Đúng chỗ của mình

Thứ Năm, 26/01/2006, 08:59

Một đời nghệ sĩ có khi chỉ lóe sáng trong khoảnh khắc. Tài năng sáng tạo là thiên phú. Sự sáng tạo là của trời cho. Trời cho mỗi người một ít, vì thế bầu trời mới đầy sao, mỗi ngôi sao một sắc màu. Xã hội chỉ có thể trở nên lành mạnh và giàu có cơ hội phát triển nếu mọi sự vật và nhân vật được sắp xếp đúng chỗ của mình

1. Các nhà văn nói

Nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Không khí phê bình văn học trên các mặt báo mấy năm vừa qua không cho bạn đọc thấy rõ không khí học thuật mà chỉ thấy lòng đố kỵ, ghen ghét, thậm chí chụp mũ… Thậm chí, họ còn dùng võ chuyển dịch các vấn đề văn học sang các vấn đề chính trị để diệt nhau...".

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa: "Các bài phê bình ‘cảm tính’, theo lối xưng tụng, quảng bá lẫn nhau vẫn hiên ngang trên các mặt báo. Đến mức thấy báo đăng bài của ông X, tôi khẳng định ngay là khen ông Y, và ngược lại, thấy bài của ông Y, tôi đoán chắc đó là khen ông X. Họ thản nhiên tâng bốc bạn bè cánh hẩu mà không ngượng bút, không thấy "đỏ mặt" với đồng nghiệp và người đọc.

Xem các "nhà" tranh luận với nhau mới ghê, nhan đề nhiều bài viết rất hoành tráng, tỷ như: Xấu hổ về sự xấu hổ không đáng xấu hổ, Phê phán sự phê phán có tính phê phán, Biết nói không biết... là rất biết... Đấy là chưa nói có vị loanh quanh thế nào lại chứng minh Nguyễn Khuyến là nhà thơ đời Đường...".

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn: "Một điều khiến tôi đặc biệt thất vọng là các cây bút trẻ chỉ được 1-2 cuốn đầu, sau đó kém dần đi. Điều đó cắt nghĩa là một phần chúng ta vẫn viết bằng bản năng chứ không viết bằng học vấn. Vì thế cho phép tôi không kỳ vọng vào riêng ai…".

Giải thích về vấn đề tại sao văn chương Việt Nam không có những tác phẩm đỉnh cao như Cái trống thiếc của Gunter Grass, Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgacốp, Vương Trí Nhàn nói tiếp: "Ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay không thể có những tác phẩm như trên. Tư duy văn học phát triển đến đâu phụ thuộc vào sự phát triển và đổi mới của tư duy về cuộc sống trong xã hội nói chung. Khi nào chúng ta có một nền khoa học và một nền sản xuất phát triển thì khi đó mới có điều kiện để có sự đổi mới một cách chắc chắn trong tư duy văn học".

Dịch giả Nhật Chiêu nói đến bản lĩnh nhà văn như một yêu cầu quan trọng: "...Viết văn là một hành động đòi hỏi sự trung thực và can trường. Do đó không được để cho niềm sợ hãi nào làm lệch đi sự sống, hơi thở và tình yêu của mình. Điều này tùy thuộc hoàn toàn vào bản lĩnh cá nhân của nhà văn, không thể biện minh bằng những lý do bên ngoài...".

Nữ nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư thú nhận: "... Tư thấy nhiều người bị nạn rồi. Mình có nhiều cách để lựa chọn chứ, hãy làm những cái sức mình chịu đựng được. Có những người sùng bái văn chương nhưng với Tư, văn chương có quan trọng gì đâu, cuộc đời mình còn nhiều thứ khác. Nói thiệt, văn chương không là gì để cho mình đánh đổi tất cả...".

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: "…Văn học ta không yên đâu. Nó đang quẫy cựa, hình như ngày càng mạnh mẽ, cả quyết liệt hơn nữa, để nói về cái thế giới mà nó biết là không hề đơn nghĩa, tuyến tính, tất định này, và nói cũng bằng một ngôn ngữ đa nghĩa, đối thoại, dân chủ, ngày càng dân chủ hơn. Và như thế là đáng mừng.

