GS Trần Văn Khê hy vọng "hậu sinh" sẽ "khả úy"

Thứ Hai, 19/07/2010, 15:46
"Tôi rất quý trọng tuổi trẻ, nên có viết bài “Hậu sanh khả úy” và trong sự truyền lại những kiến thức và kinh nghiệm của tôi, tôi đặt trọng tâm vào thế hệ trẻ, vì thế hệ này sẽ làm chủ đất nước Việt Nam", GS Trần Văn Khê tâm sự sau khi xuất bản cuốn tự truyện mới.

Ở tuổi 90, Giáo sư Trần Văn Khê còn đủ sức viết một cuốn sách mang tên: Tự truyện Trần Văn Khê – những câu chuyện từ trái tim. Một cuốn sách hứa hẹn nhiều sẻ chia, kì vọng của “bậc thầy” âm nhạc vào thế hệ trẻ… PV CAND có cuộc trò chuyện với Giáo sư Trần Văn Khê xung quanh sự kiện này.

- Thưa Giáo sư, tự truyện Trần Văn Khê - những câu chuyện từ trái tim có hứa hẹn cho độc giả một câu chuyện nhân văn, một tư tưởng lớn của một tài năng âm nhạc đã ở tuổi xưa nay hiếm?

- Câu chuyện từ trái tim không phải là một câu chuyện nhân văn, một tư tưởng lớn của một tài năng âm nhạc đã ở tuổi xưa nay hiếm, mà là những câu chuyện rất thường ghi lại những quãng đời khó khăn của tôi mà tôi nhờ quyết tâm vượt lên tất cả khó khăn đó.

- 12 câu chuyện của Giáo sư là một dòng chảy lịch sử của cuộc đời con người từ khi còn là một đứa trẻ mồ côi cho đến ngày nay, khi đã viên mãn với công danh và toàn gia hạnh phúc. Ông có thông điệp gì lớn muốn gửi tới độc giả khi kể câu chuyện cuộc đời khi đã 90?

 - Tôi muốn gửi lại cho tuổi trẻ đôi lời nhắn nhủ để các bạn trẻ không nhụt chí trước cảnh khó, mà bao giờ cũng phải vươn lên để tìm lấy sự an nhiên tự tại trong đời.

- Trong cuốn tự truyện này, ông nhắc nhiều đến chiếc áo dài dân tộc, chiếc đàn, phương pháp dạy con bằng trái tim tỉnh táo và sự khiêm tốn là hạt ngọc tâm hồn. Tại sao ông lại chọn những vấn đề trên để nhấn mạnh trong cuốn tự truyện của mình?

- Tôi muốn nhắc lại cho các bạn trẻ thấy rõ chân giá trị của văn hóa Việt Nam, trong đó có văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục và văn hóa nghệ thuật. Về đức tính con người, tôi thường nhắc nhở con tôi “Khiêm nhường nhắc trẻ từ bao thuở - Bền chí khuyên con đến suốt đời”.

- Đặc biệt trong cuốn tự truyện: “Trần Văn Khê – những câu chuyện từ trái tim” sẽ có món quà là “Tiếng hát, tiếng đờn của Giáo sư Trần Văn Khê qua thời gian”. Một Giáo sư ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn tâm huyết làm một cuốn sách có tựa đề “trẻ” và “hiện đại” như vậy, hẳn ông ưu ái cho giới trẻ nhiều?

- Tôi rất quý trọng tuổi trẻ, nên có viết bài “Hậu sanh khả úy” và trong sự truyền lại những kiến thức và kinh nghiệm của tôi, tôi đặt trọng tâm vào thế hệ trẻ, vì thế hệ này sẽ làm chủ đất nước Việt Nam. Và có thể thực hiện được những lý tưởng, hoài bão của tôi mà tôi chưa đạt được.

- Theo Giáo sư, điều gì khiến âm nhạc truyền thống tuy “gần gũi” nhưng lại ngày một trở nên xa lạ với giới trẻ như vậy, thưa Giáo sư?

- Giới trẻ xa lạ với truyền thống vì những lý do lịch sử, tâm lý, kinh tế mà tôi đã phân tích rất rõ ràng trong bài "Căn bệnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam" đã đăng trên báo. Trong khuôn khổ của câu trả lời không thể nói đủ và rõ ràng tất cả các lý do.

- Trong CD, có vài ca khúc do chính Giáo sư phối khí, đệm đàn piano và hát. Dường như tuổi tác không thể trở thành "vật cản" đối với sức sáng tạo của người nghệ sĩ già?

- Trong CD không phải là những sáng tác của tôi làm trong lúc tuổi già, mà một phần lớn trong CD là tôi đàn và ngâm theo phong cách dân tộc, có một vài bản tân nhạc mà tôi tự đệm đàn piano để hát là những bản tôi đã ghi âm để làm kỷ niệm từ hai, ba chục năm trước. Tôi là một nhà nghiên cứu về lịch sử, một nghệ nhân về âm nhạc truyền thống, chứ không phải một ca sĩ tân nhạc, hay một nhà sáng tác nhạc.

- Nhân dịp ra sách, Giáo sư còn dự định kết hợp với First new, đơn vị phát hành cuốn sách trích số tiền bán sách trao tặng 10 suất học bổng cho sinh viên nghèo để củng cố niềm đam mê âm nhạc dân tộc trong thế hệ trẻ?

- Không phải chỉ lần này tôi mới nghĩ đến việc trao tặng 10 suất học bổng cho sinh viên nghèo, mà từ 20 năm nay, tự tôi bỏ tiền và sau này nhờ học bổng của GS Odon Vallet - hằng năm trao tặng cả tỷ bạc cho tất cả sinh viên và học sinh ưu tú trong tất cả các ngành, do GS Trần Thanh Vân và phu nhân Kim Ngọc phân phối - nên có được hằng năm gần 150.000.000 đồng để cho những học sinh nghèo mà có năng khiếu biểu diễn âm nhạc dân tộc.

- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!

Thủy Anna (thực hiện)
.
.
.