Gặp tác giả ca khúc "Mười chín tháng Tám"

Thứ Bảy, 18/08/2007, 08:33
Khi đi tìm thân nhân liệt sỹ, PV Báo CAND vinh dự được gặp nhạc sỹ Xuân Oanh - tác giả ca khúc sống mãi với thời gian "Mười chín tháng Tám", tại tư gia.

Trong những ngày này, đâu đâu cũng vang lên lời ca hào hùng "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày... Mười chín tháng Tám, khi khối căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung!...".

Nhạc sỹ Hồng Đăng dẫn tôi đến nhà nhạc sỹ Xuân Oanh trong một con ngõ nhỏ ở phố Quán Sứ, Hà Nội. Hai nhạc sỹ gặp nhau tay bắt mặt mừng còn tôi thì ngạc nhiên vì sự trẻ trung của vị nhạc sỹ tuổi ngoài 80.

Dáng người dong dỏng, da trắng, vầng trán rộng, đặc biệt là ông đang diện chiếc quần jean có kiểu dáng và màu sắc rất thời trang. Ngắm nhìn ông lúc ấy, tôi tin rằng quần jean không chỉ dành cho người trẻ tuổi mà có những người lớn tuổi mặc nó vẫn rất hợp, nhạc sỹ Xuân Oanh là ví dụ.

Nhìn thấy cuốn từ điển tiếng Anh dưới gầm bàn, tôi hỏi: "Nhà bác có ai học tiếng Anh ạ?". Ông cười bảo: "Tôi học đấy". Thấy tôi ngạc nhiên, ông nói tiếp: "Nghe đài, xem vô tuyến của nước ngoài, nghe họ nói đến một từ nào đó mới mà mình không hiểu nghĩa cứ thấy tức tức nên phải giở ra xem".

Cụ già 85 tuổi đang ngồi trước mặt tôi đây vẫn học, học từng từ tiếng Anh để làm giàu thêm kho từ vựng quốc tế ngữ rất vốn giàu có của mình. Những đầu sách ông dịch từ tiếng Anh đâu có ít. Thông thạo tiếng Anh, Trung, Pháp, ông không có ngày nghỉ hưu bởi thời gian đều dành cho việc đọc, dịch sách, viết nhạc, vẽ.

Ông hỏi tôi địa chỉ e-mail. Tôi ngạc nhiên hỏi: "Bác vẫn thường xuyên lên mạng ạ?", nhạc sỹ không trả lời mà chỉ cười hiền lành.

Qua câu chuyện được biết, sau giải phóng, nhạc sỹ sang Canada công tác và mê máy tính ngay khi nhìn thấy nó. Mê đến mức sau này khi máy tính chưa phổ biến, ông đã rinh về từ nước ngoài một cái.

Chẳng qua trường lớp hay khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn gì. Ông tự học thế mà sử dụng nó thành thạo khiến ối người trẻ tuổi phát thèm.

Nhìn ông lão tự tin ứng dụng công nghệ thông tin, tôi chợt nhớ ra câu nói của ông lúc trước: "Học cái gì thì học cho đến nơi đến chốn, già vẫn phải học chứ không phải có bằng, có cấp là thôi. Lao động trí óc giúp người ta sáng suốt. Về hưu mà không làm việc dễ dẫn đến lẩm cẩm".

Đi theo cách mạng, chàng trai Hải Phòng dùng kiến thức tự học đóng góp cho phong trào mà tác phẩm "Mười chín tháng Tám" là một trong những thành quả.

19/8/1945, từ năm cửa ô, dòng người kéo về quảng trường 19-8 đông nghịt. Chàng trai trẻ Xuân Oanh khởi hành từ Văn Điển và hòa vào dòng người đang hừng hực khí thế cách mạng. Cờ, hoa, trống... rộn ràng, lòng người trào dâng cảm xúc.

Trong ông bỗng bật ra câu: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày". Dòng người càng tiến dần về trung tâm thành phố, những dòng chữ viết vội trên tờ giấy ông cầm trên tay càng dài hơn. "Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam". Câu cuối của bài hát cũng là lúc ông hòa dòng người kéo ở trung tâm thành phố.

Chiều 19/8, bài hát in ở một hiệu sách và phát trên sóng phát thanh lúc nào ông không biết. Anh em ở Hải Phòng, Hải Dương thông báo ông mới hay. Những giây phút xuất thần trong thời điểm lịch sử giúp nhạc sỹ Xuân Oanh sáng tác thành công ca khúc "Mười chín tháng Tám". Ca khúc đánh dấu sự kiện trọng đại của dân tộc cũng như cuộc đời người sinh ra nó.

Lúc chúng tôi mới bước vào nhà, nhạc sỹ Xuân Oanh đưa cho nhạc sỹ Hồng Đăng và tôi bản nhạc ông mới viết gần đây có tựa "Phải vậy sao anh?" phổ thơ Trương Tuyết Mai.

Nhạc sỹ Hồng Đăng trầm trồ: "Thơ Trương Tuyết Mai thì nhất rồi", còn tôi thì chúi đầu vào câu chữ trong bài hát: "Em biết đời bão dông là thế mà cứ đi trong mưa để gió dập tứ bề. Em biết đời bể dâu là thế sao lặn ngụp hoài cho lòng mãi tái tê... Muốn được yêu anh đâu chỉ biết đợi chờ. Mà em phải còn biết ngu ngơ".

"Tình ca của ông cụ 85 tuổi mà trẻ thế này ư?", tôi bật hỏi. Cả tác giả và nhạc sỹ Hồng Đăng cùng cười

Cao Hồng
.
.
.