… Nhiều người cầm bút rất có tư cách. Và có tài để thể hiện tư cách đó. Và đó là niềm hy vọng của văn học, của tiểu thuyết chúng ta".        

Công bằng mà nói, văn chương Việt Nam vẫn đang tiến về phía trước. Nhiều nhà văn có tài, có tâm huyết và hết sức can trường. Trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, họ vẫn viết được những tác phẩm đánh dấu được những cột mốc của sự phát triển văn chương...

Nhưng đòi hỏi văn chương Việt Nam phải có những tác phẩm có tầm vóc thế giới và đáng được giải Nobel văn chương, thì điều ấy còn phải chờ ở tương lai. Hiện tại, nói như Ngô Vĩnh Bình, văn chương Việt Nam "có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ".

2. Xin chớ lộng ngôn

Đã từng có những nhận xét lộng ngôn về văn chương Việt Nam rằng nhà văn Việt Nam "vô học", rằng văn chương Việt Nam là "vứt đi"... Chúng phát xuất từ đâu?

Xuất phát từ tư tưởng vọng ngoại và mặc cảm tự ti nhược tiểu: những người đưa ra các lời tuyên bố lộng ngôn ấy so sánh văn chương Việt Nam với văn chương thế giới, mà cụ thể là văn chương phương Tây. Họ thấy văn chương thế giới giàu sang về tác giả tác phẩm, văn chương thế giới vĩ đại về tầm vóc tư tưởng, thấy nhà văn thế giới đoạt giải Nobel văn chương, thấy các trào lưu nghệ thuật ào ào xuất hiện rồi ào ào biến mất như là sự phong phú và tiến bộ của nghệ thuật... Từ đó mà họ cho rằng văn chương Việt Nam nghèo nàn, bé nhỏ, thiển cận, lạc hậu, cho rằng các nhà phê bình Việt Nam là những nhà phê bình tiền lý thuyết, những nhà phê bình mù(?!). Điều ấy có phần đúng khi chúng ta vươn tới tầm vóc toàn cầu. Nhưng thái độ phủ định những giá trị của văn chương Việt Nam mới chính là thái độ mù lòa.

Vấn đề là ở chỗ những người có nhận xét lộng ngôn ấy đã viết được gì để theo kịp thiên hạ? Đã đóng góp được gì để văn chương Việt Nam sánh vai được với văn chương thế giới?

Phạm Thị Hoài từng phải thú nhận điều này: "Văn học Việt Nam ở hải ngoại... cũng trì trệ, lạc hậu, bảo thủ và tẻ nhạt. Tất nhiên là tẻ nhạt theo một kiểu khác. Vậy lời đáp nằm ở đâu?". Phạm Thị Hoài đã không tự trả lời được câu hỏi ấy.--PageBreak--

Trong thời đại toàn cầu hóa, những mặc cảm tự ti nhược tiểu ấy đã quá lạc hậu rồi. Hãy nhìn mà xem, một đất nước Cuba bé nhỏ vẫn tồn tại hiên ngang ngay cạnh nước Mỹ giàu mạnh nhất thế giới. Hơn 40 năm qua, Mỹ phong tỏa quyết liệt nhưng có làm gì được Cuba đâu! Hàng hóa các nước nhỏ bé, các nước nhược tiểu đang tràn ngập thị trường Mỹ (khiến cho Mỹ phải dựng rào cản).

Sự pha trộn của nhạc châu Phi và nhạc châu Âu đã tạo nên dòng nhạc rap hiện đại phương Tây. Phương Tây đang quay trở lại để học tập tư tưởng phương Đông, những Thiền viện ở phương Tây chính là nét đẹp phương Đông hiện hữu ngay trong lòng phương Tây thực dụng, như là biểu hiện của vẻ đẹp chân lý bất diệt.

Nguyễn Trãi từng được UNESCO phong tặng là Danh nhân văn hóa thế giới; nhạc sĩ Trần Văn Khê từng là "thầy" những học trò phương Tây về âm nhạc phương Đông. Nhà thơ Huy Cận từng được bầu vào Viện Hàn lâm thơ thế giới ở Italia. Những lăng tẩm ở Huế (công trình kiến trúc) trở thành Di sản văn hóa thế giới... Và gần đây, "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng, thơ Hồ Xuân Hương được xuất bản ở Mỹ, như là sự phát hiện ra những đặc sắc văn chương Việt Nam đóng góp vào văn chương thế giới...

