Duy Thanh: Duyên nợ với những vai diễn công an

Thứ Ba, 20/06/2006, 08:09

20 năm trước, Duy Thanh gây ấn tướng mạnh mẽ với vai Trung uý Thiện trong bộ phim nhựa “Vụ án đêm cuối năm”. 20 năm sau, Duy Thanh lại có một vai diễn đáng nhớ, Trung tá Thiện trong sêri phim truyền hình “Chuyên án chưa kết thúc”.

Đầu tháng 4/2006, VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam liên tục phát sóng 11 tập của bộ phim “Chuyên án chưa kết thúc”. Vẫn nằm trong xêri phim “Cảnh sát hình sự” nhưng kịch bản của bộ phim mới này được các nhà biên kịch chuyển thể từ tiểu thuyết “Hồ sơ chưa kết thúc” của nhà văn công an Phùng Thiên Tân, ấn hành từ năm 1984. Đây là một trong những cuốn sách bán chạy nhất của NXB Công an nhân dân vào thời điểm đó. Ngay lần xuất bản đầu tiên đã có số lượng 40 ngàn bản và chỉ mấy tháng sau phải nối bản in thêm. Những năm sau, sách tiếp tục được tái bản.

Tiểu thuyết “Hồ sơ chưa kết thúc” hấp dẫn bạn đọc không chỉ bởi văn tài của người viết mà còn vì các nhân vật và tình tiết trong tác phẩm đã được nhà văn khai thác trong hồ sơ vụ án một thời làm xôn xao dư luận cả nước. Đó là vụ bắt cóc tống tiền, sát hại hai vợ chồng nghệ sĩ cải lương rất nổi tiếng: Thanh Nga. Hơn hai mươi năm sau, các nhà làm phim mới khai thác nguồn tư liệu quý giá này và các nhân vật từ tiểu thuyết của nhà văn đã được bước lên màn ảnh nhỏ.

Từ khi phim được phát sóng, một trong những nhân vật chiếm được nhiều cảm tình của khán giả là Trung tá Thiện, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, người đã có đóng góp rất lớn trong quá trình khám phá vụ án này.

Tuy nhiên xem phim xong, nhà văn Phùng Thiên Tân tỏ ý băn khoăn rằng vai Thiện trên phim đã khác khá nhiều so với ông Thiện trong tiểu thuyết “Hồ sơ chưa kết thúc”. Và nhà văn nhận xét rằng: Nhân vật ông Thiện trong tiểu thuyết được viết từ nguyên mẫu một sĩ quan hình sự tài ba thời ấy. Còn ông Thiện trên màn ảnh hôm nay đã được các nhà làm phim xây dựng từ hình mẫu của nhiều cán bộ chiến sĩ công an đã và đang hết mình trong cuộc đấu tranh chống tội phạm thời mở cửa với những thủ đoạn, phương thức mới hơn.

Đúng như nhận xét của nhà văn, sự thực trong cuộc điều tra những kẻ đã sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, không có một cán bộ chiến sĩ nào gặp hoàn cảnh như Trung tá Thiện. Nhưng trong cuộc đấu tranh chống bọn tội phạm hàng chục năm nay, người trinh sát nào cũng phải trải qua những lần đột xuất rời nhà khi rạng sáng, lúc nửa đêm. Rồi những lần “vác tiền nhà đi xa phá án” hàng tuần, hàng tháng là “chuyện thường ngày ở đơn vị!”. Đã có một số người phụ nữ không hiểu và hoặc không thể chia sẻ được với công việc bận rộn, hiểm nguy và sự nghèo túng của những người lính hình sự đã chia tay với họ. Và những người chiến sĩ cảnh sát hình sự lâm vào cảnh “gà trống nuôi con” như Trung tá Thiện, không phải là không có trong đời sống hôm nay.

Đây là một vai đòi hỏi người diễn viên không chỉ dày dạn trong nghề để thể hiện cho được một đồng chí công an mưu trí, từng trải, chịu nhiều thua thiệt trong đời thường nhưng lại có gương mặt và phong thái của một người có bản tính thiện. Sau khá nhiều sự lựa chọn diễn viên vào vai Trung tá Thiện, cuối cùng đạo diễn Bùi Huy Thuần đã “chốt” lại ở Phạm Duy Thanh, một trong những diễn viên gạo cội của Nhà hát Tuổi trẻ.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khá thú vị: Hơn hai mươi năm trước khi Điện ảnh CAND sản xuất bộ phim nhựa mang tên “Vụ án đêm cuối năm” rất nhiều ứng viên đến thử vai trung úy công an cũng có tên là Thiện nhưng đạo diễn Châu Huế đã quyết giao cho Phạm Duy Thanh. Ngày ấy, Duy Thanh mới xấp xỉ 30 tuổi và theo kịch bản, Trung úy Thiện trong phim cũng chạc tuổi anh. Thành công của Duy Thanh trong vai diễn công an đầu tiên đã khiến nhiều đạo diễn để ý. Năm 1990, Điện ảnh CAND sản xuất bộ phim nhựa “Đêm giông” của nhà văn Hữu Ước, đạo diễn Nguyễn Quang Vinh lại mời Phạm Duy Thanh vào vai Thiện Ngôn - một chiến sĩ an ninh thông minh và can trường trong cuộc đấu tranh chống bọn phản động FULRO ở miền Nam Trung Bộ. Trong kỷ yếu “35 năm Điện ảnh Công an nhân dân” có dành trang giới thiệu phim “Đêm giông”, Duy Thanh được ghi danh cùng hai diễn viên khá nổi tiếng khác là Hà Chi và Minh Châu.

Trước đó hai năm, trong một bộ phim khá ăn khách của đạo diễn Trần Phương nhan đề “Săn bắt cướp”, Duy Thanh cũng đã thể hiện khá thuần thục vai Tư Minh, Đội trưởng Đội Trinh sát hình sự... Người đội trưởng trinh sát mưu trí, dũng cảm ấy đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu với những tên cướp tàn ác để lại người vợ mới cưới.... Mãi đến bây giờ hình ảnh anh cảnh sát Tư Minh do Duy Thanh đóng vẫn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả về những người chiến sĩ công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Là lớp diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 1978, đến nay Phạm Duy Thanh đã đóng hàng chục vai chính, phụ. Nhưng như anh nói, tạng người và gương mặt của anh có lẽ phù hợp với vai bộ đội và công an hơn cả. Từ vai Trung úy Thiện trong phim “Vụ án đêm cuối năm” đến vai phó giám đốc công an tỉnh trong phim “Cầu Trầm”, Duy Thanh đã có một bề dày hóa thân vào người của bên công an nhiều đến mức không thể nào nhớ hết. Duy Thanh tâm sự: “Không chỉ những nhân vật công an anh đã thể hiện mà cả những bạn bè trong ngành Công an anh quen biết đều có những nét giống nhau. Đó là sự khó khăn, gian khổ trong đời sống và ý chí vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có lẽ vì thế mà họ đã trở thành hình tượng đẹp mà văn nghệ sĩ cả nước khắc họa trên các loại hình từ văn học đến sân khấu và điện ảnh...”

Bảo Thanh
.
.
.