Dùng vàng thật sơn thiếp bộ sưu tập tượng phật cổ

Thứ Năm, 29/05/2008, 11:47
Với sự hỗ trợ kinh phí từ "Quỹ bảo tồn văn hóa" của Đại sứ quán Mỹ, các nghệ nhân chuyên trùng tu, phục hồi các hiện vật cung đình tại Huế đã phục hồi, sử dụng vàng thật để sơn son thiếp vàng, trả lại vẻ đẹp huy hoàng vốn có cho 18 bức tượng Phật cổ của Việt Nam.

Sáng 28/5, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức lễ khai mạc trưng bày bộ sưu tập Phật cổ bằng gỗ, có niên đại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, vừa được nghệ nhân Đỗ Kỳ Mẫn phục hồi sơn son thiếp vàng.

Tham dự buổi lễ có tiến sĩ Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Đại sứ Mỹ, Michael Michalak...

Theo thông tin từ phía Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, thì hiện nay Bảo tàng đang lưu giữ khoảng 40.000 hiện vật, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau: Gốm, kim loại, giấy, gỗ, vải… trong đó có 200 tiêu bản tượng Phật Việt Nam, được xác định niên đại từ thế kỷ XVIII và XIX.

Đây là một bộ sưu tập quý, có ấn tượng rất riêng về cách tạo hình cũng như phản ánh tâm linh thờ cúng của người Việt nhưng chưa được trưng bày phục vụ khách tham quan vì tình trạng bong tróc, sứt mẻ, phai màu…

Được sự hỗ trợ kinh phí từ "Quỹ bảo tồn văn hóa" của Đại sứ quán Mỹ, các nghệ nhân về nghệ thuật sơn mài, chuyên trùng tu, phục hồi các hiện vật cung đình tại Huế đã phục hồi, sử dụng vàng thật để sơn son thiếp vàng, trả lại vẻ đẹp huy hoàng vốn có cho 18 bức tượng Phật cổ của Việt Nam. Trong đó, bức tượng được xác nhận có giá trị cao nhất là tượng Phật Adiđà được làm tại Huế, chuyển về chùa Khải Tường, thành Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh) nhân ngày sinh của vua Minh Mạng…

Cùng với số lượng tượng Phật Việt Nam này, tại triển lãm, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn tổ chức trưng bày thêm nhiều hiện vật liên quan về Phật giáo, đặc biệt là các tượng phật của một số quốc gia châu Á khác.

Trao đổi với báo giới ngay sau lễ khai mạc triển lãm, đại diện đơn vị tài trợ việc phục hồi tượng Phật cổ kể trên, ông Michael Michalak, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng cho biết thêm: Ngoài dự án phục hồi tượng Phật tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP Hồ Chí Minh, hiện nay, hai dự án phục hồi một số hiện vật bàn, ghế, gương cổ của Hà Nội và số hóa các tư liệu lịch sử, văn hóa của Huế cũng đang được xem xét tài trợ từ "Quỹ bảo tồn văn hóa".

Đây là quỹ được Quốc hội Mỹ thành lập từ năm 2001 nhằm giúp các quốc gia đang phát triển trên thế giới bảo tồn di sản dân tộc của đất nước. Đơn vị nào của Việt Nam có dự án cần hỗ trợ đều có thể liên hệ với lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội để được xem xét tài trợ thực hiện

N.H.
.
.
.