Đức hạnh vốn khiêm nhường

Thứ Năm, 14/04/2005, 08:11

Thời gian gần đây, những chương trình từ thiện do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đã thu hút sự chú ý theo dõi của đông đảo khán giả. Đặc biệt, ở những chương trình này, bạn xem truyền hình càng thêm cảm phục các doanh nhân thời nay, họ không những có tài mà còn có cả tâm. Thế nhưng, vẫn có gì đó gờn gợn khi cái "tâm" ấy đôi khi còn chưa thật sự trọn vẹn.

Không biết có chủ quan khi nói rằng, lẩn quất đâu đấy có cả sự hợm hĩnh, một chút "tức nhau tiếng gáy" và…

Những năm gần đây, đời sống kinh tế của nhân dân ta đã được cải thiện, nhiều doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân làm ăn phát đạt, đồng nghĩa với kinh tế của nhiều gia đình trở nên khá giả. Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách từ bao đời nay đã ăn sâu vào máu thịt, vào suy nghĩ của người dân đất Việt. Qua các kênh thông tin, truyền hình, báo chí, đã có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, những sinh mạng cận kề giữa ranh giới của sự sống và cái chết được giúp đỡ. Hàng nghìn ngôi nhà tình thương được xây mới. Bao em thơ được chữa bệnh miễn phí, các nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ về vật chất và tinh thần... Chưa lúc nào như lúc này, trên truyền hình, trên báo chí, các chương trình ca nhạc, các hoạt động từ thiện được tổ chức rầm rộ và đem lại kết quả hết sức khả quan.

Ai đó từng nói, không có cái gì là tuyệt đối và có phải vì thế không mà ở một số chương trình ca nhạc từ thiện gần đây, ý nghĩa tốt đẹp ban đầu bị giảm đi nhiều khi người ta đã lợi dụng vỏ bọc từ thiện để phục vụ mục đích cá nhân nào đó. Việc xuất hiện của một vài ca sĩ dưới lớp vỏ "hát từ thiện" đã chiếm được rất nhiều cảm tình của công chúng, nhưng sự thật thì đằng sau cánh gà, họ lại hét cátxê với nhà tổ chức. Thậm chí, có ca sĩ dám "bùng" tiền của người tình nhưng sẵn sàng ủng hộ 10 triệu đồng (trong số tiền đó) để làm từ thiện(?). Cái kiểu "của người phúc ta" ấy xem ra chẳng lừa được mấy người. Trong những chương trình ca nhạc kiểu này, không ít ca sĩ được lăng xê và chiếm được sự yêu mến của những khán giả ngây thơ. Tóm lại, họ lợi cả đôi đường và có thể còn làm thay đổi được suy nghĩ của nhiều người về giới ca sĩ bây giờ: Hát vì tiền.

Đêm 10/4, chương trình “Một trái tim - Một thế giới" gây quỹ ủng hộ người tàn tật, trẻ mồ côi do VTV1 tổ chức đã gây xúc động bởi những phóng sự khiến người xem rơi nước mắt. Thế nhưng, sự xuất hiện của một vài "đại gia" trong phiên đấu giá đã khiến người xem có cảm giác như đây là sân chơi riêng của họ, là nơi để họ qua mặt nhau và đôi khi có cả một chút hợm hĩnh…

Quả thật là sau đêm diễn ra chương trình này, tôi đến cơ quan, gặp bạn bè đồng nghiệp, thấy họ cùng có chung một nhận xét, cái anh chàng "úp úp mở mở", chùng chình có mua hay không chiếc sim điện thoại số đẹp: 0909999999 ấy chắc chắn có đủ tiền nhưng lòng nhiệt tình thì còn hạn chế khi anh xin thôi tham gia phiên đấu giá ở "phút 89" với vẻ "nhẹ tênh". Không hiểu, trong luật đấu giá, anh chàng này bị xử thế nào, chứ tôi tin rằng, cả anh và công ty của anh đã "mất điểm" rất nhiều trước hàng triệu khán giả và anh có biết rằng, điều đó khiến các em bé mồ côi, người tàn tật buồn lắm. Họ buồn không phải vì số tiền ủng hộ cho họ bị giảm đi mà họ buồn vì có người đem việc làm từ thiện ra để đùa cợt. Tôi tự hỏi, nếu cuối cùng chỉ là ủng hộ 10 triệu đồng thì tại sao phải rình rang, cò cưa nhiều đến vậy. Người ác khẩu cho rằng, hành xử như thế đích thị là lừa khán giả. Còn tôi thì nghĩ đơn giản: Đó chẳng qua chỉ là một phút bồng bột, một phút thiếu chín chắn, nhưng dù sao cũng nên rút kinh nghiệm nếu anh không muốn cái tâm lành lặn của mình bị người đời hiểu chệch đi.

Trên sân từ thiện này, người ta thấy góp mặt cả những "đại gia" đủ cả "tai" lẫn "tiếng", đang bị "sờ gáy", tuy nhiên có thể vì muốn thanh minh với mọi người "Ta vẫn là ta" nên cũng xuất hiện nhưng không biết một điều mà ai cũng hiểu rằng: Con gà gáy to chưa chắc đã là con gà khỏe mạnh. Đức hạnh, như cổ nhân đã nói, vốn khiêm nhường và nhỏ nhẹ

Quang Minh
.
.
.