Đồng bào Khmer An Giang đón lễ Sene Dolta
Đến các phum, sóc trong những ngày cuối tháng 9 này mới thấy hết không khí chuẩn bị cho lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer. Xa xa ngoài đồng, bà con đang tranh thủ giặm lúa để về nhà dọn dẹp nhà cửa, trưng bày bánh trái, thức ăn mừng lễ Dolta.
Nếu như, trong đời sống tâm linh của người Kinh theo đạo Phật có lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, mang nét đẹp về lòng tri ân, hiếu thảo của con cái với đấng sinh thành thì đồng bào Khmer có lễ Sene Dolta (cúng ông bà, tổ tiên) là một trong những lễ lớn trong năm, diễn ra từ 29/8 đến 1/9 âm lịch, cũng mang nét văn hóa truyền thống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chúc mừng, tặng quà lễ Sene Dolta cho Thượng tọa Chau Hắc, Trụ trì chùa Tức Phôs. |
Bà Néang Nương (ngụ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn), cho biết: “Ông bà, cha mẹ tôi đều đã mất, tro cốt gửi vào chùa Tức Phôs. Lúc cha mẹ còn sống, vì mãi lo làm lụng, không chăm sóc chu đáo nên tôi thấy hối hận. Bây giờ, con cái tôi đã trưởng thành, bản thân cũng không phải vất vả mưu sinh nên tôi chuẩn bị lễ cúng ông bà, cha mẹ dịp Sene Dolta được tươm tất hơn. Đó cũng là cách thể hiện tấm lòng đối với tổ tiên để con cháu học tập”.
Theo Thượng tọa Chau Hắc, Trụ trì chùa Tức Phôs, nhờ chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của đồng bào Khmer ở địa phương được cải thiện hơn rất nhiều so với trước. Tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm hàng năm, bà con được no cơm, ấm áo nên cũng yên tâm cho con cái đến trường. Ngoài tổ chức tu tập cho sư sãi, à cha, là nơi sinh hoạt cho Phật tử, chùa còn tổ chức dạy học cho con em người Khmer. Cùng với học văn hóa, chùa đã trang bị được phòng tin học với 13 máy vi tính để các cháu học công nghệ thông tin. Trên khuôn viên rộng lớn của ngôi chùa Nam tông Khmer nằm dưới chân núi Nam Quy, Thượng tọa Chau Hắc cùng các sư sãi, à cha và bà con Phật tử trồng nhiều cây xanh, tạo không gian mát mẻ, thoáng đãng để học sinh Khmer có thể đến ôn bài, thư giãn ngoài giờ học tại trường. Bà con Khmer cũng đến đây mừng lễ Sene Dolta ấm cúng hơn.
Phật tử dâng thức ăn cho các vị sư sãi nhân lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer. |
Tại chùa Pro Lai Miês (thường gọi chùa Mỹ Á, thuộc xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên), đồng bào Khmer cũng tất bật chuẩn bị lễ Sene Dolta trong niềm phấn khởi. Hòa thượng Chau Cắt, Trụ trì chùa Mỹ Á cho biết, cùng với trang trí chùa để tổ chức lễ chính, bà con Phật tử cũng dọn dẹp, sửa sang, trang trí lại nhà cửa để đón rước ông bà, tổ tiên. “So với trước đây, cuộc sống của bà con được cải thiện đáng kể nên mọi người rất phấn khởi. Bên cạnh các chính sách chăm lo về đất ở, đất sản xuất, Nhà nước còn hỗ trợ cho vay vốn nuôi bò, tập huấn kỹ thuật canh tác nông nghiệp, nâng cao dân trí nên trình độ của bà con Khmer được nâng lên rất nhiều. Từ đó, người dân càng yên tâm lao động sản xuất, tham gia sinh hoạt tại chùa và cộng đồng vui vẻ hơn” – Hòa thượng Chau Cắt vui vẻ cho biết.
Theo truyền thuyết, lễ Sene Dolta (tiếng Khmer là lễ ông bà) được tiến hành từ ngày 16 đến 30 tháng 8 âm lịch. Tuy nhiên, để tập trung lao động sản xuất, chăm lo đời sống, lễ Sene Dolta ngày nay đã được rút ngắn còn 3 ngày chính, diễn ra từ ngày 29/8 đến 1/9 âm lịch.
Theo Hòa thượng Chau Sơn Hy, Trụ trì chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn), để chuẩn bị cho 3 ngày chính thức, bà con đã dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ, trang trí nhà chùa từ rất sớm. Ngày đầu tiên bước vào lễ Sene Dolta, từng gia đình dọn mâm cơm, bánh trái, rượu trà rồi cùng nhau đốt nhang, đèn, khấn vái mời linh hồn tổ tiên, ông bà và người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu. Đến chiều, mọi người ăn mặc tươm tất, tiếp tục dọn mâm cơm cúng ông bà, rồi mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp cho đến tối. Ngày thứ hai, bà con Khmer chuẩn bị mâm cơm cùng bánh, trái mang vào chùa để tổ chức cúng chính (cúng tập thể). Sau khi được các vị sư tụng kinh, mọi người cùng ăn, trò chuyện và vui chơi tại chùa. Buổi chiều, họ rước linh hồn ông bà về nhà. Đến ngày thứ ba (ngày cúng tiễn), mỗi nhà lại chuẩn bị mâm cơm, họ mời sư sãi cùng họ hàng thân tộc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố…