Dồn dập chương trình truyền hình thực tế: Đừng vui quá hóa... nhảm!
Trăm hoa đua nở
Tính sơ sơ, đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 20 chương trình truyền hình thực tế được sản xuất, phát sóng tại Việt Nam. Chiếm phần lớn là dạng các cuộc thi. Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực từ các chương trình truyền hình thực tế trong việc góp phần tạo thêm sự đa dạng, phong phú hơn cho bức tranh chung của truyền hình nước nhà khi chạm đến nhiều lĩnh vực. Nếu thi ca hát, không thể phủ nhận những Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Vietnam Idol, Đồ rê mí, Giọng hát Việt hay Giọng hát Việt nhí từng khiến người xem truyền hình “phát sốt” mỗi mùa giải. Người mẫu, thời trang có Next Top Model, Project Run way VietNam. Nấu ăn có Vua đầu bếp. Nhảy múa có Bước nhảy hoàn vũ...
Thực tế, hầu hết các chương trình đều là những phiên bản Việt, mua bản quyền từ những chương trình đã tạo “độ nóng” nhất định với số đông khán giả nhiều quốc gia. Với thí sinh tham gia, yếu tố hấp dẫn không chỉ quyền lợi có thể đạt được ngay trước mắt khi đoạt giải là vài trăm triệu, thậm chí đẩy lên vài tỷ đồng như giải thưởng cho người thắng cuộc trong “Người giấu mặt”. Mức độ “phủ sóng” tên tuổi và thù lao tăng vọt, tạo bệ phóng cho sự nghiệp mới là “miếng bánh” hấp dẫn hơn cả. Có thể liệt kê hàng loạt tên tuổi sau các cuộc thi, điển hình và gần đây nhất phải kể đến cô bé Phương Mỹ Chi, Văn Mai Hương, Hoàng Thùy... Ngay ban giám khảo, người được ban tổ chức trả thù lao, mức độ nổi tiếng cũng theo đó mà tăng vọt theo chiều thẳng đứng. Nếu như trước đây, người hâm mộ của Khánh Thi, Chí Anh, thậm chí cả biên đạo múa Trần Ly Ly chỉ khu biệt trong một số lĩnh vực, nếu không muốn nói là giới hạn trong những biên độ nhất định như khiêu vũ thể thao, múa thì sau một vài chương trình như “Bước nhảy hoàn vũ”..., họ đã trở thành những cái tên rất thân thuộc với khán giả truyền hình. Thậm chí là xuất hiện liên tục trong năm, hết chương trình nhảy múa này đến chương trình khác.
Cho thí sinh là người của công chúng hát trong hộp chứa heo, phân heo, rắn, chuột... là chiêu trò của “Đố ai hát được”. |
Cơn sóng chương trình truyền hình thực tế ào ạt trên màn ảnh nhỏ mấy năm gần đây không khác gameshow làm mưa làm gió trên truyền hình nhiều năm về trước. Tìm chương trình giải trí tối cuối tuần trên màn ảnh nhỏ hiện nay, người xem dễ gặp ngay các chương trình truyền hình thực tế, thậm chí không phải một mà đến hai chương trình liên tiếp trong một tối: Ngay sau “Đố ai hát được” phát sóng trên VTV3 vào 20h, Bước nhảy hoàn vũ tiếp tục chiếm sóng (từ 21h)...
Cạnh tranh bằng mọi giá?
Tất nhiên, có cầu ắt có cung. Nhưng, đặc sản có ngon đến mấy thì ăn nhiều, ăn dồn dập cũng ngán. Chưa kể, sau một vài mùa giải, yếu tố mới lạ giảm bớt, nhiều tên tuổi có lượng fan hâm mộ lớn như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà liên tục được chiêu dụ làm giám khảo. Sức sáng tạo của con người chắc chắn không phải là vô cùng, đặc biệt là gói trong vai trò giám khảo hết cuộc thi này đến cuộc thi khác.
Chưa kể việc “lớp sóng sau” đè “lớp sóng trước” không phải chỉ bằng nội dung chương trình mà còn bằng vô số các chiêu trò khác từ nhà sản xuất cho đến sự “tiếp tay” đắc lực của các “phù thủy” truyền thông. Còn nhớ, ngay khi VietNam Idol bắt đầu “hạ nhiệt”, khán giả có ngay Giọng hát Việt. Sau một vài mùa thi, khi cả 2 đều nhạt đã có ngay Giọng hát Việt nhí. Với Bước nhảy hoàn vũ cũng tương tự. Từng góp phần làm rộ lên phong trào khiêu vũ thể thao trên cả nước, đặc biệt là các đô thị lớn song đến nay, dù không thể không thừa nhận những nỗ lực, cố gắng lớn từ những người thực hiện cho đến các thí sinh nhưng sức hấp dẫn của chương trình vẫn bị cho là tuột dốc.
Ít cũ hơn trong thời gian gần đây vì vừa kết thúc hoặc vẫn đang gặt “mùa” đầu tiên phải kể đến “Người giấu mặt”, “Đố ai hát được”, “Chinh phục đỉnh cao”. Một loạt chương trình khác cũng ngấp nghé lên sóng: Học viện âm nhạc, Nhân tố bí ẩn... Nhưng, cũng lại là những chữ nhưng, người theo dõi các chương trình truyền hình thực tế không dễ để nhận thấy, khá nhiều chương trình văn hóa giải trí này, tính xây dựng và nhân văn đang ngày càng mờ nhạt hơn. Những bê bối quanh các chương trình cũng dày đặc hơn. Người xem, bạn trẻ nhận thông điệp gì trước những hành vi không thể nói là không trơ trẽn của những thí sinh ngang nhiên cởi đồ trước ống kính mà họ biết chắc hình ảnh được phát sóng dù là không hẳn toàn bộ đến triệu triệu khán giả của chương trình “Người giấu mặt”.
Người xem, đặc biệt là nhà nông giàu tự trọng nghĩ gì khi người ta đổ hàng xô lòng trứng, trét thực phẩm lên người anh chàng thí sinh trong “Đố ai hát được”. Một thông điệp rõ ràng, góp phần làm phong phú, làm đẹp đời sống văn hóa tinh thần theo đúng chức năng vốn có của một sản phẩm văn hóa, kể cả là một chương trình văn hóa giải trí như “Đố ai hát được” trong suốt các số phát sóng vừa qua chỉ là con số không bên cạnh những màn chọc cười lấy được. Ngay “Chinh phục đỉnh cao”, cuộc thi được kỳ vọng là sẽ phát huy được tính chuyên môn cao của loại hình nghệ thuật vốn kén khán giả và gắn mác “bác học” là Opera cũng khiến không ít người lạc quan trước đó rơi vào thất vọng. Chưa kể, sự “phù phép” của các “phù thủy” truyền thông và “té nước theo mưa” đến mức trơ trẽn của nhân vật chính – thí sinh, dù chưa phải là tất cả các thí sinh của “Chinh phục đỉnh cao” càng khiến nhiều người ngán ngẩm.
Không thể không ngán ngẩm khi một gương mặt mới đó còn bị dư luận chỉ trích là thảm họa âm nhạc, sau một đêm, một số phát sóng được cho là thành công đã mặc nhiên khoác lên mình danh hiệu “ông hoàng opera” - cái danh hiệu mà một nghệ sĩ chân chính, có lòng tự trọng thì dẫu có cho vàng mười cũng không dám nhận khi mới vào nghề... Các sản phẩm văn hóa như thế, khó trách sao “cỏ dại” mọc nhiều