Dự ĐH nhiếp ảnh nghiệp dư bằng tiền Nhà nước: Sự lãng phí không cần thiết

Thứ Hai, 23/07/2012, 19:26
Là một chuyến tham dự đại hội Biennal FIAP, nhưng lịch hoạt động kèm theo công văn mà Chủ tịch VAPA ký, thì không có hoạt động nào giới thiệu riêng hình ảnh Việt Nam, trong khi phần lớn thời gian dành cho tham quan du lịch, thậm chí còn có chương trình ẩm thực, spa cao cấp (!)…

Ngoại giao văn hóa được xem là một hình thức quan trọng để mang hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Lâu nay, các lọai hình nghệ thuật ca, múa, nhạc, điện ảnh… của Việt Nam cũng đã làm tròn vai trò “đại sứ”, chỉ riêng bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật nghe chừng còn lép vế.

Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) đã có 47 năm tuổi. Nếu không tính thời chiến tranh, các cuộc giao lưu với quốc tế chỉ hạn chế ở các quốc gia Đông Âu - XHCN và một số nước có quan hệ ngoại giao, thì ảnh nghệ thuật của Việt Nam chỉ như một loại hình tuyên truyền thông tin về Việt Nam, để thêm cái nhìn về sự thật chiến tranh Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Nhưng nếu tính từ khi VAPA là thành viên thứ 65/100 của FIAP (Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới) năm 1991, thì ảnh nghệ thuật của Việt Nam đã có một sân chơi mở rộng với các hiệp hội CLB nhiếp ảnh các nước thông qua các cuộc thi của FIAP và do FIAP bảo trợ. Nhưng FIAP theo đúng slogan của tổ chức này là “Nhiếp ảnh nghiệp dư xuyên thế giới”.

Vai trò “đại sứ” nhạt nhòa

Rõ ràng trong các loại hình văn hóa nghệ thuật mang đi giao lưu ở các sự kiện ngoại giao văn hóa của Việt Nam, ảnh nghệ thuật chỉ như một loại hình “thêm” vào để minh họa. Phần triển lãm ảnh chỉ như hương hoa thêm màu sắc, để tạo không khí rồi không có thêm ấn tượng nào ngoài những câu khen ngợi xã giao. Chưa có một triển lãm ảnh nghệ thuật nào của Việt Nam được bảo tàng ở các quốc gia chú ý và tham khảo, chọn lựa để mua hay sưu tầm.

Qua 30 kỳ Biennal FIAP, ảnh Việt Nam cũng đã có những giải thưởng cao, nhưng những bộ ảnh đó chỉ lưu lại FIAP như hàng trăm bộ ảnh của các quốc gia khác, và cũng chỉ nằm trong khuôn khổ của FIAP mà không ra được với những bảo tàng nghệ thuật lớn của thế giới ở các quốc gia có nền nghệ thuật nhiếp ảnh nổi tiếng như Pháp, Mỹ, Anh, Ý… Ngay cả với những quốc gia trong khu vực châu Á, hay Đông Nam Á, ảnh nghệ thuật Việt Nam cũng chưa có vị trí trong các bảo tàng nghệ thuật của họ.

Vì thế nhiệm vụ “đại sứ” ngoại giao văn hóa của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam vẫn nhạt nhòa, chưa hiệu quả so với các bộ môn nghệ thuật khác.

“Ăn chơi phải tốn kém…”

Theo thông lệ, đại hội FIAP 2 năm/lần tổ chức và các thành viên đến đại hội tự túc mọi chi phí đi lại, ăn nghỉ…. Nhưng ở Việt Nam, từ mấy đời Tổng thư ký, Chủ tịch VAPA, đi dự các đại hội FIAP lại đều dùng kinh phí Nhà nước. Nghĩa là tiền thuế của dân đã được tiêu tốn vào cuộc này không hề nhỏ. 

Thế nhưng hiệu quả ra sao? Với truyền thông, nó không làm nên một sự kiện để “phủ sóng” thông tin. Về văn hóa, nó cũng không tạo nên độ “nóng” của một sự kiện văn hóa quốc tế nên mấy ai biết và nhớ? Đặc biệt, điều mà VAPA Việt Nam không làm được, là sau đại hội, gần như không có bài báo hay truyền thông nước ngoài nào đưa tin, giới thiệu hình ảnh Việt Nam thông qua đại hội FIAP, ngoài một triển lãm ảnh của các thành viên FIAP ở Việt Nam, rồi “ai về nhà đó”, như một cuộc du lịch vui vẻ. Nhiệm vụ “ngoại giao văn hóa” thông qua hình ảnh Việt Nam ở đại hội FIAP 30 xem như phá sản.

Chưa hết. Năm nay, Đại hội 31 của FIAP tổ chức tại Singapore từ 22 đến 28/8 với lịch làm việc chính thức chỉ có 2 ngày là thứ sáu 24/8 và thứ hai 27/8, còn ngày cuối tuần dành cho các đại biểu tham quan du lịch Singapore (bằng tiền túi cá nhân). Nhưng nhìn vào thông báo của VAPA, không khỏi giật mình với dự toán chi phí cho chuyến đi. Theo công văn số 109/CV-NA ký ngày 11/6 của Chủ tịch VAPA Vũ Quốc Khánh, sẽ có 3 đại biểu chính thức - nghĩa là đi bằng tiền Nhà nước, thêm 5 đại biểu dự thính đi tự túc và nếu ai muốn đi nữa thì đăng ký với giá vé máy bay hai chiều Sài Gòn- Singapore là 5.250.000 VND và tiền ăn nghỉ, tham gia hoạt động trong thời gian Đại hội là 36.566.000 VND/người, tổng cộng gần 42 triệu đồng/người.

Thông báo cũng nêu rõ ngoài mấy ngày chính thức, có thêm chương trình đi chơi sau đại hội với giá 780$ Singapore  cho 2 ngày 2 đêm nữa, với điều kiện tour tối thiểu phải có 20 người đăng ký. Trong số 3 đại biểu chính thức, nếu có đại biểu ở phía Nam, Nhà nước còn phải chi thêm khoản vé TP HCM - Hà Nội và ngược lại.

Hài hước nhất, đây là một chuyến tham dự đại hội Biennal FIAP, nhưng lịch hoạt động kèm theo công văn mà Chủ tịch VAPA ký, thì không có hoạt động nào giới thiệu riêng hình ảnh Việt Nam, trong khi phần lớn thời gian dành cho tham quan du lịch, thậm chí còn có chương trình ẩm thực, spa cao cấp (!)… Phải chăng đó là hoạt động ngoại giao văn hóa của VAPA? Đặc biệt, số tiền như trên liệu có hợp lý, khi tham khảo thì thấy đắt gấp 3 lần giá trọn gói các tour du lịch ở Việt Nam đi Singapore? Phải chăng các đại biểu dùng tiền Nhà nước nên có giá riêng?

Có nên lãng phí tiền thuế của dân vào những chuyến đi không mang lại ý nghĩa cho ngoại giao văn hóa của Việt Nam như thế? Nhất là khi còn rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tuổi ngòai 70 vẫn đang mơ một tài trợ của VAPA cho triển lãm cá nhân một đời nghệ sĩ, còn giấc mơ in sách ảnh thì quá xa vời...

D.Miên - V.Thơ
.
.
.