Đưa thơ Bác lên sân khấu chèo

Thứ Ba, 06/12/2005, 12:34

Đầu tháng 10 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát chèo Việt Nam đã cho ra mắt vở kịch “Những vần thơ thép” dựa theo tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ, do Tiến sĩ Trần Đình Ngôn chuyển thể, đạo diễn Bùi Đắc Sừ dàn dựng. Đây là công trình chào mừng các ngày lễ lớn và đã đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chèo toàn quốc 2005.

Ai cũng có thể hiểu được mục đích tốt đẹp của nhà biên kịch. Nhưng để đưa thơ Bác lên sân khấu là một điều không phải dễ. Đặc biệt là sân khấu chèo - sân khấu truyền thống, nhưng hiện nay đang rất kén độc giả. Chưa nói đến việc, tập thơ này của Bác được viết bằng chữ Hán, sau đó được dịch nghĩa sang chữ quốc ngữ, một lần nữa lại dịch thơ và cuối cùng chuyển sang ngôn ngữ kịch, nặng về tính biễu diễn.

Thơ của Bác có đặc điểm là rất hàm súc, lời ít ý nhiều. Như vậy qua bốn lần chuyển ngữ, liệu rằng thơ Bác khi được đưa lên sân khấu truyền thống, có chuyển tải hết nội dung? Ấy là chưa kể dù được chuyển thể qua các ngôn ngữ khác nhau, nhưng bắt buộc phải giữ đúng niêm, luật. Như vậy, nhà viết kịch phải có tầng văn hóa dày về văn học nghệ thuật, am tường các thể loại thơ ca cũng như về sân khấu nói chung, sân khấu chèo nói riêng. Làm sao không để xảy ra tình trạng thơ “át” chèo, hoặc chèo “át” thơ.

Như trên đã nói, sân khấu chèo hiện nay rất kén độc giả. Nhưng vì việc chuyển thơ Bác sang kịch bản sân khấu là một bước đột phá táo bạo, một sự thể nghiệm mới, nên trong đêm công diễn, khán giả tới xem rất đông, có đủ các thành phần, tầng lớp: các đạo diễn, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà phê bình, các bạn sinh viên, học sinh, các em nhỏ và tất nhiên là đông đảo những người lao động tự do.

Vở diễn mở đầu bằng cảnh Bác được mời sang Trung Quốc dự cuộc họp bàn cùng phe Đồng minh đánh đuổi phát xít Nhật, nhưng khi Người vừa qua biên giới thì bị mật thám Tưởng Giới Thạch theo dõi, bắt giữ; và kết thúc bằng cảnh chuyển thể từ bài thơ “Mới ra tù tập leo núi” - tác phẩm Bác sáng tác sau ngày được tự do.

Vì là nhật ký bằng thơ nên mỗi màn đều dựa trên một hoặc vài bài thơ của Bác. Những bài thơ ấy được sắp xếp theo trật tự thời gian và các sự kiện mà Bác đã chứng kiến và trải qua. Lẽ dĩ nhiên, khi chuyển thành kịch bản sân khấu, tác giả đã phải thêm một số lời dẫn, những tình tiết nhỏ để cho các màn diễn được liền mạch.

Người được hóa trang vào vai Bác Hồ là nhà giáo Nguyễn Quý Phức, tuy không nói được giọng Nghệ An nhưng đã diễn được cái thần của Người, đặc biệt là phong thái ung dung tự tại, niềm tin và ý chí “thép”.

Trong đêm diễn, thơ của Bác không chỉ được hát bằng các làn điệu chèo, mà còn được đọc, ngâm, và một số bài  được thể hiện bằng làn điệu ca trù. Cũng có khi chỉ một bài thơ nhưng được thể hiện bằng nhiều làn điệu khác nhau, nhân vật hát, một nhóm người trong cảnh đó hát và dưới sân khấu có một bè hát ngoài vọng vào. Cũng có khi nhân vật hát thơ bằng chèo, sau đó được đọc lại như một điểm nhấn, gây ấn tượng đặc biệt với khán giả. Như vậy, vở diễn vừa giữ được nét đẹp truyền thống của chèo cổ, lại vừa cách tân để lôi cuốn khán giả.

Sau buổi diễn, tiếng vỗ tay vang lên. Một nữ đạo diễn ngồi cạnh tôi đã thốt lên: “Đúng là thành công hơn cả mong đợi”.

Thành công này mở ra một hướng đi mới cho sân khấu chèo Việt Nam

Yên Trang
.
.
.