Gặp gỡ những nhà báo CAND và CTV đoạt giải thưởng Báo chí Quốc gia 2011

Thứ Năm, 21/06/2012, 09:37
Sau loạt bài điều tra “Nghịch lý trong sản xuất, kinh doanh điện”, các địa phương có nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ đã tổ chức họp với ngành Điện địa phương và các doanh nghiệp sản xuất điện trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, nhà báo, Đại tá, TS Phạm Văn Miên chia sẻ.

Nối tiếp truyền thống hàng năm của Báo CAND trong việc dự giải thưởng Báo chí Quốc gia, tại lần trao giải báo chí tối nay, 21/6, sẽ có 4 tác phẩm của Báo CAND giành các giải thưởng: Giải B cho tác phẩm “Nghịch lý trong sản xuất, kinh doanh điện” của tác giả Phạm Văn Miên - Vũ Hân; 3 giải C cho tác phẩm “Chuyện những trí thức theo Bác Hồ đi kháng chiến” của nhà văn Hồng Thái - Kiều Khải, “Văn hóa giao thông, trông người mà ngẫm đến ta” của tác giả Lưu Vinh - Xuân Luận; tác phẩm “Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách”… của tác giả Quý Thanh. Với niềm vui cùng đồng nghiệp, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân tình với các tác giả, để lắng nghe những tâm sự chân thành của họ.

Đại tá, TS Phạm Văn Miên - Phó Tổng Biên tập Báo CAND, đồng tác giả Giải B tác phẩm báo chí “Nghịch lý trong sản xuất, kinh doanh điện”: Chúng tôi thấy nghịch lý trong sản xuất và kinh doanh điện từ lần đi thực tế miền núi

Trong chuyến công tác lên miền núi, tôi phát hiện ra sự bất hợp lý trong sản xuất và kinh doanh điện - một vấn đề nóng bỏng ở nước ta. Tình trạng thiếu điện như một điệp khúc vẫn diễn ra vào mùa hè, nên việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư thủy điện vừa và nhỏ là một giải pháp hữu hiệu. Thế nhưng, lại có nhiều bất hợp lý trong việc này, vừa gây thiệt hại cho xã hội, vừa làm khó cho doanh nghiệp:

Để được cấp phép sản xuất, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ không những phải đầu tư lớn, mà còn phải có đối tác đồng ý mua điện. Mỗi MW điện, doanh nghiệp phải đầu tư 30-40 tỷ đồng, mà thường phải tiến hành ở các vùng núi, vùng cao có địa hình hiểm trở. Nhưng khi các nhà máy thủy điện này sản xuất ra điện, muốn bán được, lại phải đầu tư cả đường truyền với kinh phí hàng chục tỉ đồng.

Một bất hợp lý nữa là, trong khi các doanh nghiệp chỉ bán điện với giá 2.000-2.500 đ/kW, nhưng vẫn bị tính thuế với giá 7.000 đ/kW. Những điều này càng đẩy các doanh nghiệp vào thế khó khăn.

Tác giả cùng đồng nghiệp trong chuyến lên miền núi điều tra về một công trình thủy điện nhỏ.

Trong khi các đơn vị thủy điện vừa và nhỏ chỉ được bán điện vào những thời điểm nhất định. Nhưng do thiếu điện, EVN vẫn ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc với những điều khoản hết sức phụ thuộc: nếu sử dụng không hết, hay sử dụng quá số điện năng đã ký hợp đồng, sẽ bị đối tác phạt; chưa hết, do điều độ không tốt mà điện của Việt Nam lại chạy ngược sang Trung Quốc cũng bị phạt.

Vì thế, Ban Biên tập Báo CAND đã chỉ đạo phóng viên nhanh chóng điều tra, để chỉ ra những bất hợp lý ở lĩnh vực quan trọng này: Trong khi năng lượng ở nước ta còn thiếu, thì chúng ta lại chưa có qui hoạch và chiến lược phát triển điện năng hợp lý, ảnh hưởng lớn tới việc phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho thủy điện vừa và nhỏ để tháo gỡ khó khăn về nguồn điện, nhưng việc tiếp nhận nguồn điện lại không có bài bản. Việc kinh doanh và xây dựng đường truyền tải điện không đồng bộ, dù cùng do một Bộ quản lý. Trong khi EVN luôn kêu thiếu tiền đầu tư phát triển đường truyền tải điện, thì vẫn đầu tư lớn cho các lĩnh vực ngoài ngành.

