Dư âm của khoảnh khắc

Thứ Hai, 25/08/2014, 11:28

Hưởng ứng cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỉ vật lịch sử CAND” do Bộ Công an phát động, Đại tá Lương Mạnh Tâm đã gửi tới Ban tổ chức cuộc vận động hơn 300 bức kí họa mà ông là tác giả từ những năm ở chiến trường. Nhà xuất bản CAND đã tập hợp in thành ấn phẩm mang tên “Khoảnh khắc chiến trường”. Đây thực sự là những tư liệu quí, hướng tới kỉ niệm 69 năm Ngày thành lập CAND (19/8/1945 – 19/8/2014), tập tranh càng có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của lực lượng.

Hơn một năm hoạt động tích cực, cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỉ vật lịch sử CAND” do Bộ Công an phát động đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Ghi nhận thành công đó, trong quí I/2014, Ban Tổ chức cuộc vận động đã phối hợp với Nhà xuất bản CAND đã xuất bản ấn phẩm “Khoảnh khắc chiến trường” với hơn 300 bức tranh kí họa của tác giả Lương Mạnh Tâm.

Với hàng trăm bức tranh kí họa, tác giả Lương Mạnh Tâm đã ghi lại những khoảnh khắc  chiến trường miền Nam – nơi anh đã có thời gian dài tham gia chiến đấu với cương vị là cán bộ an ninh Trung ương Cục. Đó là những khoảnh khắc đầy cam go quyết liệt mà rất anh dũng kiên cường. Gần 40 năm chiến tranh đã đi qua, bây giờ xem lại chúng ta vẫn cảm nhận nguyên vẹn dư âm thời trẻ trung, đầy nhiệt huyết của tinh thần chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống của người chiến sĩ an ninh. Tác giả Lương Mạnh Tâm không phải là họa sĩ chuyên nghiệp, ông là Đại tá, nguyên Trưởng phòng của Cục Cảnh sát quản lí hành chính, nguyên cán bộ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Cũng như bao chiến sĩ an ninh khác, ông vào chiến trường làm nhiệm vụ công tác an ninh. Nhưng ông khác nhiều người khác là bên cạnh tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ an ninh, ông mang trong mình tâm hồn người nghệ sĩ. Tuy không được đào tạo một cách có bài bản nhưng ông có được chút ít năng khiếu, lại được ít vốn do tự học đã khiến cho ông có niềm đam mê về hội họa. Và rồi với những năm tháng sống ở chiến trường, ông đã đem tài năng và niềm đam mê ấy để trải nghiệm.

Đại tá Lương Mạnh Tâm trao bộ tranh ở chiến trường cho Trung tướng  Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Trưởng BTC cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỉ vật lịch sử CAND”.

Tác giả Lương Mạnh Tâm cầm bút vẽ là để tự thỏa sự đam mê của mình. Ông vẽ không phải để đưa ra tuyên truyền, khắc ghi tên tuổi. Ông vẽ trong lặng lẽ suy tư, lặng lẽ gọt giũa và lặng lẽ lưu giữ. Ông kể lại rằng, vẽ xong bức nào là tôi dán lên báo tường ở cơ quan cho anh em xem, sau đó tôi cất vào hộp sắt. Sau ngày miền Nam giải phóng, trở ra Hà Nội công tác, ông mang bên mình không phải là chiếc khung xe đạp, không phải là con búp bê…, mà là một thùng sắt đựng những bức tranh kí họa của ông. Rồi năm tháng qua đi với bao công tác dồn dập, bề bộn, kể cả những năm đã nghỉ hưu khiến cho ông không biết làm gì hơn ngoài việc thỉnh thoảng lại giở những bức kí họa ấy ra xem. Thời gian, khí hậu, điều kiện bảo quản không tốt nên một số trong đó đã bị úa hoặc hư hỏng. Rồi một vận may đã đến, có người khuyên ông nên đem hiến tặng cho Bảo tàng CAND. Lúc đầu còn băn khoăn nhưng về sau ông đã thấy đó là cách hay nhất để làm cho những bức kí họa của mình trở nên có ích cho ngành. Rồi cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỉ vật lịch sử CAND” mở ra. Vậy là ông đã tích cực tham gia bằng cách đem toàn bộ những bức kí họa mang hơi thở của khoảnh khắc chiến trường ấy tặng cho Ban Tổ chức cuộc vận động.

Tập tranh kí họa của tác giả Lê Mạnh Tâm chia thành 3 phần: phần 1 là tranh cổ động, phần 2 là tranh chân dung, phần 3 là tranh phong cảnh.

