Độc đáo ẩm thực Chơro

Thứ Ba, 15/02/2011, 11:50
Bên con suối Sa Mách thơ mộng tuôn mạch từ rừng già Nam Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), nghệ nhân Hồng Thị Lịch, người duy nhất trong tộc người Chơro còn nắm giữ bí quyết thổi kèn bằng gốc rạ, trò chuyện về nguồn gốc các món ăn cổ truyền của tộc người trong những ngày đầu năm.

Đầu xuân mới, chúng tôi đến xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thăm tộc người Chơro, tộc người bản địa sinh sống trên vùng đất này hàng bao đời qua. Dù những ngày Tết cổ truyền đã qua nhưng không khí Tết chừng như vẫn còn dừng chân trong nhịp sống bình yên, vui vẻ của đồng bào.

Điều đó được thể hiện qua những món ăn truyền thống lạ miệng, đậm hương vị núi rừng và dư âm của những năm tháng thuở hồng hoang mà chỉ khi buôn làng đến ngày hội lớn, đồng bào mới… tổ chức ẩm thực với sự tham gia của tất cả các thành viên trong cộng đồng.

Bên con suối Sa Mách thơ mộng tuôn mạch từ rừng già Nam Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) từng một thời cung cấp nước ngọt, thực phẩm cho bộ đội Bok Hồ và người làng, nghệ nhân Hồng Thị Lịch, người duy nhất trong tộc người Chơro còn nắm giữ bí quyết thổi kèn bằng gốc rạ, trò chuyện về nguồn gốc các món ăn cổ truyền của tộc người trong những ngày đầu năm.

Theo bà, rừng nguyên sinh là nơi cư trú, sinh sống của các loài thú rừng, từ các loài chim thú bé nhỏ như chim chèo bẻo, kỳ đà, sóc, kỳ tôm (còn gọi rồng đất) đến các loài thú lớn như heo rừng, nai, nhím, mễn. Rừng cũng là vùng đất của vô số loại rau được bà con sử dụng làm thức ăn. "Ngày trước nguồn sống của người Chơro phụ thuộc vào săn bắn và hái lượm. Sau này rừng bị thu hẹp, con thú bị săn bắn nhiều, cây rừng bị chặt bừa bãi nên Nhà nước cấm cửa rừng. Nên các món ăn truyền thống chỉ được tổ chức vào dịp lễ lớn, nhất là trong tháng đầu năm để mọi người thay đổi khẩu vị, đãi khách quý và cùng nhớ lại một thời gian khổ".

Món đầu tiên mà chúng tôi được các bà các mẹ Chơro khoản đãi là món cơm lam ăn với thịt heo và cá lăng nướng. Theo ông Nguyễn Đình Biên, Trưởng ấp Lý Lịch, cơm lam tiếng dân tộc là Piêng-tinh, được nấu trong ống lồ ô từng một thời là món ăn thường trực của đồng bào.

Dân làng đang nấu cơm lam, nướng đọt mây và gọt củ chụp nấu canh…

Ông Biên cho biết, ngày trước người Chơro sống giữa núi rừng, sống nay đây mai đó vì "bị thằng giặc ngày đêm lùng sục" nên không thể tổ chức nấu ăn bằng xoong nồi mang vác lỉnh kỉnh. Cái khó ló cái khôn, cha ông dùng ống lồ ô làm nồi nấu. Mà cơm nấu bằng ống lồ ô thơm hơn nấu bằng xoong nhôm nồi điện nên ai ăn cũng thích.

Bữa cơm sẽ ngon hơn nếu có miếng thịt rừng hay con cá bắt ở suối nướng lửa hồng. Bữa cơm giữa rừng của đồng bào Chơro hôm nay còn có món lá bép xào và nấu canh ống thụt. Người Chơro gọi lá bép là "la-viếp". Đây là loại rau rừng thân gỗ thường mọc ở vùng đất đỏ, đất trắng và các vùng xung quanh chân đồi, đỉnh đồi.

Già làng Tơ Tơ, nguyên Chủ tịch UBND xã, thủ lĩnh tinh thần của người Chơro trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bật mí, lá bép là món ăn khoái khẩu của loài tê giác. Vì lá ngọt và có nhiều tinh bột nên trong kháng chiến, để chống đói, bà con lấy lá cây thay cơm, cung cấp cho bộ đội, nhờ vậy mà lực lượng Bok Hồ vẫn đảm bảo quân lực sau những cuộc càn quét, bao vây của địch nhằm cắt đứt nguồn tiếp viện. "Lá bép được chế biến thành nhiều món ăn như xào, nướng, luộc, nấu cháo cá rất ngon. Nhưng ngon nhất là nấu canh ống thụt".

Vừa nói già làng Tơ Tơ múc chén canh sền sệt bốc khói thơm lừng chuyền tay khách rồi lại chìm trong món ăn tinh hoa của tộc người: "Canh lá bép này được nấu với cá lăng và ốc suối đấy. Tất cả được cho vào ống lồ ô không quá già, không quá non, được đậy nắp bằng nhúm lá rừng bện chặt và nấu trực tiếp trên lửa. Khi màu xanh của ống lồ ô chuyển vàng đều là lúc canh chín, trước khi ăn, bà con dùng cây thụt vào cho thịt cá nát nhừ nên được gọi là canh ống thụt...".

Già làng Nguyễn Văn Dương, 73 tuổi, mang đến đĩa đọt mây thui lửa chấm với muối giã nhuyễn cùng ớt xiêm trái bé xíu nhưng thơm và cay nồng. Già cho biết, độ ngon ngọt của đọt mây chỉ xếp sau lá bép, tộc người rất thích ăn nướng hoặc nấu canh.

Mây là loại dây leo dài hàng chục mét, có vỏ gai dày đặc bao bọc, muốn lấy được đọt mây phải chặt thành nhiều khúc ngắn để kéo tuột xuống dần, khi gần đến đọt có nhiều vòng gai ở ngọn móc vào các nhành cây xung quanh nên phải cẩn trọng, bằng không dễ bị gai đâm. Lõi đọt mây trắng ngần có vị ngọt và đăng đắng, lại thêm một chút mằn mặn của muối ớt cay xè quả là… tuyệt hảo.

Bà Hồng Thị Dế, ở cuối làng đến góp vui bằng những chén chè củ nần theo ngôn ngữ của đồng bào là "Cố-tuôi" có hương vị rất độc đáo. Bà cho biết, củ nần là củ độc nên muốn chế biến thành thức ăn tốn nhiều công đoạn, thời gian. Bà nói: "Nếu không nấu chè thì nấu xôi hoặc nướng ống lồ ô cũng thích lắm!".

Hôm ấy chúng tôi còn được thưởng thức món canh củ chụp nấu với cá đài (một loại cá nước ngọt con lớn nặng đến 40kg), món bánh dầy được làm từ gạo và mè đen giã nhuyễn cũng rất độc đáo và tất nhiên là rất ngon. Cái cảm giác được thả mình giữa các món ăn truyền thống của tộc người Chơro giữa núi rừng, lại được uống rượu cần trong âm thanh mã la rộn vang, nghe các người già kể chuyện xưa tích cũ… thật khó quên vì quá ấn tượng

N.Thành Dũng
.
.
.