Sau bài viết "Yên Tử: Lợi dụng văn hóa tâm linh để thu lời vô tội vạ":

“Độc quyền” nơi cửa Phật

Thứ Sáu, 23/03/2007, 09:28

Trả lời câu hỏi: "Trách nhiệm của BQL trước việc Công ty Tùng Lâm tăng giá cáp treo Yên Tử lên tới hơn 30%?". Ông Nguyễn Trung Hải - đại diện Ban Quản lý di tích và danh thắng Yên Tử - cho biết "Công việc kinh doanh của công ty chúng tôi không nắm được".

Theo phản ánh của nhiều bạn đọc, tình trạng tăng giá vé tuyến cáp treo Yên Tử một cách bất hợp lý của Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm (sau đây xin được gọi là Công ty Tùng Lâm) cũng như hiện tượng bắt chẹt khách tại vùng đất này đang khiến cho Yên Tử mất đi phần nào tính hấp dẫn của vùng đất vốn được coi là vật báu quốc gia này.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Công ty Tùng Lâm cùng Ban Quản lý di tích và thắng cảnh Yên Tử xung quanh những vấn đề trên.

Tăng giá cáp treo vì… có đoàn văn công phục vụ

Chiều 21/3, ông Nguyễn Văn Quý - Phó Giám đốc Công ty Tùng Lâm trả lời câu hỏi tại sao lại tăng giá cáp treo lên tới hơn 30% so với năm 2006 bằng lời giải thích hết sức kỳ lạ: "Anh không biết đấy, mỗi lần có khách du lịch đến đây, chỉ cần có 5 người trở lên là chúng tôi đã có đội văn nghệ phục vụ văn nghệ miễn phí trong lúc người ta chờ đợi vào ga. Mặt bằng chung của cuộc sống đã được nâng lên…" rồi bỏ lửng câu trả lời.

"Như vậy là cuộc sống đã được cải thiện và đội văn nghệ phục vụ miễn phí là nguyên nhân tăng giá vé?". Ông Quý trả lời: "Còn tiền điện, tiền nước và phong cách phục vụ của chúng tôi rất tốt".

Thật khó chấp nhận khi cho rằng,  nguyên nhân chính của việc tăng giá cáp treo Yên Tử của Công ty Tùng Lâm là "do trình độ phục vụ của nhân viên công ty tăng, và do cả nguyên nhân là… phục vụ văn nghệ miễn phí". Rõ ràng, đây là những câu trả lời chưa thỏa đáng.

Việc tổ chức cho đội văn nghệ phục vụ miễn phí du khách thập phương là chủ ý của Công ty Tùng Lâm và đã được đưa vào hoạt động cách đây vài năm. Và đã gọi là phục vụ miễn phí thì không thể viện cớ đó để tăng giá cáp treo một cách vô tội vạ.

Trả lời câu hỏi: "Trách nhiệm của Ban Quản lý Yên Tử trước việc Công ty Tùng Lâm tăng giá cáp treo Yên Tử lên tới hơn 30%?". Ông Nguyễn Trung Hải - đại diện Ban Quản lý di tích và danh thắng Yên Tử cho biết "Công việc kinh doanh của công ty chúng tôi không nắm được".

Đường sá tốt… phải đợi 2008, bắt chẹt khách do quá… tải

Từ tuyến QL18, đoạn thuộc địa phận huyện Uông Bí, du khách bị bất ngờ với con đường dẫn vào Yên Tử vì nó quá gập ghềnh với những ổ gà lồi lõm. Hiện Yên Tử thường xuyên mưa mù nên đường cũng cứ nhầy nhụa trong bùn nước. Ông Quý cho biết: "Con đường đã được mở rộng nhiều đoạn cua, song muốn hết lầy lội thì phải đợi đến… năm 2008".

Theo chúng tôi được biết, doanh thu từ Công ty Tùng Lâm trong năm 2006 vào khoảng 16 tỷ đồng. Tính riêng trong 1 tháng đầu tiên kể từ khi khai hội 2007, doanh thu của đơn vị này đã lên tới 10 tỷ  đồng. Như vậy, những "nhà quản lý" mới đang tập trung vào "quyền lợi của mình" mà chưa tính đến đầu tư phục vụ cho khách?

Còn các dịch vụ khác tăng giá một cách bất ngờ, liệu đây có phải là chủ trương của Công ty Tùng Lâm hay do các hàng quán tự ý nâng giá? Anh bạn ở Công an huyện Đông Triều đã dặn phải hỏi giá chiếu ngủ qua đêm, anh cho biết giá ngày thứ 7, chủ nhật chỉ 50 nghìn thôi, nếu không biết họ đòi 150 nghìn là hớ đấy.

Được mách trước, chúng tôi tìm đến quán nhà ông Hói (không biết tên chỉ thấy ông ta đầu hói). Ông chủ bảo một thanh niên dẫn chúng tôi lên tầng 2 với những chiếc chiếu đôi được trải sát nhau. Tôi hỏi giá anh ta bảo: "Các bác là chỗ quen em mới xếp chỗ. 300 nghìn/ chiếu chứ người lạ không còn chỗ nằm”. Chúng tôi ngạc nhiên và nói có người giới thiệu đến. Lưỡng lự một lúc, anh ta hạ xuống 250 nghìn rồi 200 nghìn cho 1 chiếc chiếu dành cho 2 người nằm.

Đem trao đổi thông tin này với đại diện của Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm, ông Quý tỏ ra không bất ngờ: "Có tình trạng này mỗi khi lượng khách tới đây quá đông. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra thông tin trên".

Chùa Đồng đang bị xâm hại

Như đã nói, Chùa Đồng mới được khánh thành vào ngày 30/1 vừa qua, tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, ngôi chùa được coi là "độc đáo nhất Đông Nam Á” đang bị xâm hại do những ý thức vô văn hóa và cả thái độ trông nom gìn giữ thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nhiều người đã khắc tên mình lên chùa một cách tràn lan, xâm hại tính tôn nghiêm nơi đây.

Chiều 21/3, sau khi đã lên tới Chùa Đồng, ông Vũ Công Phúc (ngụ tại số 5 phố Hàng Chĩnh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc: "Một nơi linh thiêng như thế này, tại sao người ta vẫn để những kẻ vô ý thức phá hoại như thế?”.

Đã có ý kiến cho rằng, một di tích, thắng cảnh lớn, độc nhất vô nhị của quốc gia, nếu cứ để tình trạng giao cho một công ty cổ phần "độc quyền" như thế này dễ diễn ra tình trạng quản lý lỏng lẻo, tăng giá làm nản lòng khách thập phương khi hành hương về đất Phật

Mai Tâm Hiếu
.
.
.