Đức: Dựng tác phẩm “Tư bản luận” thành kịch

Thứ Bảy, 11/11/2006, 09:16

Nhóm nghệ sĩ Rimini Protokoll bao gồm một số đạo diễn trẻ người Đức theo khuynh hướng tiền phong kiểu "nhà hát tài liệu" vừa thực hiện xuất sắc một nhiệm vụ được coi là “bất khả thi”: Dựng tác phẩm chính trị kinh tế học kinh điển của Karl Marx "Tư bản luận" thành kịch.

Những buổi công diễn đầu tiên vở kịch có tên "Tư bản luận, tập 1" tại Duesseldorf đã gây hứng thú đối với công chúng. Vở kịch được dựng như cuộc kể chuyện của 8 nhân vật, những người đã đọc thuộc lòng từ đầu đến cuối một trong những tác phẩm phức tạp và sâu sắc nhất của Marx. Các nghệ sĩ kể về cuộc đời của mình, được khúc xạ dưới ánh sáng những tư tưởng mà Marx đã gửi gắm trong  bộ "Tư bản luận".

Bộ sách này là kết quả nghiên cứu nền sản xuất tư bản tại nước Anh công nghiệp hóa trong ba thập niên của một trong những nhà tư tưởng lớn nhất thế kỷ XIX. Trong bộ sách này, áp dụng quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng của tiến trình phát triển lịch sử, Marx đã phát hiện ra quy luật động lực kinh tế của xã hội tư bản và chứng minh sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản.

Nhóm diễn viên tham gia kịch "Tư bản luận, tập 1" đa dạng về thành phần. Trong số này có một người theo chủ nghĩa Marx kiên định, luôn luôn phê phán Coca-Cola và những thói hư tật xấu của một xã hội tiêu thụ, một ca sĩ theo khuynh hướng xã hội từ thời tồn tại CHDC Đức, một người khiếm thị làm ở cơ sở chỉ dẫn qua điện thoại và luôn mơ ước được tham gia chương trình truyền hình "Ai là triệu phú?"...

Trên sân khấu của nhà hát Duesseldorf Schauspielhaus được trang trí bằng những tủ sách và bức tượng Marx... Tất cả đã góp phần tạo nên một niềm hứng khởi nối liền xã hội hiện đại với những vấn đề nan giải của nó và một phong cách đặc biệt phân tích đời sống xã hội và kinh tế mà Marx đã xây dựng nên.

Nhóm nghệ sĩ tiền phong Rimini Protokoll còn lôi kéo cả khán giả tham gia vở diễn. Khi vào khán phòng, mỗi một khán giả còn được trao cho một tập thứ 23 bìa cứng của bộ toàn tập các tác phẩm của Marx và Engels. Trong quá trình diễn ra vở kịch, thỉnh thoảng tất cả khán giả lại cùng nhau đọc những trích đoạn từ tập sách được trao.

Vở kịch này đã được dàn dựng trong ba tuần. Điều đặc biệt của nó là diễn biến kịch thường xuyên thay đổi tuỳ thuộc vào đội ngũ khán giả, tâm trạng của các nghệ sĩ và đạo diễn, cũng như những sự kiện diễn ra trên thế giới vào ngày hôm đó.

Sau khi diễn tại Duesendorf, nhóm nghệ sĩ Rimini Protokoll dự định sẽ đưa công trình nghệ thuật của mình tới cùng khán giả ở Berlin, Frankfurt và Zurich.

Nhóm nghệ sĩ Rimini Protokoll trước đó đã được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc tới nhiều nhờ vở kịch "Blaiberg und Sweetheart 19" mà trong đó có những người từng phải phẫu thuật thay tim biểu diễn và cả những người hay đi tìm tình yêu trên các trang web những con tim cô đơn

M.H. (theo báo Anh "The Guardian")
.
.
.