bình: Giải thưởng: Đa cực và điểm đến của Văn Chinh…

Mi Sol (thực hiện)
.
.
.