Đôi lúc thèm một bàn tay phụ nữ

Thứ Sáu, 15/10/2004, 17:02
Đã lại cận kề thêm một ngày lễ dành riêng cho phụ nữ Việt Nam: Ngày 20 - 10! Đành rằng đàn ông mỗi người mỗi cảnh nhưng trong đời, trang nam nhi nào cũng có lần phải thốt lên giữa giờ nguy khốn nhất: Hãy cho tôi một bàn tay phụ nữ, tôi sẽ vững lòng ngay!

Tôi từng viết rằng:

"Đôi lúc thèm một bàn tay phụ nữ

Quệt ngang qua vầng trán khô cằn.

Sẽ dịu lại cái nhìn nóng bỏng,

Những đam mê như đã thôi cần?

Bàn tay ấy có thể không của mẹ

Không của em, chưa chắc của bạn bè,

 Bàn tay ấy có thể không tình ý,

Nhưng luôn như cơn gió đêm hè  

Giúp ta sẽ hiểu lẽ đời dâu bể,

Sen thanh cao khi ở trong bùn,

Sẽ long đong nếu trót mang nặng chí,

Hồn Thái Sơn, thân phận có khi lùn..."  

Một nhà thơ khác, Heinz Kahlau ở CHDC Đức trước đây (nay thuộc CHLB Đức), cũng từng có một bài thơ ngắn và rất hay về bàn tay phụ nữ.

“Ngực anh, tay em đặt lên,

Lâu quá, anh giờ chẳng rõ,

Chỗ nào trái tim sóng vỗ,

Chỗ nào yên ắng tay em?!”

Chỉ có vậy thôi. Với một số lượng từ rất hạn chế, trong một không gian thơ hạn chế và với một chuyện duy nhất, thi sĩ đã gợi mở cho người đọc bao nhiêu suy nghĩ. Cái cớ của bài thơ chỉ là việc: "Ngực anh, tay em đặt lên, Lâu quá..."

Khi ta tự đặt tay lên ngực (để thề thốt, để... nuốt giận làm lành...), ta thường đứng thẳng, hoặc ngang bướng, hoặc hiên ngang... Còn khi người phụ nữ của ta đặt tay lên ngực ta, thì có lẽ là lúc đó ta đang nằm: hoặc vì mệt mỏi rồi vì cuộc đời (đàn ông thời nào mà chẳng lắm công chuyện và phận sự, cụ Nguyễn Công Trứ nhà ta từng bảo: "Đã mang thân ra trong trời đất..."); hoặc đơn giản chỉ muốn "làm nũng" nàng thôi (người ta nói, trong bất cứ đấng nam nhi nào, ở bất cứ lứa tuổi nào, cũng luôn ẩn chứa tâm hồn một đứa trẻ, sau những ngày giờ vươn mình ra che chắn cho phái yếu, cho cả thế gian, thì đôi khi ta lại như bé nhỏ lại trước người đàn bà ta yêu, yêu ta!). Và thế, ta nằm; nàng có lẽ là đang ngồi cạnh ta, đặt tay lên ngực ta, chắc hẳn thực dịu dàng, thực nhẹ nhàng (ngay cả ở người đàn bà có phải lao động vất vả đến mấy, bàn tay họ khi đặt trên vồng ngực đàn ông cũng trở nên bé nhỏ, lẹ làng - nặng hay nhẹ, suy cho cùng, là do tương quan, phép so sánh là vậy).

Chắc vì ta mệt lắm, hay ta muốn làm nũng dai lắm, nên nàng đặt tay lên ngực ta thật lâu, lâu lắm... Và trong cảnh hoan lạc đó, nếu những người đàn ông bình thường có thể thanh thản thiếp đi, hoặc để quên lãng tất cả, hoặc để mơ tới những gì đó to lớn và xa xôi hơn người đàn bà yêu dấu bên cạnh, thì hồn vía thi sĩ của Heinz Kahlau lại cứ mãi nôn nao và náo động vì câu hỏi: "...anh giờ chẳng rõ, Chỗ nào trái tim sóng vỗ, Chỗ nào yên ắng tay em?!"  

Thế đấy! Không đứng núi này, trông núi nọ. Không vô tư mãn nguyện với sự may mắn của cá nhân mình. Heinz Kahlau dành trọn vẹn tâm hồn mình cho người đàn bà yêu dấu liền cạnh, vân vi mãi với sự hòa nhập toàn phần của bàn tay nàng với trái tim mình. Một cõi "đa đoan" và một miền thanh lọc đã không còn ranh giới nữa! Ai nhờ ai? Rạch ròi ra không dễ, thậm chí, không thể!  

Của đáng tội, cũng có người phụ nữ bảo rằng, em mang yên ắng lại cho trái tim sóng vỗ của anh. Nhưng sự thực thì đối với các nhà thơ, ngay trong hạnh phúc vẫn không thể nào lắng dịu. Đã được phút giây làm đứa trẻ bên cạnh người đàn bà ta yêu, yêu ta, mà vẫn không chịu tĩnh trí đi mà hưởng thụ cái hạnh phúc trần gian giản dị và có thể là hiếm hoi đó.

Trái tim thi nhân lúc nào cũng như biển, không hẳn như Xuân Diệu từng nói là để "đã  hôn rồi, hôn lại, cho đến mãi muôn đời, đến tan cả đất trời, anh mới thôi dào dạt". Trái tim thi nhân như biển luôn náo động vì quá nhạy cảm và cả nghĩ. Người làm thơ luôn cho rằng, để có một niềm vui dù bé nhỏ thôi, cũng không bao giờ là sự dễ dàng.  

Và thật may mắn cho ai trong đời dẫu chỉ một lần có được một bàn tay yên ắng đặt trên trái tim sóng vỗ của mình. Và thật đáng khâm phục thay người phụ nữ không sợ bị chìm đắm dưới lớp sóng đa đoan của trái tim thi sĩ, dũng cảm lao vào giữa biển cả tình yêu để làm bình yên lại hồn thơ, dẫu chỉ trong khoảnh khắc, trong những khoảng thời gian hữu hạn

.
.
.