Trong thời đại này, tuy thế giới là một sân chơi chung, nhưng mỗi dân tộc có bản sắc riêng, có giá trị riêng và có sức mạnh riêng. Tất cả phụ thuộc vào nhau. Ý thức thực dân không còn chỗ đứng. Điều quan trọng là mỗi dân tộc phải nhận ra những giá trị của chính mình và phát huy được bản sắc dân tộc mình trong một thế giới đa phương, đa diện và đa cực. Một cây đàn bầu Việt Nam vẫn có thể hòa với dàn nhạc giao hưởng mà không hề mất đi giá trị riêng của nó.

Trong sáng tác và phê bình văn chương, chủ nghĩa Hậu thực dân (Postcolonialism), khởi đầu từ Edward W. Said, đã nhận diện được "cái khác" (otherness) trong văn chương các nước thuộc địa, đặc biệt là ý niệm về bản sắc dân tộc, để chống lại văn hóa thực dân mà sự lấn át của nó là: nó biến khái niệm Tây phương, một thực thể địa lý, thành mẫu mực văn minh. Chủ nghĩa Hậu hiện đại (Postmodernism) đã lật đổ những đại tự sự (grand narratives), phủ nhận tính chất đô hộ và áp đặt đế quốc và thực dân (chẳng hạn văn hóa châu Âu áp đặt quan điểm của họ lên những nền văn hóa khác bằng vũ lực, bằng xâm lăng và đô hộ), xóa bỏ mọi trung tâm, xóa nhòa mọi sự phân biệt...

Hãy bỏ mặc cảm tự ti nhược tiểu đi! Đừng tự quỳ gối, tự nhận mình làm học trò trước thiên hạ như thế. Nếu dân tộc Việt Nam mà sống như thế thì đã chẳng tồn tại được trong hàng nghìn năm qua.

3. Đúng chỗ của mình

Bất cứ người cầm bút nào cũng nhận rõ sự bất lực của ngòi bút trước trang giấy trắng. Người viết có thể vắt cạn kiệt sức mình để cho ra đời tác phẩm. Song, tác phẩm ấy có hay, có "giá trị để đời" hay không, có được người đọc vồ lấy để đọc, nâng niu hay không, điều ấy nằm ngoài tay với của tác giả. Dường như trời cho ai cái may mắn ấy thì mới được.

Một đời nghệ sĩ có khi chỉ lóe sáng trong khoảnh khắc. Tài năng sáng tạo là thiên phú. Anh không có năng khiếu vẽ thì dù học đến mấy, anh cũng không thể vẽ nổi một bức tranh. Sự sáng tạo là của trời cho, trời cho bao nhiêu thì được bấy nhiêu. Trời cho mỗi người một ít, vì thế bầu trời mới đầy sao, mỗi ngôi sao một sắc màu. Cho nên cần trân trọng tất cả sự sáng tạo. Chẳng nên lấy cái vỏ "học thức" để coi các nhà văn khác là "vô học". Nếu cứ có "học thức" mà sáng tạo được những tác phẩm để đời, thì bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ đã trở thành nhà văn lỗi lạc hết rồi, làm gì có chỗ đứng cho Nguyễn Ngọc Tư!

Nguyễn Ngọc Tư tâm sự: "Trước khi viết truyện ngắn đầu tiên, tôi đơn thuần là một cô gái nông dân, bỏ dở học hành, ở nhà nấu cơm nuôi ông ngoại, chăm sóc vườn rau, chiều chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm". Vậy mà cô gái dở dang việc học ấy lại làm nên một hiện tượng văn học. Tuy vậy phải thấy rõ điều này: sự bán chạy của Cánh đồng bất tận chủ yếu là do Báo Tuổi trẻ quảng cáo. Giá trị văn chương của Cánh đồng bất tận còn cần phải được thời gian kiểm nghiệm.

Xã hội chỉ có thể trở nên lành mạnh và giàu có cơ hội phát triển nếu mọi sự vật và nhân vật được sắp xếp đúng chỗ của mình

Bùi Công Thuấn
.
.
.