Tranh cổ động mang ý nghĩa tuyên truyền nhiều hơn. Nó là những áp phích nói về thắng lợi của từng chiến dịch, từng trận đánh trên khắp mọi miền của đất nước. Từng bức tranh, tác giả như muốn thổi vào đó khí phách hào hùng của cuộc kháng chiến của quân và dân ta. Những bức kí họa chân dung là một nội dung làm nổi bật sự sinh động của tập tranh. Những người đã từng chiến đấu khi xem lại kí họa những chân dung của chính mình và của đồng đội chắc rằng sẽ có một niềm xúc động khó tả. Quả thật, hơn cả những lời văn miêu tả cặn kẽ, những kí họa chân dung về những cán bộ, chiến sĩ an ninh R được tác giả khắc họa một cách dung dị, chân thực, mang đầy đủ dáng nét của những người con Nam Bộ thành đồng. Ta bắt gặp ở đây hình ảnh anh Ba Ấn, cán bộ điệp báo ANT4, anh Hai Trừng, Bí thư chi bộ, đến những cán bộ lớp trẻ như đội viên Đội trật tự Phước Long tên là Trung, anh Sáu Sơn cụt tay là dũng sĩ diệt Mĩ, em Hòa vào ngành An ninh lúc mới 15 tuổi, nữ chiến sĩ an ninh Vân-Na, người dân tộc Chàm, cô Năm quản lí, chị Sáu Chi hậu cần, mẹ con chị Xuân Phương… Gần 100 bức kí họa chân dung với những đường nét khắc họa rất đời thường, người thì thả mình trong hơi thuốc cuộn, người thì lim dim trên chiếc võng, người thì tranh thủ học thêm bên chiếc bàn kê tạm, người lại đang say sưa bên chiếc ghi-ta tự tạo, người tất tả cho con những giọt sữa từ bầu vú của mình… Tất cả hiện lên cái hơi thở  sống động của cuộc sống chiến đấu muôn màu muôn vẻ.

Những bức họa của Đại tá Lương Mạnh Tâm.

Phần thứ 3, tác giả vẽ những bức tranh phong cảnh. Ở đây có những bức thuần túy là phong cảnh, cũng có những bức phong cảnh mang dấu nét chiến tranh. Có những kí họa tác giả sáng tác sau ngày miền Nam giải phóng, những lần tác giả có dịp đi tham quan, trở về chiến trường xưa. Có những kí họa mang tính lịch sử giá trị như những kí họa thị xã Đồng Xoài sau ngày giải phóng, bức tranh người dân sống bên dòng sông Mê Kông những năm chiến tranh… Bây giờ có dịp nhìn lại, so sánh, đối chiếu, ta càng thấy nó có giá trị biết bao.

Tập tranh kí họa “Những khoảnh khắc chiến trường” của tác giả Lương Mạnh Tâm đem đến cho chúng ta những tình cảm đẹp đẽ, đem đến cho Bảo tàng CAND những tư liệu quí giá, mang nhiều ý nghĩa. Trong bài giới thiệu ấn phẩm này, Chủ tịch Hội Mĩ thuật Việt Nam – họa sĩ Trần Khánh Chương đã viết: “Những người làm nghề ở Hội Mĩ thuật Việt Nam bày tỏ sự trân trọng những bức vẽ trong cuốn sách này. Bởi đây không phải là những bức tranh với màu sắc và vô vàn những cung bậc của cảm xúc, mà còn là lắng đọng của phần đời tuổi trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết của Lương Mạnh Tâm và thế hệ những cán bộ Công an tăng cường cho chiến trường miền Nam. Đó thực sự là những tài sản tinh thần vô giá đáng trân trọng, cần được lưu giữ và bảo tồn”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương còn nhấn mạnh: “Dẫu chưa phải là hội viên Hội Mĩ thuật Việt Nam, hoặc hội viên Hội Văn học nghệ thuật của địa phương nào, nhưng cá nhân tôi tin rằng: Tác giả của tập tranh kí họa mà quí bạn có trên tay thực sự là một họa sĩ của chiến trường. Chắc chắn đã từ lâu, những đồng đội cùng chiến đấu với ông, nhân dân nơi ông từng chiến đấu công tác - những người có dịp thưởng thức hàng trăm tác phẩm hội họa độc đáo này cũng đã tôn vinh Lương Mạnh Tâm danh xưng cao quí: Họa sĩ chiến trường!”.

Theo như tác giả cho biết, sau ngày miền Nam giải phóng, Lương Mạnh Tâm trở lại đơn vị cũ ở cơ quan Bộ tiếp tục công tác. Công việc bận rộn khiến cho anh tạm dừng sáng tác. Đó là một điều thật đáng tiếc. Giá như niềm đam mê hội họa ấy được tiếp tục duy trì thì đến nay, chắc chắn Lương Mạnh Tâm sẽ cho ta thưởng thức nhiều khoảnh khắc đáng quí nữa

Phạm Văn Thạch
.
.
.