Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long

Đọc "Chiếu dời đô" ở lễ hội đền Đô

Thứ Tư, 08/04/2009, 10:21
Trong 3 ngày 14, 15 và 16 tháng 3 âm lịch (tức ngày 8, 9, 10/4), tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh diễn ra lễ hội đền Đô, kỷ niệm 999 năm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang (15/3 âm lịch năm 1010). Hoà chung với không khí hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ở nơi thờ 8 vị vua triều Lý cũng tưng bừng lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, âm vang tiếng gọi cội nguồn.

Trước cổng đền là bức Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ gồm 214 chữ Hán. Mỗi chữ rộng 16x16cm đắp nổi làm bằng chất liệu gốm sứ Bát Tràng. Đây là một công trình mới, điểm nhấn tạo ấn tượng đặc biệt với khách du lịch tới thăm đền Đô, cũng là để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Lễ khai hội được bắt đầu bằng nghi thức lễ rước vào chiều 14/3 âm lịch có sự tham gia của khoảng 500 - 800 người để tưởng nhớ công ơn của Lý Thánh Mẫu, người có công sinh thành Lý Thái Tổ. Lễ rước ngày rằm tháng 3 bắt đầu từ chùa Cổ Pháp.

Đi đầu là một con rồng lớn do 40 người tạo thành, tiếp theo là đội cờ mang chữ "Đại Việt", chữ "Lý". Sau đó là hương án tiền, đội bát âm, kiệu Long đình rước bài vị Lý Thánh Mẫu, 8 kiệu vua Lý cùng hương án thờ... Múa rồng là một hoạt động mang tính đặc trưng tiêu biểu của lễ hội đền Đô, thể hiện rồng bay lên ở quảng trường Ngũ Long Môn, tượng trưng cho hào khí Thăng Long.

Khi đội rồng làm lễ xong, quan Đám trang nghiêm đọc "Chiếu dời đô". Lễ hội đền Đô và nghi thức đọc “Chiếu dời đô” mang tính quốc lễ thiêng liêng của dân tộc Việt truyền từ thời Lý đến nay và mai sau.

Sau phần lễ là các trò chơi dân gian, truyền thống như chọi gà, cờ người, đấu vật, tổ tôm điếm, thi gói bánh phu thê, thi nấu cơm...

Việt Hà
.
.
.