Đồng bằng sông Cửu Long: Nét du lịch độc đáo chùa Khmer

Thứ Ba, 04/12/2007, 10:20
Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1 triệu đồng bào Khmer đang sinh sống với hàng trăm ngôi chùa cổ kính, có kiến trúc độc đáo với những câu chuyện về văn hóa, lịch sử và tâm linh đáng quý.

Trong thời gian gần đây, khách thập phương, đặc biệt là du khách ngoài nước đến tham quan vùng sông nước hữu tình này hết sức thích thú mỗi khi ghé qua những ngôi chùa mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Trong những câu chuyện mà họ có được sau chuyến tham quan lý thú ấy, có khá nhiều chi tiết do các nhà sư tại các chùa Khmer kể cho họ nghe.

Nhiều du khách đã ngạc nhiên bộc bạch rằng, nét độc đáo của du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không phải chỉ dừng lại ở cảnh trí đặc thù vùng hạ nguồn sông Mêkông, những món ăn dân dã nhưng hết sức ấn tượng của người dân Nam Bộ, đờn ca tài tử, hay những câu chuyện về văn hóa, lịch sử độc nhất vô nhị chỉ có ở vùng đất trẻ nhất trên đất nước có hình chữ S,… mà chính là cốt cách mộc mạc, mến khách đến lạ thường trong mỗi con người, dù họ là ai…

Một tuần sau dịp lễ hội Ooc - om - boc của đồng bào Khmer, tôi theo chân một đoàn khách du lịch có cả ta lẫn Tây khởi hành từ Cần Thơ, vượt chặng đường 130km ghé tham quan chùa Wat Kom Sakor Prêk Chru mà người địa phương quen gọi là chùa Xiêm Cán.

Chỉ cách trung tâm thị xã Bạc Liêu 12km, chùa Xiêm Cán được xây dựng từ cách nay ngót 120 năm trên diện tích 50.000m2 thuộc dãy đất giồng cát, sát mé biển lộng gió và đặc biệt là vườn nhãn nổi tiếng từ cả thế kỷ qua. Đại đức Dương Quân - trụ trì chùa cho biết, công khởi xướng xây dựng Xiêm Cán là Hòa thượng Thạch Nam.

Vào năm Kỷ Dậu 1909, một trận bão dữ dội đổ bộ vào phá hủy hoàn toàn khu chánh điện của chùa. Thế là vị trụ trì cùng các sư sãi và tín đồ phải ra sức góp công, góp của xây lại chính điện bằng gỗ quý. Sau 28 năm trụ trì, hòa thượng Thạch Nam đã viên tịch.

Có một số sự kiện lịch sử khiến ngôi chùa này đang được chính quyền và ngành chức năng Bạc Liêu đề nghị công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là nơi đây từng là nơi nương tựa của thanh niên chống bắt lính.

Đến giai đoạn 1962-1973, nổ ra cuộc biểu tình của sư sãi, tín đồ đòi tự do tu hành, tôn trọng phật pháp, tự do đi lại và chống bắt lính. Năm 1971, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Phó Đại đức Thái Thuận Xuôi, thanh niên tín đồ xông vào cướp lấy thùng phiếu bầu thượng hạ viện của chính quyền Sài Gòn tại chùa Ông Bổn, làm cuộc bỏ phiếu của địch hoàn toàn thất bại.

Và cuộc biểu tình lớn nhất, tập trung nhiều chùa, đi đầu là các sư sãi, tín đồ khu vực chùa đi gặp trực tiếp tên Tỉnh trưởng Bạc Liêu vào ngày 3/4/1973, đấu tranh vạch trần mặt kẻ sát hại Đại đức Sơn Thal ở chùa Prây - Chốp. Sau cuộc biểu tình này, địch tiếp tục mưu sát Đại đức Thạch Phươl - vị trụ trì đời thứ 5 của Xiêm Cán, là người dẫn đầu cuộc đấu tranh ngày 3/4/1973.

Đại đức Dương Quân kể thêm, cũng như bao chùa chiền thánh thất nằm trong vùng kềm của giặc, Xiêm Cán không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật, mà còn là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng, là trung tâm tập hợp lực lượng đấu tranh chính trị. Tại chùa còn lưu giữ bộ sách Khmer cổ được viết trên lá cây dày đến 70 trang.

Cũng giống như những ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu, Trà Vinh mà du khách từng đặt chân đến, tại Sóc Trăng - nơi có đến gần 100 ngôi chùa Khmer cổ kính, những câu chuyện về văn hóa, lịch sử và tâm linh đáng quý.

Tại chùa Mahatup - còn gọi là chùa Dơi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, ngoài câu chuyện lịch sử hào hùng, tôi được các sư và Đại đức Kim Rêne kể chuyện về đàn dơi đông kỷ lục Việt Nam và những con heo năm móng từng tá túc quanh chùa.

Tại chùa Khléang được xây dựng năm 1533, tôi đã gặp Hòa thượng Tăng Nô. Ông năm nay 65 tuổi, xuất thân từ nông dân. 22 tuổi, ông vào chùa tu đến năm 1975, được tín đồ phật tử tín nhiệm làm trụ trì đời thứ 21 cho đến nay. Hiện ông là thành viên của Hội Chữ thập đỏ TW, Phó Thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Phó Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ.

Ông kể: Chùa Khléang được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Anh Vũ Đức Thọ - Trưởng phòng Quản lý du lịch Sở Thương mại Du lịch Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu cũng là địa phương có nhiều chùa Khmer có du khách thường xuyên ghé thăm.

Khi vào chùa, du khách thật sự thấy thích thú khi được trực tiếp nghe các sư kể chuyện. Thực ra đây là điều đã diễn ra bấy lâu nay. Tới đây chúng tôi sẽ tổ chức lớp tập huấn du lịch cho các nhà sư tại các chùa Khmer để câu chuyện kể của các sư thêm sinh động, và có thêm tính khái quát về quê hương, đất nước con người... đáp ứng nhu cầu thiết thực của du khách

Thái Bình
.
.
.