Chúng tôi không dám nói có tiêu cực hay không phía sau những điều này, nhưng rõ ràng, chúng ta còn thiếu cái nhìn tổng thể và chiến lược sản xuất - kinh doanh điện. Việc độc quyền trong mua - bán điện, đã dẫn đến sự ứng xử thiếu công bằng với các cơ sở sản xuất điện, dù họ góp phần mang lại lợi ích cho đất nước.

Chúng tôi rất mừng là sau loạt bài điều tra này, các địa phương có nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ đã tổ chức họp với ngành Điện địa phương và các doanh nghiệp sản xuất điện trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn. Bộ Công Thương và EVN cũng đã có ý kiến cụ thể về vấn đề này để giải quyết phần nào khó khăn cho doanh nghiệp làm thủy điện vừa và nhỏ, mà người dân cũng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là việc làm trước mắt. Điều chúng tôi mong muốn là Bộ Công Thương cần tham mưu cho Chính phủ xây dựng một chiến lược về phát triển, sử dụng điện năng trong cả nước, ở từng vùng cho hợp lý.

Nhà báo Vũ Hân, đồng tác giả Giải B tác phẩm “Nghịch lý trong sản xuất, kinh doanh điện”: Tâm tư còn lại sau bài báo

Dù đã đoạt giải thưởng, loạt bài báo “Nghịch lý trong sản xuất, kinh doanh điện” vẫn chưa trọn vẹn ở chỗ, cho đến giờ và các năm sau, vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Chỉ trong tháng này, hay tháng sau, sẽ lại vẫn có hiện tượng thủy điện nhỏ thì thừa điện, trong khi chúng ta vẫn phải mua điện của Trung Quốc.

Nhà báo Vũ Hân (ngoài cùng bên phải) trong chuyến công tác tại Trường Sa, tháng 5/2012.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân không nhỏ là các bên liên quan không thiện chí giải quyết vấn đề. Bệnh “cơ chế” được mang ra như một tấm lá chắn và mọi người đều cho rằng mình là người ngoài cuộc, trong khi tài nguyên của đất nước vẫn bị lãng phí, trong khi Nhà nước đã đổ ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư.

Ngay từ khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu sự hợp tác của các bên. Thậm chí chúng tôi hẹn gặp chỉ để nghe ý kiến các bên xem thực chất vấn đề ra sao, cách giải quyết thế nào? nhưng đều nhận được những cái lắc đầu từ chối, kể cả cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, bên mua điện là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia...

Đã có lúc chúng tôi cảm thấy bất lực và bức xúc trước thái độ bàng quan đó. Tuy nhiên ngay trong những lúc bế tắc, Ban Biên tập, trực tiếp là Phó Tổng Biên tập Phạm Văn Miên và lãnh đạo Ban KT- VH-XH vẫn hạ quyết tâm và chỉ đạo phải làm đến cùng, để ra được đến kết quả này, tuy chưa trọn vẹn.

Đại tá Lưu Vinh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo CAND, đồng tác giả giải C với tác phẩm báo chí “Văn hóa giao thông, trông người mà ngẫm đến ta”: Văn hóa giao thông của người Nhật đáng để chúng ta học tập

Trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước tham dự Hội nghị APEC ở Nhật cuối năm 2010, ngoài việc bám sát các hoạt động của Chủ tịch nước để thông tin kịp thời về nước, tôi còn dành thời gian, tìm hiểu về cuộc sống, cảnh quan của đất nước Mặt trời mọc. Ấn tượng đầu tiên và mạnh nhất trong tôi chính là hệ thống hạ tầng giao thông cũng như công tác quản lý và điều hành các phương tiện giao thông của nước bạn.

Nhà báo Lưu Vinh trong một lần tác nghiệp ở nước ngoài.

