Giá trị của nỗi đau

Thứ Hai, 29/01/2007, 08:42

Phiên toà hình sự xét xử sơ thẩm vụ án "bán độ" của 7 tuyển thủ tại SEA Games 23 đã khép lại. Án đã được tuyên. Một phiên toà, một bản án đã đặt dấu chấm hết cho nỗi đau mà cả làng bóng đã phải chịu đựng hơn một năm qua?Không, đó chỉ là dấu chấm lửng (…).

Nỗi đau đó sẽ còn bị "cày xới" trong một phiên tòa phúc thẩm của những lá đơn kháng cáo theo đúng luật Tố tụng hình sự.

Nỗi đau đó sẽ còn bị "đào bới" trong một "phiên tòa" của VFF để xử "tội nghề" của các cầu thủ "dính chàm" theo "gia pháp" của Liên đoàn.

Và nỗi đau đó sẽ không thể và không nên ngủ yên ở tòa án lương tâm của những cá nhân sai phạm và của cả những "người lớn" đã không biết nắn những đôi chân non đi đúng đường.

Ai đó đã nói rất đúng rằng: "Nỗi đau không thể trả một lần là xong, mà nó giống như một khoản vay trả góp. Cho dù giàu có thì khi đối diện với nỗi đau, bạn cũng khó lòng một lần rũ sạch mọi nợ nần".

Một năm qua, làng bóng đã phải sống cùng nỗi đau. Người ta chờ đợi một phiên toà để một lần đau thật đau, rồi nhấn chìm tất cả trong quá khứ và tiếp tục sống. Nhưng nỗi đau đó không khép lại ở những phiên toà, dù là toà hình sự hay "toà" nghề nghiệp. Và nó cũng không nên khép lại! Vấn đề là ở chỗ ta đối diện với nó như thế nào?

Hãy nhớ về nỗi đau hôm qua để hôm nay và ngày mai không còn bị vấp ngã và gánh chịu những tổn thương lớn hơn. Hãy nhớ về nỗi đau để sửa sai cho mai hậu không còn những danh thủ phải nuối tiếc "bóng đá cho tôi thật nhiều mà cũng lấy của tôi thật nhiều" sau những lầm lỡ. Hãy nhớ về nỗi đau để ngày sau không còn những bà mẹ, ông bố phải thét gào bi phẫn: "Bóng đá giết con tôi"!

Hãy nhớ về nỗi đau của những đôi chân lầm lạc để tự răn mình trên sân cỏ hay sân đời, vinh quang lắm, nhưng cạm bẫy cũng nhiều, chỉ một phút yếu lòng là tiêu tan cả sự nghiệp. Hãy nhớ về nỗi đau của những mái đầu xanh cúi gằm trước vành móng ngựa để ý thức rõ ràng về sự cần thiết của một trường bóng đá vô trùng; một thứ bóng đá tử tế và sạch sẽ; một sân bóng ít "lầy lội". 

Và hãy nhớ về nỗi đau để thấy rằng việc đào tạo tài năng không chỉ là dạy cho những đôi chân đá hay, đá giỏi và đá thắng, mà còn phải dạy dỗ, gìn giữ cho cái đầu của họ đứng vững trước ranh giới mong manh giữa cái tốt và cái xấu.  

Đó mới là giá trị thật của nỗi đau, cũng là cách để chúng ta đối diện và trả nợ nỗi đau với nghĩa của một khoản trả góp!

Tôi từng thấy ông thầy người Áo thở than chuyện tiêu cực cướp đi của ông những học trò ưng ý trong những lần chọn người cho tuyển. Tôi đã từng nghe không ít quan chức Liên đoàn nói về ảnh hưởng nặng nề của vụ án "bán độ" đối với chất lượng chuyên môn của đội tuyển quốc gia. Tôi đã từng đọc những bài viết của các bạn đồng nghiệp khi so sánh những vị trí mới trong đội hình của tuyển hiện tại với những trụ cột dính chàm khi xưa.   

Nhưng, nỗi đau không có chức năng "biện hộ" cho những thất bại theo cái kiểu "vì đội tuyển mất người trong cơn bão tiêu cực". Nỗi đau đó cũng chẳng có ý nghĩa nếu được nhắc theo hai chữ "giá mà" đầy tiếc nuối khi đội tuyển hụt hẫng giấc mơ thành tích vì khả năng của những người ra sân không bằng được người… ra tòa.

Hãy để nỗi đau giúp chúng ta sống tốt đẹp và trách nhiệm hơn; trao cho chúng ta kinh nghiệm, sức mạnh và nghị lực để đối diện và vượt qua nó, chứ đừng để nó "gặm nhấm", tàn phá ta ngày qua ngày trong sự nuối tiếc

Bảo Hân
.
.
.