Đời sống văn chương hôm nay

Thứ Năm, 26/01/2006, 16:55
Không khí văn chương vào những ngày cuối năm 2005 này có vẻ sôi động hơn mấy năm trước. Mấy tháng vừa qua, sự xuất hiện của hai cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc đã làm cho báo giới và các phương tiện truyền thông đại chúng “được mùa” lớn. Cũng giống như trường hợp xuất hiện cuốn nhật ký chiến trường “B Trọc” của nhà báo, nhà văn Phạm Việt Long sáu năm trước (1999), không ít người cầm bút bỗng giật mình, tự sờ lên gáy mình mà nghĩ lại.

Thì ra, cái chân lý cuối cùng của cuộc đời và trang viết vẫn nằm gọn trong ba chữ chân - thiện - mỹ giản dị, khiêm tốn và huy hoàng kia. Đời sống thực, nỗi buồn vui thực, số phận thực của con người, sự lương thiện, sự tử tế cùng khát khao vươn tới cái đẹp, cái hoàn hảo của con người mãi mãi vẫn là cái đích hướng tới của văn chương. Đọc Phạm Việt Long, Chu Cẩm Phong, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… bây giờ, lại chợt nhớ Nam Cao của thời chống Pháp, nhớ Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi) thời chống Mỹ vô cùng.

Văn chương đắm mình cùng con người, cùng đồng bào, cùng nhân dân và Tổ quốc như thế, văn chương may ra mới có ích, mới tử tế, mới sang trọng được. Những điều ngỡ là sơ đẳng ấy, chân lý hiển nhiên ấy, ngỡ là ai cũng biết, cũng thông tỏ và tâm niệm, vậy mà không phải thế, ngay trong những người cầm bút cũng không nghĩ giống nhau. Trường hợp của một nhà thơ, một nhà phê bình văn học có tiếng tăm, hay cao giọng răn dạy người khác, thoắt cái hiện nguyên hình là một kẻ hoạt đầu, là một ví dụ đau xót cho những người cầm bút chân chính.

Trường hợp một nhà văn tài năng, được đông đảo bạn đọc ngưỡng mộ, bỗng chốc lên tiếng phỉ báng, chửi bới và coi khinh đồng nghiệp của mình cũng là một cách hành xử đáng phê phán. Trường hợp một nhà văn thành danh khác lên tiếng bênh vực và ngợi ca một tác phẩm văn học loạn luân cũng là một tổn thương đau đớn và chua xót!

Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, văn chương đang thị trường hóa, điều ấy là tất nhiên, là đúng quy luật, là không cưỡng được. Tuy nhiên, văn chương nói riêng và văn nghệ nói chung, là một sản phẩm đặc biệt, ngoài giá trị của một thương phẩm, nó còn là giá trị của tâm linh, của nhân văn và nhân bản. Văn chương không được phép khinh rẻ con người, không biến con người thành con vật, không tha hóa con người, xô đẩy con người về phía những bản năng thú vật.

Viết một truyện ngắn như “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu là một điều ghê tởm, in và khen “Bóng đè” lại là một điều “khó hiểu” hơn. Loạn luân đâu có gì là mới, đâu phải là cái đích mà loài người phải đến, vậy “Bóng đè” mang thông điệp gì tới cho con người hôm nay? Có một cây bút phê bình văn học đã hết lời xưng tụng, rằng: “Đó là bóng đè của truyền thống văn hóa dân tộc đổ xuống khao khát bản năng được sống, được yêu hết mình của những người phụ nữ. Họ muốn bung tỏa, bùng nổ toàn bộ con người bản năng của mình trong sự dâng hiến và đón nhận tình yêu, vượt qua những rào cản cấm kỵ, kiêng cữ của hệ giá trị một thời, của những tập tục gia đình, dòng họ!”

Đọc “Bóng đè” và cả “Vu quy” nữa, tôi không sao đồng cảm, thậm chí không thể hiểu được, tại sao người đàn bà trong truyện ấy cứ tự hỏi: “Sống trong căn nhà trang trí tranh Đông Hồ đầy bụi bám, ngửi hít mùi phù sa sông Hồng ngày này qua ngày khác, không hiểu cuộc đời tôi sẽ ra sao!”. Rồi đây nữa, thật điên loạn và khủng khiếp hơn, Đỗ Hoàng Diệu viết: “Mười một ngôi mộ yên bình, sự yên bình thái quá một u mê. Tôi muốn những ngôi mộ nứt đất, chui ra từng bóng ma, từng oan hồn tử sĩ xéo sắc, tay dài chạm gối. Tôi nghĩ mình sẽ không muốn gì ở đứa con gái nhiều cảm xúc này và có gan hãy hãm hiếp tôi giữa ban ngày ban mặt!…”. Thật là kinh hoàng, thật không sao hiểu nổi một ngòi bút phụ nữ có thể viết những câu văn thác loạn đến như vậy! Những bậc cha mẹ, ông bà tử tế có dám cho con cháu mình đọc những truyện ngắn đầy ứa nhục dục và dâm đãng ấy không? In ấn, xuất bản và truyền bá rầm rĩ những tác phẩm điên rồ, thác loạn ấy nhằm mục đích gì, có lương thiện hay không? Sự phản ứng mãnh liệt và mang tính cộng hưởng trong số đông người đọc đã trả lời điều ấy!

Đáng chê trách hơn, một trong những người tung hô “Bóng đè” khi  “làm tuyển Văn Mới 2004-2005 đã nhanh tay và nắm bắt được thị trường, đưa “Bóng đè” vào sách luôn”. Như vậy, người ta có thể mang cả ông bà ông vải ra làm hàng chợ, miễn thu được lợi nhuận vào hầu bao của mình. Hãy thử đặt chân dung người nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm bên cạnh người thiếu phụ lăng loàn kia, chúng ta sẽ thấy xót xa và phẫn nộ biết chừng nào!

Tuy nhiên, ngoài những giải thưởng văn chương thiếu sức thuyết phục, may sao chúng ta còn có một giải thưởng khác, đó là giải thưởng cho cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004 của Hội Nhà văn Việt Nam. Có 14 tiểu thuyết được trao giải, trong đó có 4 tác phẩm loại A, 5 tác phẩm loại B, 5 tác phẩm tặng thưởng.

Tuy nhiên, do hạn chế về công tác tuyên truyền, phổ biến, do sự thờ ơ của các nhà phê bình văn học lãnh cảm, thành tựu của cuộc thi tiểu thuyết nói trên đã nhanh chóng rơi vào im lặng. Người ta đổ lỗi cho sự xuống cấp của “văn hóa đọc” trong thời đại bùng nổ thông tin. Nhưng thực ra, đó chỉ là một phần, một cái cớ yếu ớt mà thôi. Văn học nói chung đang tự đánh mất mình trong lòng bạn đọc là do chính bản thân nó đã xa rời đời sống, xa rời những vui buồn thường nhật, những ước mơ cao cả của con người.

Hàng vạn bản sách nhật ký chiến trường của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc đã chứng minh điều đó. Rõ ràng, văn hóa đọc chưa hề xuống cấp như người ta tưởng. Khi văn chương thờ ơ với con người thì con người thờ ơ với văn chương, vậy thôi!

Không khí văn học sẽ còn một dịp sôi động nữa, khi Hội Nhà văn bước vào xét giải thưởng thường niên và kết nạp hội viên mới 2005. Ngoài ra, không khí càng sôi động khi Nhà nước quyết định trao giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước đợt này.

Đó là những sự kiện lớn của đời sống văn học hôm nay, chúng ta hãy chờ đợi

Trịnh Thanh Sơn
.
.
.