Điều tôi ngỡ ngàng nhận ra là, ý thức văn hóa giao thông của người dân Nhật Bản rất cao, biểu hiện rất rõ ở việc chấp hành Luật Giao thông một cách tự giác và nghiêm túc. Mọi người tham gia giao thông đều tuân thủ kỷ cương và sẵn sàng nhường nhịn cho người lớn tuổi hơn, dù tác phong của họ rất khẩn trương. Điều này đã ăn sâu vào các thế hệ, từ người lớn tuổi đến các em bé thiếu nhi, như một sự tự trọng về văn hóa làm người. Tokyo, thành phố có 12 triệu dân, nhưng có tới 6 triệu xe ôtô, vậy mà ít khi thấy cảnh tắc đường, mọi người đều đi lại trật tự, nền nếp. 

Về nước, tôi bắt tay vào chuẩn bị viết về đề tài này với các cuộc trao đổi, làm việc với đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG và một số nơi liên quan. Vấn đề mà tôi đặt ra: Chúng ta cần học ý thức văn hóa giao thông của người Nhật để nâng cao ý thức văn hóa giao thông cho người dân Việt Nam. Việc xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cần kết hợp đồng bộ giữa tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành của người tham gia giao thông với từng bước hoàn thiện về hạ tầng giao thông, giáo dục ý thức người lái xe.

Đồng thời, cũng phải có các giải pháp tốt để quản lý những người điều khiển phương tiện giao thông, cũng như cần xử phạt nghiêm để hạn chế tình trạng Cảnh sát giao thông mãi lộ, gây nhức nhối dư luận. Và loạt bài “Văn hóa giao thông, trông người mà ngẫm đến ta” đã ra đời, gây được hiệu ứng tốt với độc giả, đặc biệt khi mà năm 2012, tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối của cả xã hội.

Nhà báo Xuân Luận, Phó trưởng Ban Pháp luật - Bạn đọc, Báo CAND, đồng tác giả giải C: “Tôi có cảm giác, văn hóa giao thông chưa được đề cập thỏa đáng”

Nhà báo Xuân Luận.

Lĩnh vực TTATGT luôn là vấn đề nóng không chỉ với riêng Việt Nam, mà cả nhiều quốc gia. Tai nạn giao thông (TNGT) đang là vấn nạn mà các nước phải đối mặt. Nhiều năm theo dõi lĩnh vực giao thông, tôi có cảm nhận, chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ lĩnh vực này, khi vẫn đổ lỗi chính cho nạn ùn tắc, TNGT do hạ tầng giao thông kém, hoặc công tác điều hành giao thông, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, vấn đề rất quan trọng là ý thức, hay nói rộng hơn là văn hóa của người tham gia giao thông, lại chưa được đề cập một cách thỏa đáng.

Trên thực tế, chủ thể tham gia giao thông, cụ thể là mỗi chúng ta đóng vai trò quan trọng. Bạn đã bao giờ tự hỏi mình đã làm gì để góp phần hạn chế ùn tắc hay tai nạn giao thông chưa? Bạn đã bao giờ vượt đèn đỏ, lấn làn đường, hay đi vào đường ngược chiều chưa? Bạn đã bao giờ phóng nhanh, vượt ẩu chưa?...

Nếu ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông không được nâng lên, thì việc nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông chưa chắc đã giải quyết tận gốc của vấn đề. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trên 70% số vụ TNGT do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện như phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn đường, uống rượu bia…

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cần phải được tính toán lại sao cho hấp dẫn, đi vào lòng người ngay từ trong các trường học, công sở và đến mọi người dân.

Nhà văn Hồng Thái, Phó Tổng Biên tập Báo CAND, đồng  tác giả đoạt Giải C tác phẩm báo chí “Chuyện những trí thức theo Bác Hồ đi kháng chiến”: Bài học thu hút tri thức mang tầm thời đại

Năm 2011, khi cả nước đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, Đại tá Lưu Vinh (Phó TBT Báo CAND) đã rủ tôi cùng viết loạt bài về các trí thức đã theo Bác Hồ về nước kháng chiến năm 1946. Tôi nhận lời ngay vì thấy đây là phát hiện khá thú vị, mang đầy chất báo chí của anh Lưu Vinh.

Nhà báo Hồng Thái tặng hoa và trò chuyện với phu nhân GS Trần Hữu Tước tại Hà Nội (9/2011).

Nhưng khi chúng tôi đã chuẩn bị xong hết tư liệu, thì do bận rộn với đề tài “Văn hóa giao thông, trông người mà nghĩ đến ta”, nên anh Lưu Vinh đã không tham gia loạt bài này cùng chúng tôi nữa. Vì thế, tôi rủ cộng tác viên cùng làm. Nhưng với tôi, giải thưởng này có công lao không nhỏ của Đại tá Lưu Vinh.

