Gấp rút hoàn thành tượng đài "Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên"

Thứ Bảy, 24/03/2012, 14:35
Theo thiết kế, tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” được xây dựng trên quảng trường Đại Đoàn Kết - tên gọi thể hiện tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên như thư Bác Hồ căn dặn.

Khi chúng tôi có mặt ở TP Pleiku (Gia Lai), công trình văn hóa tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Dưới cái nắng vàng rực như hoa, dưới những ngọn gió cao nguyên mênh mang, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn 532, Binh đoàn Trường Sơn đang hối hả làm việc, để công trình có ý nghĩa đặc biệt này kịp khánh thành đúng dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam diễn ra tại TP Pleiku (19/4/1946), kỷ niệm lần thứ 122 sinh nhật Bác (19/5) và 80 năm thành lập tỉnh Gia Lai.

Với tầm quan trọng của công trình đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo và Nhà nước đầu tư hơn 200 tỷ đồng, nhiều cuộc hội thảo do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam đã được tổ chức trước khi khởi công.

Theo thiết kế, tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” được xây dựng trên quảng trường Đại Đoàn Kết - tên gọi thể hiện tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên như thư Bác Hồ căn dặn. Tượng Bác được đúc bằng đồng nguyên khối, với hình ảnh Bác đứng với tư thế khoan thai, tay phải giơ cao vừa phải, giản dị và gần gũi, thể hiện phẩm chất cao quý và vĩ đại của Bác.

Tượng có tổng chiều cao hơn 16m, do Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn di sản văn hóa (Hà Nội) thi công. Nhà điêu khắc trẻ Phạm Bá Đua là tác giả của phần điêu khắc và tượng đài. Bức phù điêu lớn phía sau tượng Bác có chiều dài 58m, cao 12,5m với hình những cánh sen lan tỏa hai bên, khắc họa các nét văn hóa, lịch sử, sản xuất, chiến đấu và sinh hoạt tiêu biểu của các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó, hình ảnh nổi bật là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết xung quanh Bác. Bức phù điêu do các nghệ nhân làng nghề ở Ninh Bình thực hiện.

Phác thảo tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”.

Tượng đài tựa lưng vào một ngọn núi nhân tạo, cao 14m, được đắp từ hơn 40.000m3 đất, mang dáng núi Hàm Rồng - một đỉnh non thiêng của Gia Lai, có trồng cây xanh, từa tựa mái nhà rông, tượng trưng hình ảnh Bác cùng đồng bào Tây Nguyên quây quần bên mái nhà truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Theo các chuyên gia, khu đất đặt tượng đài Bác có thế “tả thanh long, hữu bạch hổ” phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ánh sáng hội tụ. Vị trí đặt tượng là huyệt “Huyền vũ”, phía trước có “Án thư minh đường”, nên rất tốt.

Bên trái quảng trường là tảng đá nguyên khối có diện tích hơn 20m2, khắc toàn văn bức thư Bác Hồ gửi các dân tộc Tây Nguyên ngày 19/4/1946. Bên phải quảng trường là cột đá thề gồm 54 tảng đá bazan hình tròn, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam đoàn kết, thống nhất một khối. Quảng trường Đại Đoàn Kết được thi công theo mẫu của quảng trường trước Lăng Bác ở Hà Nội. Hơn 23.000m2 đá bazan chỉ riêng có ở Tây Nguyên được lựa chọn để thi công mặt sân. Đây là loại đá đặc biệt, do núi lửa kiến tạo nên thành từng thỏi, dài chừng 3-4m, có đường kính 60-80cm, đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Gia Lai cho biết: Ngoài tượng đài, công trình văn hóa này còn có Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai-Kon Tum, Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tượng đài Anh hùng Núp, Công viên Lý Tự Trọng… UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức cho các già làng tới tận công trường thi công bức phù điêu tại Hà Nội, để góp ý về nội dung khắc họa trên đó và các nhà thiết kế, thi công sẽ thực hiện theo góp ý của các già làng, từ các chi tiết nhỏ như bóng cây kơ nia, đến việc cân đối để có đủ già, trẻ, trai, gái, các thành phần dân tộc v.v… để thể hiện được sức sống, hơi thở của Tây Nguyên.

Già làng Đinh Tờng (thị trấn Kbang, huyện Kbang) rất phấn khởi vì đoàn già làng đã góp ý một số chi tiết, để bức phù điêu thêm đẹp và ý nghĩa thêm sâu và giờ đây, bà con dân làng đang ngày đêm mong ngóng ngày được đón tượng Bác về Gia Lai. Là người đã may mắn được gặp Bác 5 lần, Nhà giáo Nhân dân Siu Pơi bày tỏ rằng, tượng đài được đặt tại Gia Lai có ý nghĩa đặc biệt với ông, cũng như bao người dân Tây Nguyên khi đó là cách luôn được thấy Bác ở rất gần bên mình.

Hiểu sâu sắc ý nghĩa tình cảm, văn hóa và chính trị to lớn của công trình, các kiến trúc sư, kỹ sư, họa sĩ, nhà điêu khắc có uy tín của cả nước đã dồn tâm huyết, tình cảm và trí tuệ để thiết kế, xây dựng công trình này: KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam; họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật điêu khắc - Hội Mỹ thuật Việt Nam; KTS Vũ Bình - Hội KTS Việt Nam, chuyên gia kết cấu nổi tiếng Nguyễn Văn Thành, KTS. Phạm Thanh Tùng v.v…

Vì thế, nói như nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thì đây thực sự là công trình mang tính thời đại, như một cuốn sử bằng nghệ thuật tạo hình lưu lại tình cảm của Bác Hồ với nhân dân Tây Nguyên và của nhân dân Tây Nguyên với Bác cho mai sau

Thanh Hằng
.
.
.