Độc đáo văn hóa Chăm

Thứ Hai, 15/10/2012, 11:44
Lần đầu tiên, những nét văn hóa Chăm độc đáo, đầy bản sắc đã hội tụ và trình diễn tại chân ngôi tháp cổ Po Klong Giarai (TP Phan Rang – Ninh Thuận), đã mang đến cho du khách cả niềm ngưỡng mộ lẫn sự ngỡ ngàng. Những điệu múa Apsara huyền thoại, những ngôi tháp cổ bằng đất nung độc đáo, những vũ nữ Chămpa cùng âm nhạc Chăm quyến rũ đến mê hoặc… đã được tái hiện sống động và đầy tính nghệ thuật trong lễ khai mạc Ngày hội VH, TT&DL vùng đồng bào dân tộc Chăm – Ninh Thuận, tối 14/10.
>> Ngày văn hóa Chăm: Công tác đảm bảo an ninh đã sẵn sàng

Gần 1.000 diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân là người dân tộc Chăm của 9 tỉnh, thành đã cùng tụ về đây, trên mảnh đất có đông người Chăm nhất cả nước đang sinh sống, để bằng những tiết mục nghệ thuật đặc sắc nhất, thêm một lần minh chứng tâm hồn nghệ thuật vẫn liên tục truyền chảy qua bao thế hệ. Cùng với văn hóa của 53 dân tộc anh em làm nên một nền văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, nhưng văn hóa Chăm vẫn là nền văn hóa bảo tồn tốt nhất, lưu giữ được nhiều nét độc đáo nhất trong cuộc sống đương đại.

Hàng ngàn du khách đã rất xúc động khi được thưởng thức điệu múa Apsara mê hoặc, do chính những nghệ sĩ Chăm thể hiện, ngay trên mảnh đất của cộng đồng người Chăm sinh sống, để cảm nhận sâu sắc được cả vẻ đẹp lẫn sự lắng đọng của nghệ thuật Chăm, qua diễn xuất có hồn của nghệ sĩ, và sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả.

Cũng ở đây, tiếng trống ghi năng, tiếng khèn môi Lơtin đã mang đến cho công chúng những cảm xúc thật khó tả bởi vẻ đẹp nghệ thuật ánh lên trong từng nét nhạc, từng ca từ: “Nghe tiếng khèn môi Lơtin, bụng anh như chỉ rối/ Nghe tiếng đàn ót, lòng anh như ong châm/ Suối nước nơi đôi ta thường qua/ Kiếm đâu ra em trong lúc này” (Dân ca Chăm Hroi). Chiêm ngưỡng những điệu múa dân gian trong kho tàng quí báu của dân tộc Chăm, người ta phần nào cảm nhận được tâm hồn dạt dào cảm xúc, đầy chất nhân văn và không kém phần lãng mạn của người nghệ sĩ sân gian.

Một tiết mục nghệ thuật Chăm độc đáo trong đêm khai mạc.

Lễ hội cũng là dịp Tết Kate được tái hiện trên sân khấu với các thầy lễ trước y phục lên tháp cổ, trong trang phục đặc trưng áo choàng trắng, đầu chít khăn trắng, những thiếu nữ trong trang phục áo dài xanh múa quạt trong tiếng nhạc Chăm rộn ràng réo rắt. Lễ hội Kate không chỉ thể hiện ước mong hạnh phúc, cầu được mùa màng, quốc thái dân an, mà còn là nét đẹp đặc sắc của văn hóa Chăm. Nhóm đền tháp Posashanư tại Bình Thuận được xây dựng từ thế kỷ 18, có vai trò quan trọng trong các di tích kiến trúc Chăm, cũng được hiện lên sân khấu với những nét thẩm mỹ riêng biệt, tinh tế của phong cách Hòa Lai. Di tích Quốc gia này đã vượt qua một biểu trưng độc đáo của văn hóa Chăm để trở thành một giá trị tiêu biểu của văn hóa cả nước.

Xúc động khi được thấy các tiết mục nghệ thuật Chăm được nhiều khán giả yêu thích, bà Đàng Thị Lực, xã Nhơn Hải, Ninh Thuận chia sẻ: Thật mừng khi thấy nhiều người yêu thích điệu múa, lời hát của người Chăm chúng tôi, vì như thế, văn hóa Chăm sẽ được trình diễn ở nhiều nơi, được nhiều người biết đến và đó chính là cánh cửa mở ra để văn hóa Chăm tiếp tục tồn tại và phát triển.

Dù là nét văn hóa phi vật thể hay vật thể, tất cả đều phản ánh ước vọng của người Chăm trước thần linh, thiên nhiên và cộng đồng, mong cho được mưa thuận, gió hòa, con cháu ấm no, hạnh phúc. Đó cũng là khát vọng chung của dân tộc Việt Nam. Bao thăng trầm, cùng sự biến đối của thời gian có lẽ chỉ chạm khắc vào những công trình nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc Chăm chút dấu vết của năm tháng.

Đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm dường như vẫn nằm ngoài qui luật của sự phai mờ. Điều đó, chính là nhờ sự trân trọng, gìn giữ của cộng đồng người Chăm với văn hóa truyền thống, để hôm nay, trở thành một tài sản quí giá, niềm tự hào cho không chỉ mỗi người dân Chăm, mà còn mang đến cho người dân cả nước cơ hội được dịp đắm chìm trong không gian nghệ thuật đặc biệt, vừa gần gũi, dân dã mà lại rất thanh cao.

Ngày hội hôm nay, đã càng chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt và tôn vinh của Đảng, Nhà nước với văn hóa Chăm, từ những điệu múa, tiếng nhạc đến kiến trúc hay nghệ thuật điêu khắc…

Thanh Hằng
.
.
.