Để triển khai loạt bài về các trí thức lớn một cách sâu sắc, chính xác và cả cảm xúc, tôi cùng với anh Kiều Khải, một cộng tác viên vừa tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng cả về tư liệu, lẫn việc gặp gỡ trực tiếp người thân của các nhân vật.

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng đã gặp được Đại tá Trần  Dũng Trí, con cả của GS.VS Trần Đại Nghĩa; gặp phu nhân và con gái của GS Trần Hữu Tước, gặp chị Võ Quí Hòa Bình, con gái Kỹ sư Võ Quí Huân và những người gần gũi nhất của 2 anh em kỹ sư Võ Đình Quỳnh - Võ Đình Bông.

Với tình cảm kính trọng các bậc trí thức lớn đã đóng góp cho đất nước, mỗi khi đến thăm gia đình họ, tôi đều mặc sắc phục chỉnh tề và không quên kèm theo một bó hoa để chúc mừng gia đình nhân dịp 65 năm Bác Hồ kêu gọi trí thức về nước kháng chiến. Có lẽ, sự kính trọng với các bậc trí thức lớn, đã giúp chúng tôi tiếp cận được với những thông tin quí giá từ người thân của họ.

Tìm hiểu sâu về 4 bậc trí thức lớn, càng hiểu hơn những đóng góp hết sức lớn của họ cho đất nước. Nhưng tôi nhận ra một điều quan trọng là, đã 65  năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa có một hội thảo quốc gia nào về đóng góp của các bậc trí thức theo Bác về nước kháng chiến ngày ấy, không chỉ để ghi công các bậc tiền nhân, cả gia đình họ, mà quan trọng hơn là để nói về bài học lịch sử trong công tác đại đoàn kết toàn dân chống giặc mà Bác Hồ đã để lại.

Vì sao giữa lúc số phận đất nước ngàn cân treo sợi tóc với bao nhiêu gian khổ, khó khăn, mà các trí thức danh giá, cuộc sống sung túc, tiền đồ tươi sáng giữa một môi trường thuận lợi mọi mặt, lại sẵn lòng từ bỏ tất cả để theo Bác Hồ về kháng chiến cứu nước? Mà việc trở về của những bậc trí thức tên tuổi và uy tín ấy, không chỉ là sự đóng góp của cá nhân họ bằng tri thức uyên bác, mà còn có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các tầng lớp nhân dân trong chủ trương qui tụ đồng bào cùng tham gia đánh giặc cứu nước.

Cắt nghĩa cho điều này, chỉ có thể là niềm tin sâu sắc vào uy tín tuyệt đối và nhân cách sáng ngời của Hồ Chí Minh và tiền đồ tươi sáng của dân tộc do Người dẫn dắt, đã khiến các trí thức lớn dấn thân với niềm tin tưởng, lạc quan hiếm thấy. Bài học thu hút tri thức trong nước cũng như ở nước ngoài về tham gia công cuộc xây dựng đất nước của Hồ Chủ tịch, là điều đáng để chúng ta học tập và suy ngẫm. Có lẽ chính vì thông điệp này mà khi mỗi bài báo lên khuôn, đích thân Tổng Biên tập Báo CAND, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước đã đọc và tự tay sửa rất kỹ càng loạt bài này.

Cộng tác viên Kiều Khải, đồng tác giả đoạt  Giải C tác phẩm báo chí “Chuyện những trí thức theo Bác Hồ đi kháng chiến”: Vấn đề chính là bài viết có chỗ đứng trong lòng bạn đọc hay không

PV: Chúc mừng Kiều Khải khi bạn là đồng tác giả cùng nhà văn Hồng Thái, Phó Tổng biên tập Báo CAND, được giải C, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VI-2011 với chùm phóng sự tư liệu “Chuyện những trí thức theo Bác Hồ đi kháng chiến”. Cảm xúc của bạn lúc này ra sao?

Kiều Khải: Cảm ơn chị đã chia sẻ, phải nói rằng tôi rất vui khi biết tin này.

PV: Bạn trở thành cộng tác viên của Báo CAND từ khi nào?

