Đón nhận kỷ vật của thành viên nhóm "Con Nai" (Mỹ) giúp Việt Minh

Thứ Sáu, 20/03/2009, 10:23
Chỉ sau một tháng đợt tiếp nhận "Những kỷ vật kháng chiến" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 19/2, BTC cuộc vận động đã tổ chức đợt tiếp nhận lần 2 khá đặc biệt: những kỷ vật của một cựu binh Mỹ, ông Henry A. Prunier, người từng tham gia kháng chiến tại Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.

Cuộc vận động sưu tầm "Những kỷ vật kháng chiến" do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, đã không chỉ gây tiếng vang trong nước, mà còn lan tỏa đến cả các cựu binh người nước ngoài đã chiến đấu vì nền độc lập của Việt Nam.

Vì thế, chỉ sau một tháng đợt tiếp nhận "Những kỷ vật kháng chiến" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 19/2, BTC cuộc vận động đã tổ chức đợt tiếp nhận lần 2 khá đặc biệt: những kỷ vật của một cựu binh Mỹ, ông Henry A. Prunier, người từng tham gia kháng chiến tại Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.

Chiếc cặp da của nhà văn Nguyễn Minh Châu và chiếc áo của Henry A. Prunier gửi tặng.

Năm 1944, chiếc máy bay B25 của Mỹ đã bị quân Nhật bắn rơi trong lúc thị sát. Viên phi công lái máy bay đã kịp nhảy dù xuống xã Đề Thám (Cao Bằng) và bị Việt Minh bắt. Sau đó, viên phi công được đưa đến gặp Bác Hồ và được Bác đối xử rất tử tế. Ít lâu sau, Bác đã đưa viên phi công đó sang Côn Minh (Trung Quốc) để trao trả cho quân Mỹ. Cảm kích trước thái độ của Hồ Chủ tịch, đồng thời, cũng cần sự giúp của Việt Nam trong việc chống Nhật, phía Mỹ đã hứa hẹn sẽ hợp tác với Việt Nam bằng cách giúp ta vũ khí, thuốc men v.v…

Đổi lại, Việt Nam rải truyền đơn chống Nhật, cung cấp tình hình quân Nhật cho Mỹ. Ngày 16/7/1945, Mỹ đã cử một đội cố vấn 6 người có tên gọi "Con Nai" nhảy dù xuống Tân Trào, để huấn luyện giúp Việt Minh cách sử dụng trang bị kỹ thuật hiện đại.

Prunier làm nhiệm vụ phiên dịch và ông rất ngạc nhiên chen lẫn khâm phục khi thấy Bác Hồ nói tiếng Anh, tiếng Pháp thành thạo. Càng gần Bác, Prunier càng quý mến vị lãnh tụ của Việt Nam. Để ghi lại kỷ niệm đẹp trong đời, ông tẩn mẩn vẽ lại sơ đồ của căn phòng ông và các cán bộ Việt Minh ở khi đó.

Sau khi trở về Mỹ, ông đã được phong trung sĩ vì thành tích đã cống hiến ở Việt Nam. Để ghi nhớ, ông đã giữ mãi chiếc áo được trao lần ấy. Cũng từ đó, Prunier bỏ công sưu tầm tất cả các cuốn băng quay về Bác Hồ do các hãng thông tấn trên thế giới thực hiện, như một cách bày tỏ tình yêu với vị lãnh tụ.

Khi biết tin Việt Nam đang sưu tầm kỷ vật của những người từng tham gia các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Prunier quyết định trao lại những kỷ vật đã trở thành máu thịt với ông suốt hơn 6 thập kỷ qua. Ông muốn được tiếp tục góp phần cùng với nhân dân Việt Nam làm sáng mãi truyền thống đáng tự hào trong quá khứ. 

Trong buổi tiếp nhận này, nhiều cựu binh và gia đình họ đã mang tặng những kỷ vật được gìn giữ từ thời kháng chiến. Bà Nguyễn Thị Doanh - quả phụ của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đem tặng chiếc cặp da mà nhà văn đã dùng để đựng tài liệu viết các tác phẩm tại mặt trận đường 9 Khe Sanh, Quảng Trị năm 1968...

Thanh Hằng
.
.
.