Đông Á - Thép Pomina: Trăm nẻo truân chuyên

Thứ Bảy, 15/10/2005, 07:07

Nhiều khả năng CLB Đông Á - Thép Pomina sẽ bị LĐBĐVN kỷ luật vì hành vi "hối lộ trọng tài" của Giám đốc điều hành CLB Vũ Tiến Thành. Tuy nhiên, nếu nhìn quá khứ, người ta có quyền đặt ra câu hỏi: Phải chăng, đây là hệ quả bắt nguồn sâu xa từ những cuộc cải tổ thiếu tính triệt để, nặng tính đối phó dư luận của CLB này kể từ khi nhận chuyển giao lực lượng từ đội CA Tp.HCM đến nay?

Một giám đốc Sở TDTT bị tố cáo là "mua độ bất thành" cầu thủ đối phương; Trọng tài Lương Trung Việt và Giám đốc điều hành CLB Đông Á - Thép Pomina Vũ Tiến Thành bị bắt giam và khởi tố vì hành vi "hối lộ trọng tài"; hàng loạt trọng tài khác ra "tự thú" và nộp lại số tiền "lót tay" lỡ nhận của các đội bóng. Những vụ việc tiêu cực bóng đá liên tiếp xảy ra trong thời gian qua như những quân bài domino đầu tiên bị đổ dẫn tới một hiệu ứng dây chuyền, làm "lộ sáng" cái mảnh sân sau đầy tăm tối của một nền bóng đá mà sự không minh bạch đã ăn sâu vào gốc rễ từ nhiều năm.…

Thay đổi nửa vời

Còn nhớ sau khi tiếp nhận đội CATP Hồ Chí Minh vào giữa mùa giải 2001-2002, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thể thao lúc bấy giờ - ông Lê Hùng Dũng (hiện là Phó Chủ tịch LĐBĐVN) đã tiến hành một cuộc "cách mạng" tiền thưởng khi treo thưởng 1 tỷ đồng cho 3 trận thắng cuối cùng của mùa giải. Vào thời điểm đó, giới quan sát hậu trường làng bóng chẳng khó để đọc được "tình ý" của ông Dũng sau khoản tiền thưởng treo cao này: Lấy "tiền sạch" đè "tiền bẩn", đồng thời chặt đi những mối "ân tình" chồng chéo của đội bóng với các "đối tác" cũ.

Thế nhưng, kết quả lại đi ngược với mong muốn. Liều "doping tiền" có giá trị tương đương với tiền thưởng cho chức vô địch V.League năm ấy đã không phát huy tác dụng, kể cả khi nó được "xúc tác" thêm bằng việc lãnh đạo đội bóng thuê vệ sĩ tư để giám sát các cầu thủ. Trong số 3 trận, NHĐA chỉ thắng một trận duy nhất trước Đà Nẵng, còn lại là "chia điểm" với Thể Công và Thừa Thiên - Huế, những đội ở tốp cuối bảng đang cần điểm trụ hạng, bằng những kết quả hòa. Và NHĐA chỉ đánh đích ở vị trí thứ 3 trên bảng tổng sắp, thay vì ngôi vị á quân như chỉ tiêu đề ra.

Bước vào mùa giải 2003, với thất bại trong việc thanh lọc lực lượng, gạt bỏ ra khỏi đội ngũ những cầu thủ "có vấn đề", người cầm đầu cuộc "cải tổ" Lê Hùng Dũng chán nản và cuối cùng phải cay đắng nói lời chia tay đội bóng với một lý do "tế nhị": bận công việc kinh doanh.

Cũng từ thời điểm này, ở đội NHĐA, những dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của một nhóm cầu thủ chi phối hoạt động và thành tích thi đấu của đội bóng, mà dư luận gọi là "quyền lực đen", ngày càng trở nên đậm nét. Trên sân cỏ, do đều là những "át chủ bài" của đội, lại được cầm đầu bởi một tiền đạo nổi tiếng, nên gần như lối chơi của đội hoàn toàn bị họ kiểm soát. Thích đá thì đá, thích thắng thì thắng, thích buông thì buông, đi xa hơn nữa, nhóm "quyền lực đen" này còn đòi hỏi được quyền xếp đội hình ra sân thay cho HLV trưởng. Thậm chí, vào thời điểm ấy, có không ít những dư luận nghi ngờ nhóm cầu thủ này có dính líu, móc ngoặc với những đường dây cá độ trong Nam, ngoài Bắc để "làm kinh tế".

Còn trong sinh hoạt, không chỉ ra những yêu sách về tiền lương, tiền thưởng, những điều kiện ưu đãi, họ còn ngang nhiên phớt lờ những quy định của CLB bằng lối sinh hoạt tuỳ tiện, vô kỷ luật, đi muộn về sớm.

