"Giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống"

Thứ Năm, 24/11/2011, 09:05
Hơn 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, quản lý được đưa ra tại hội thảo "Giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống" do Bộ VH-TT&DL, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 23/11 nhằm tìm ra hướng đi để sân khấu thoát khỏi sự khó khăn hiện nay.

Là người tâm huyết với nghệ thuật sân khấu, sau khi đưa ra những dẫn chứng thuyết phục, GS. Hà Văn Cầu nhấn mạnh: Các loại hình sân khấu đều có những đặc điểm riêng, mà công việc đào tạo phải đi sâu, làm sáng tỏ cho người học nắm vững. Việc sáng tác kịch bản muốn chuyên sâu thì từng ngành nhất thiết phải làm theo yêu cầu về mặt hàn lâm và được thêm, bớt theo yêu cầu của địa phương. Festival Huế cũng đề nghị cần xây dựng bảo tàng sống chuyên ngành phục vụ giảng dạy, học tập; tập hợp các trí thức lớn có khả năng tổng kết học thuật hàng năm, phát hiện và đề nghị giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong từng giai đoạn, tiên lượng được phương hướng phát triển của ngành nghề và gợi mở những vấn đề nâng cao tay nghề cho lực lượng tác giả.

PGS. Tất Thắng cho rằng, muốn bảo tồn sân khấu thì phải bảo tồn chủ yếu bằng các vở diễn, vai diễn, qua sự sáng tạo đầy sức mạnh nhân thân và cảm hứng sáng tạo của các nghệ sĩ nối tiếp nhau. Quan tâm đến các nghệ sĩ bậc thầy để học cầm chắc và giơ cao bó đuốc của nghệ thuật trình diễn sân khấu, trao bó đuốc ấy cho các thế hệ tiếp tục làm cho truyền thống ấy rực sáng mãi trên bầu trời sân khấu Việt Nam.

Cho rằng công chúng xa lánh nghệ thuật truyền thống chính là vì không còn được thưởng thức những tác phẩm thuần chèo, thuần tuồng nữ, mà chỉ đối diện với sự méo mó, xộc xệch lai căng trong dàn dựng, múa hát, nhạc sĩ Đôn Truyền đề nghị: "Muốn nâng cao vị thế của nghệ thuật truyền thống, không thể dùng biện pháp hành chính hay kinh tế, mà chính là nỗ lực nội tại của giới sấn khấu phải làm chèo cho ra chèo, tuồng cho ra tuồng".

Từ chiếc nôi của cải lương đến với hội thảo, nghệ sĩ Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nhấn mạnh giải pháp bảo tồn nghệ thuật sân khấu là giữ hồn dân tộc. Ông cũng đưa ra một số đề xuất: cần định hướng lâu dài và toàn diện công tác đào tạo, cả diễn viên, nhạc công lẫn đạo diễn và tác giả. Để khắc phục tình trạng thiếu kịch bản, cần đầu tư cho hoạt động sáng tác theo tiêu chí hiệu quả, đúng trọng tâm, đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu.

Gắn bó nhiều năm với công tác giảng dạy ở trường nghệ thuật, NSƯT Trần Minh Ngọc nêu quan điểm: Muốn phát triển cái mới phải gìn giữ cái gốc cũ đã tạo ra nó. Do vậy, cần có chiến lược lâu dài như "trả lại cho cải lương những giá trị bản sắc của nó". Cần xây dựng quan hệ thân thiết lâu dài giữa học sinh phổ thông với các nhà hát, tạo sự yêu thích sân khấu dân tộc từ rất sớm. Nên coi trọng việc giảng dạy theo kiểu truyền nghề, vì hiện nay, Nhà hát Quốc gia Pháp vẫn đào tạo diễn viên theo kiểu truyền nghề và giữ gìn phong cách diễn hài từ thời Moliere. Nhà hát, nhà trường cũng là nơi gìn giữ những giá trị nghệ thuật kinh điển, sẽ là điểm giới thiệu nghệ thuật sân khấu truyền thống cho mọi người trong và ngoài nước muốn tìm hiểu sâu.

PGS.TS Lê Thị Hoài Phương, PGS.TS. Trần Trí Trắc, TS. Đinh Quang Trung, TS. Phạm Trí Thành vv… đều đưa ra những ý kiến tâm huyết để có thể phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống. Đó là làm sao để khán giả yêu mến sân khấu, từ đó, mới có thể thu hút được đồng bộ đội ngũ diễn viên, đạo diễn, tác giả có tay nghề. Bên cạnh việc bảo tồn, tôn vinh truyền thống, cũng phải coi trọng sự cách tân, đổi mới để phù hợp với thế hệ trẻ hôm nay. Vấn đề đào tạo trong các nhà trường, chiến lược phát triển đúng hướng với những chính sách hợp lý của nhà quản lý và sự nỗ lực nội tại của các đơn vị nghệ thuật giữ vai trò căn bản để việc bảo tồn và phát huy sân khấu dân tộc thực sự hiệu quả

Dạ Miên
.
.
.