GS - NSND Trọng Bằng: "Ra trận, không bàn chuyện sống chết"

Thứ Năm, 03/09/2009, 10:36
Ngay sau những phút xuất thần trên sân khấu chương trình "Hồ Chí Minh - Cả một đời vì nước, vì dân" tối 29/8 tại Quảng trường Ba Đình, GS Trọng Bằng phải nhập viện cấp cứu vì một cơn tai biến bất ngờ. Trấn an sự lo lắng của mọi người, GS - NSND Trọng Bằng vẫn sảng khoái cười, quả quyết: “Ra trận, không bàn chuyện sống chết nữa”.

Bước xuống từ bục chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng vừa tấu lên những giai điệu trầm hùng mở màn cho chương trình "Hồ Chí Minh - Cả một đời vì nước, vì dân" tối 29/8 tại Quảng trường Ba Đình, nhạc sĩ, GS - NSND Trọng Bằng đã lảo đảo. Một người phía dưới cánh gà vội vàng tiến tới, dìu ông. Ngay trước thời khắc ra sân khấu, huyết áp của ông đã vượt ngưỡng 185mmHg. Trấn an sự lo lắng của mọi người, GS - NSND Trọng Bằng vẫn sảng khoái cười, quả quyết: “Ra trận, không bàn chuyện sống chết nữa”.

Ngay sau những phút xuất thần trên sân khấu, để lại phía sau đại lễ hội âm nhạc kết thúc trong niềm rưng rưng của khán giả, GS Trọng Bằng phải nhập viện cấp cứu vì một cơn tai biến bất ngờ.

Nếu không phải Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước đứng ra mời, chắc chắn, nhạc sĩ Trọng Bằng đã từ chối tham gia chương trình. Và cũng nếu không phải đại lễ hội âm nhạc "Hồ Chí Minh - Cả một đời vì nước, vì dân" là sự kiện văn hóa có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu rộng đến thế, nhận được sự quan tâm đến thế của nhiều người dân, nhạc sĩ Trọng Bằng sẽ đương nhiên lấy lý do sức khỏe để nằm nhà.

Suốt thời gian qua, ông đã làm việc quá nhiều, tảng lờ những mối nguy tiềm ẩn trong chính cơ thể mình. Trước khi cầm đũa chỉ huy chương trình "Hồ Chí Minh - Cả một đời vì nước, vì dân", nhạc sĩ Trọng Bằng còn kịp hướng dẫn và chấm 14 luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, rồi tham gia giám khảo cho các cuộc thi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trái tim cận kề tuổi 80 của nhạc sĩ Trọng Bằng đã uể oải, mỏi mệt nhiều.

GS - NSND Trọng Bằng.

Trao lại trọng trách Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho một người trẻ hơn, sung sức hơn - nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - GS Trọng Bằng những tưởng mình sẽ thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Nhưng công việc vẫn cuốn ông đi, uy tín của một NSND hàng đầu ở dòng nhạc hàn lâm, bác học khiến ông khó lòng đứng ngoài nhiều chương trình nghệ thuật chính thống, tầm cỡ. Ông đã lại lao vào cuộc, tự nguyện để (được) cuốn theo dòng chảy ào ạt của các sự kiện bằng sự hưng phấn và nhiệt tâm khó cưỡng.

Đêm 29/8, tại Quảng trường Ba Đình, ngay bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Trọng Bằng đã tiếp tục cầm đũa chỉ huy, bắt nhịp cho dàn hợp xướng đông đảo và dàn nhạc giao hưởng bề thế chơi những khúc nhạc đã nằm lòng trong tâm trí nhiều người Việt Nam: Quốc ca, Lãnh tụ ca và bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch…

Lúc đó, ông đã gắng gượng để giữ nguyên được vẻ khỏe khoắn, hồng hào. Hình ảnh lão nhạc sĩ với mái đầu bạc và khuôn mặt hồn hậu, trí tuệ của ông theo làn sóng truyền hình, tới mọi miền đất nước, tới cả kiều bào ở nước ngoài.

Sau giây phút đó, người thân, đồng nghiệp, học trò và người hâm mộ đã tới tấp nhắn tin, điện thoại cho ông, ngợi khen sự hoành tráng, đĩnh đạc của chương trình "Hồ Chí Minh - Cả một đời vì nước, vì dân", ghi nhận nỗ lực hiếm có của những người tổ chức. Mọi người cũng mừng vì thấy ông vẫn khỏe, vẫn đủ sức góp mặt vào một công trình nghệ thuật mang tầm quốc gia.