Đỉnh điểm là kể từ lượt về của V.League 2003, nhóm "quyền lực đen" không chịu đá để gây áp lực với lãnh đạo đội bóng, cũng như mở đường cho một "người quen cũ" - một chuyên gia "đi đêm" - trở về nắm chiếc ghế Giám đốc điều hành CLB. Hệ quả là NHĐA trượt dốc không phanh từ vị thế ứng viên cho chức vô địch xuống tốp tranh trụ hạng với 7 trận liên tiếp không biết mùi chiến thắng.

Giọt nước tràn ly, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận và nguy cơ đổ vỡ niềm tin của người hâm mộ, lãnh đạo NHĐA hiểu rằng đã đến lúc phải hành động, chứ không thể tiếp tục "thỏa hiệp", thuyết phục để mong chờ nhóm "quyền lực đen" phục thiện. Các cầu thủ NHH, NPHL và HHV bị CLB từ chối ký tiếp hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp. Còn LHĐ cũng bị đội thanh lý sớm hợp đồng.

Nhưng tiếc thay, cuộc "cách mạng lần thứ hai" này vẫn chưa đi đến tận cùng. Mùa giải 2004, tung bộn tiền trên thị trường chuyển nhượng để mua về những "hàng Thái chất lượng cao", lại được Sở TDTT "tăng cường" Vũ Tiến Thành, một chuyên gia bóng đá hàng đầu để hỗ trợ chuyên môn và quản lý, những tưởng NHĐA có thể "rũ bùn đứng lên".

Vậy mà phúc chẳng thấy đâu. Kết thúc lượt trận thứ 5 ở V.League 2004, lãnh đạo đội bóng lại phải "đụng dao, đụng thớt" "trảm" 2 cầu thủ trụ cột là Ngọc Thọ và Ngọc Thành vì thi đấu có vấn đề trong trận thua ngược Hải Phòng ngay trên sân nhà Thống Nhất.

Hết quân lại đến tướng. Sau lượt trận thứ 8, vì kết quả thi đấu yếu kém của đội, HLV trưởng Vital phải nói lời chia tay, nhường chỗ cho ông Hồ Thu.

Bản tính hiền lành, ngại va chạm khiến ông Thu bất lực trong việc hoá giải những mâu thuẫn trong nội bộ đội bóng giữa "ngoại binh" và "nội binh" hay sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những cầu thủ cũ với "lính đánh thuê" từ nơi khác. Kết quả là NHĐA đi thẳng xuống giải… hạng Nhất.

Nghi án tiếp nghi án

Ngay sau khi đội rớt hạng, lãnh đạo NHĐA lại tiến hành cuộc "cách mạng lần thứ ba". Đổi tên CLB thành Thép Pomina, trải thảm đỏ mời HLV lão luyện Nguyễn Thành Vinh về cầm đội. Một loạt các trụ cột cũ phải ra đi, thế vào đó là những người mới. Tuy nhiên, vấn đề cũ của NHĐA là chuyện chia rẽ nội bộ, cầu thủ bè cánh vẫn không chấm dứt. Trái lại, với cuộc đổ bộ của hàng loạt cầu thủ gốc Nghệ An, mâu thuẫn ngày càng trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới kết quả thi đấu của đội tại giải hạng Nhất.--PageBreak--

Thế là lại "trảm" quân: Ngọc Thọ, người bị coi là cầm đầu nhóm cầu thủ Tp.HCM, bị sa thải. Còn thủ môn Thế Anh, "đầu lĩnh" nhóm Nghệ An, cũng bị cảnh cáo.

Như một phép thần kỳ, sau khi "dẹp loạn" nội bộ, Đông Á  - Thép Pomina thăng như diều gặp gió. Và khi đánh đích giải hạng Nhất, họ giành quyền thăng hạng cùng Tiền Giang và Khánh Hòa.

Nhưng rồi khi Giám đốc điều hành CLB Vũ Tiến Thành bị cơ quan Công an bắt giam vì hành vi "hối lộ trọng tài" thì một phần "sức mạnh thần kỳ" của Đông Á được "giải mã". Thậm chí, lúc vụ việc vỡ lở, có thông tin hành lang còn cho rằng, đội bóng này chỉ đá thật 6/22 trận của mùa giải hạng Nhất?! Một chỉ số trung thực thật ít và thật "sốc"!

Không chỉ vậy, cơ quan ngôn luận của LĐBĐVN còn tiết lộ một thông tin "động trời": bạn gái của một tiền đạo đội Đông Á.Thép Pomina đã khoe với người quen rằng, trước trận quyết định suất thăng hạng với Tôn Hoa Sen-Cần Thơ ở vòng đấu cuối cùng của giải hạng Nhất 2005, các cầu thủ Đông Á được chích một loại thuốc để tăng thể lực. Phải chăng đó là doping? HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh hoàn toàn phủ nhận thông tin này. Thậm chí, ông Vinh còn "dọa" sẽ thu thập chữ ký của các cầu thủ Đông Á  - Thép Pomina để khởi kiện cơ quan ngôn luận của Liên đoàn.