Kiều Khải: Trước khi cộng tác với Báo CAND, từ năm 2006 tôi đã cộng tác và có bài báo được đăng đầu tiên trên chuyên đề Văn nghệ Công an. Và người đầu tiên tôi tiếp xúc là nhà thơ Phạm Khải, người biên tập giỏi đã giúp tôi rất nhiều. Sau này tôi cộng tác với Báo CAND và tôi được gặp nhà văn Hồng Thái – khi đó là Trưởng ban Thư ký tòa soạn.

Tôi đã đọc các bài viết của nhà văn Hồng Thái từ khá lâu trước đó với những bài viết chung với nhà báo Lưu Vinh như chùm bài viết “Những vị tướng mở đường Trường Sơn huyền thoại” (viết về Thiếu tướng Võ Bẩm, Trung tướng Phan Trọng Tuệ, Trung tướng Hoàng Văn Thái, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên), “Chuyện nhà chuyện nước với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình”, “Câu chuyện cuối năm với nhà thơ Tố Hữu”… Đó đều là những nhân vật lịch sử mà tôi thích, có thể nói nó hợp với “gu” của tôi.

Khi tôi cộng tác với Báo CAND, các bài viết của tôi được đăng và lúc này tôi được nhà văn Hồng Thái chỉ bảo nhiều trong nghiệp vụ báo chí.

PV: Xuất phát từ đâu để bạn và nhà văn Hồng Thái thực hiện chùm phóng sự tư liệu này?

Kiều Khải: Năm 2011, nhà báo Lưu Vinh có dự định viết chùm bài về những nhà trí thức theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kháng chiến. Điều này trùng hợp ngẫu nhiên với suy nghĩ của tôi lúc đó là định viết chùm bài về những nhà trí thức từ nước ngoài theo Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến.

Lúc đó nhà báo Lưu Vinh đã viết về cụ Phạm Khắc Hòe, về Kỹ sư Đặng Phúc Thông. Tôi đã có đầy đủ tư liệu về những nhân vật của mình. Nhưng tôi tự lượng sức mình, để mở rộng một đề tài lớn, với nhiều nhà trí thức danh tiếng từ Nam ra Bắc và tên tuổi chấn động cả thế giới.

Tôi đem những băn khoăn, suy nghĩ của mình nhờ nhà văn Hồng Thái tháo gỡ giúp thì được biết nhà văn Hồng Thái cũng đang đau đáu về vấn đề này. Nhà văn Hồng Thái đã giúp tôi nhìn được cái mới trong vấn đề tôi lựa chọn. Chúng tôi đã cùng nhau thực hiện phóng sự tư liệu này: hai chú cháu đến từng gia đình, gặp gỡ thân nhân của các nhà trí thức trên, rồi cùng bàn bạc cách thể hiện…

Tác giả Kiều Khải, cộng tác viên Báo CAND.

Cuối cùng như chị đã thấy, trên cơ sở tư liệu không phải là mới nhưng chúng tôi vẫn có cách thể hiện mới trong vấn đề gắn với tính thời sự ngày hôm nay: Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vấn đề sử dụng và trọng dụng trí thức trong kháng chiến - kiến quốc và xây dựng đất nước thời kì đổi mới.

PV: Tại sao bạn lại chọn những nhân vật lịch sử để viết mà không phải là những vấn đề kinh tế xã hội đang xảy ra hàng ngày? Điều này phù hợp hơn với người viết trẻ đấy chứ.

Kiều Khải: Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại chọn nhân vật lịch sử. Hình như lịch sử và tư liệu có sức hấp dẫn với tôi khiến tôi say mê lao vào mà quên hết mọi thứ xung quanh mình đang diễn ra. Về kinh tế xã hội thì đó là nhiệm vụ hiện nay tôi được phân công theo dõi mảng tại cơ quan nơi tôi công tác.

Cũng đã có nhiều người hỏi tôi câu hỏi giống như chị. Đồng thời nhiều người, kể cả bạn bè tôi cũng như những bậc bề trên, đều động viên tôi khi đọc các bài viết của tôi. Như vậy có thể thấy rằng tuổi tác, lịch sử hay đương đại không quyết định tất cả, vấn đề chính là bài viết có chỗ đứng trong lòng bạn đọc hay không

Dạ Miên - Việt Linh (thực hiện)
.
.
.