Chỉ một ít, rất ít những người bên cạnh ông mới tỏ tường, ngay thời điểm ấy, ông đã rất yếu, sức chịu đựng của tuổi 80 đã quẫy cựa, lên tiếng bắt ông phải ngơi nghỉ. Như một người lính, thực ra, giống một vị tướng già biết sự xuất hiện của mình nơi trận mạc sẽ là nguồn động viên vô giá với quân sỹ, GS Trọng Bằng đã tích tụ sinh lực của mình, bước ra sân khấu, thanh thản, nhẹ nhàng…

Nhiều người trong cánh gà đã quặn thắt, lo lắng dõi theo từng cử chỉ của ông. Nhưng GS Trọng Bằng xác định, được sinh ra và sống trong âm nhạc, thành danh nhờ âm nhạc, nếu có ngày, gục ngã vì âm nhạc, cũng là lẽ thường tình, mà ông luôn sẵn sàng lựa chọn…

Và bây giờ thì nhạc sĩ, GS - NSND Trọng Bằng đang nằm dưỡng bệnh tại Bệnh viện Hữu - Nghị. Ông thở phào vì thấy mình may mắn, cơn bạo bệnh chỉ đến với ông khi chương trình "Hồ Chí Minh - Cả một đời vì nước, vì dân" đã kết thúc, ông đã giữ được lời hứa của mình với nhà tổ chức.

Quan trọng hơn, ông có cơ hội lớn để được bày tỏ tình cảm của mình với Cụ Hồ, ngay trong thời điểm người dân nao nức mừng ngày Quốc khánh, kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc và 40 năm gìn giữ thi hài Người.

Tin ông cấp cứu trong viện lan nhanh, nhiều bạn bè đã kịp thời có mặt. Ngay bên giường bệnh, khi huyết áp vừa cân bằng, nhịp tim mới ổn định, GS Trọng Bằng đã hào hứng, tấm tắc với chương trình đã qua. Ông lại cười, lại nói, lại phấn chấn, mái tóc lòa xòa nghệ sỹ và đôi mắt nheo nheo hóm hỉnh.

Ông bảo, phải lâu, lâu nữa, có khi 10, 20 năm nữa mới có thể diễn ra một sự kiện âm nhạc như chương trình "Hồ Chí Minh - Cả một đời vì nước, vì dân", một đại lễ âm nhạc hoành tráng và cảm động như thế về Bác Hồ, lại được diễn ra ngay tại nơi Người yên nghỉ: "Từ trước tới nay, Quảng trường Ba Đình chỉ dành cho các sự kiện tầm cỡ quốc gia như duyệt binh, diễu hành nhân những ngày lễ lớn. Đây gần như lần đầu tiên một chương trình âm nhạc được tổ chức ở vị trí trọng yếu thế này. Hát về Bác, không ở đâu thích hợp bằng bên Lăng Bác. Mỗi nghệ sỹ đều ghim trong mình ý nghĩ, mình đang được hát cho Cụ Hồ nghe, được chơi nhạc để ru Người trong giấc ngủ".

Nhạc sĩ, GS - NSND Nguyễn Trọng Bằng sinh năm 1931. Ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Traicôpxki, cũng là một trong những nhạc trưởng đầu tiên của Việt Nam, người sáng lập Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội.

Ông từng là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương và là đại biểu Quốc hội khóa X. Nhạc sĩ Trọng Bằng có cả một sự nghiệp đồ sộ các tác phẩm âm nhạc thuộc nhiều thể loại: giao hưởng, ca khúc, nhạc phim…

Ông cũng là tác giả của hàng loạt ca khúc về lực lượng Công an: "Hành khúc Công an nhân dân", Bước chân lặng lẽ âm thầm", "Vinh quang Công an hậu cần", "Bình yên đang đến phố phường" và nhạc hiệu chương trình "Vì an ninh Tổ quốc" v.v… Ông là người vinh dự khi ngay trong ngày 30/4/1975, đã chỉ huy trình diễn một số tác phẩm của Việt Nam và thế giới làm chấn động cả Sài Gòn, khiến nhiều nhà báo nước ngoài bất ngờ và nghi hoặc, vì có một người Việt Nam lại xuất sắc đến thế.

Hương Sen -Thanh Hằng
.
.
.