Trời kêu ai nấy dạ?

Ngày hôm nay ai cũng nhìn ông Vũ Tiến Thành, nhìn CLB Đông Á - Thép Pomina như một "phạm nhân". Nhưng nghĩ lại chính họ cũng là một "nạn nhân" của cái nền bóng đá bao năm "sống chung với lũ tiêu cực", thậm chí chấp nhận và "bình thường hóa" tiêu cực như một phần tất yếu của cuộc chơi như "chân lý" của một ông Giám đốc Sở: "Bóng đá Việt Nam không cần tiền đạo, không cần tiền vệ, chỉ cần… tiền mặt"!

Thời bóng đá bao cấp, mỗi đội bóng là đại diện một ngành, một tỉnh. Vậy nên chuyện trụ hay rớt hạng đôi khi ảnh hưởng tới chiếc ghế của ông Giám đốc Sở này, ông Chủ tịch kia, vị lãnh đạo ngành nọ. Vì căn bệnh thành tích nên các đội bóng phải móc với nhau để cùng "tồn tại". Đơn cử theo tư liệu cũ, mùa giải 1997, giải lần đầu tiên xác định thứ tự xếp hạng căn cứ vào kết quả các trận đấu sau khi kết thúc lượt về, trong tổng số 66 cặp đấu lượt đi và lượt về, có đến 30 cặp đấu có kết quả "thắng sân nhà, thua sân khách", chiếm tỉ lệ 45,45%. Bạn nghĩ sao về thống kê này?

Nhưng lãnh đạo đội chỉ đá trên bàn, chứ đâu có đá trên sân. Thế là "kịch bản" được "dạy" cho các cầu thủ "diễn". Đến lượt mình, một số cầu thủ vì không thắng nổi những cám dỗ ngoài xã hội, đã bán mình cho những đường dây cá độ để rồi biến trận đấu thành những "phi vụ đen".

Không chỉ "đi đêm" với nhau qua các bản hợp đồng "song phương" và "đa phương", các lãnh đạo đội bóng còn "nuôi" cả trọng tài như một "bảo kê" cho chiến thắng. Thế mới có chuyện, các đội lúc nào cũng ca thán trọng tài bắt thế này, thế kia, nhưng đội nào cũng có trọng tài cùng "cạ", cùng dây với mình. Và chuyện "lót tay" trọng tài làm nhiệm vụ những "khoản tiền bồi dưỡng" được xem như "lệ làng" không thể thiếu.

Còn BTC vì 2 chữ "thành công" trong bản tổng kết giải nên phần lớn "mũ ni che tai". Thảng cũng có mùa gặp ông Trưởng giải dũng cảm dám trừ điểm đội này, kỷ luật đội kia vì tiêu cực. Nhưng tất cả những cú đánh đó chỉ là "đòn dằn mặt" theo cái "kiểu đánh trống bỏ dùi", "ném chuột xa bình", chứ mấy ai dám mạnh tay "xóa bàn đi làm lại".  Virus tiêu cực "nhờn thuốc" cũng bởi "thuốc" không đủ liều.

Người ta cứ nghĩ đơn giản là có bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá doanh nghiệp thì tiêu cực đương nhiên bị xóa sổ. Nhưng họ đã nhầm! Khi những hạt mầm chuyên nghiệp được gieo xuống cái nền bóng đá không chuyên, sự tha hóa của cả một hệ thống, sự sai lầm về nhận thức "cả làng ăn gian" vẫn dai dẳng tồn tại, thậm chí nó còn lây lan sang cả những con người mới bước vào làm bóng đá theo cái quy luật "đi với ma phải mặc áo giấy". Hoặc giả bản thân những cuộc "cách mạng" nửa vời của Đông Á  - Thép Pomina cũng phần nào là lăng kính phản ánh thực tế và chống tiêu cực của cả một nền bóng đá. Để được tiếng là chuyên nghiệp, được tiếng là chống tiêu cực, người ta có thể "trảm" vài ba cầu thủ "dính chàm", lên báo thề thốt đủ thứ, chẳng từ cả "thề độc". Nhưng còn bản chất 2 chữ "trung thực" - trung thực với chính lòng mình và trung thực với những khán giả - thì mấy lãnh đạo, HLV, cầu thủ, trọng tài dám đối diện, nhất là khi chữ "trung thực" luôn bị lấn át bởi chữ "thành tích". 

Làm gì để bóng đá Việt Nam trong sạch?

Trước tiên chính những cá nhân của nền bóng đá hãy làm sạch chính bản thân và suy nghĩ của mình một cách trung thực! Thứ đến, đã đến lúc thôi "giơ cao đánh khẽ", "ném chuột xa bình" chỉ để đối phó dư luận, hàn gắn tạm bợ niềm tin của người hâm mộ

Bảo Hân
.
.
.