Đoàn tàu không số - Bản hùng ca trên biển
Hơn 20 cựu binh đại diện cho hơn 800 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn tàu không số (ĐTKS) Anh hùng đã cùng về dự cuộc họp báo do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức tại Hà Nội ngày 29/9, để giới thiệu cuốn sách và bộ phim tài liệu "Huyền thoại tàu không số". Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội VHNT và Hội Nhà văn Việt Nam; ông Trần Văn Hữu, Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, đã tham dự.
ĐTKS đã đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công lừng lẫy, khi đã vận chuyển người và vũ khí vào chiến trường bằng đường biển trong những năm chiến tranh khốc liệt và đã 2 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Nhưng khác với những binh chủng khác, vì yêu cầu bí mật, chiến công của ĐTKS đã diễn ra thầm lặng trong suốt cuộc chiến và nhiều năm dài sau chiến tranh. Vì thế, các cán bộ, chiến sỹ của ĐTKS đã sống ẩn khuất giữa cuộc đời và không ý thức rằng, họ là những người đã ghi những dấu son trong lịch sử dân tộc.
Cho đến khi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người hiểu rõ sự hy sinh cao cả này, thúc đẩy sự ra đời của cuốn sách và bộ phim "Huyền thoại tàu không số", nhằm ghi lại một cách chân thực những kỷ niệm, những câu chuyện của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân từng tham gia vận chuyển vũ khí trên biển, để không chỉ người trong cuộc ôn lại kỷ niệm hào hùng của quá khứ, mà còn có tác dụng giáo dục con cháu về truyền thống đánh giặc của cha ông.
Nhà văn Đình Kính, người rất am tường về con đường huyền thoại này, vượt qua thử thách khốc liệt khi thời gian, các cán bộ, chiến sỹ của ĐTKS đã người còn người mất, để tìm gặp lại các nhân chứng, ghi lại những câu chuyện của họ. Bản thảo cuốn sách được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và cán bộ, chiến sỹ của ĐTKS cùng đọc, góp ý và chỉnh sửa và rồi, cuốn "Huyền thoại tàu không số" dày gần 400 trang đã ra đời, tái hiện chân thực những sự kiện, số phận những người đã tham gia chiến đấu và mở đường Hồ Chí Minh trên biển một cách chân thực và xúc động.
Trên nền tư liệu của cuốn sách, nhà văn Đình Kính và đạo diễn Minh Chuyên tiếp tục xây dựng thành bộ phim tài liệu cùng tên. Đoàn làm phim đã đi dọc theo chiều dài đất nước, từ Quảng Ninh đến Cà Mau, gặp gỡ 100 nhân vật điển hình để rồi, 100 câu chuyện bi hùng của những con người từng vào sinh ra tử xuyên suốt bộ phim 10 tập. Với tinh thần quả cảm, táo bạo và mưu trí, họ đã vượt lên thiên nhiên hà khắc, biển cả mênh mông, sóng to gió lớn, kẻ thù nham hiểm được trang bị hiện đại, để lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc.
Đó là nhân chứng cuối cùng của chuyến đi đầu tiên, ông Huỳnh Ba, vẫn sống ở Đà Nẵng sau 14 năm bị địch giam cầm. Là má Mười Vinh ở làng chài Sông Ray (Bà Rịa) đã hiến 10 cây vàng và vay thêm 20 cây để đóng tàu cho con trai vượt biển ra Bắc chở vũ khí theo chỉ đạo của cấp trên. Là Anh hùng Bông Văn Dĩa và Anh hùng Lê Văn Một, đã mưu trí và quả cảm chở vũ khí trên những chuyến tàu Phương Đông I đầu tiên từ Đồ Sơn vào
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các cán bộ, chiến sỹ của Đoàn tàu không số năm xưa và các đại biểu. |
Có một thực tế bi tráng không nhiều người biết trong những chuyến tàu không số chở người và vũ khí vào
Sự kiện Vũng Rô mãi vẫn là một dấu ấn bi hùng của lịch sử tàu không số, khi trong một chuyến đi, tàu 41 của thuyền trưởng Hồ Đắc Thanh bị lộ. 5 tàu chiến địch cùng máy bay, bộ binh và hàng ngàn tên giặc đã bao vây nhằm bắt sống tàu ta. Các chiến sĩ tàu không số đã chiến đấu suốt 8 ngày đêm trước khi hủy tàu. Sau sự kiện Vũng Rô, con đường biển càng trở nên khốc liệt. Con tàu 165 vào Cà Mau chở theo 80 tấn vũ khí, bị 12 tàu chiến Mỹ bao vây và cuộc chiến đấu đã diễn ra khốc liệt. Ta phải hủy tàu và 18 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Khi tàu 235 vào Hòn Hèo (Khánh Hòa) thì gặp địch, ta hủy tàu, chỉ còn 5 chiến sĩ sống sót. Thuyền trưởng Phan Vinh đã chiến đấu diệt nhiều tên địch trước khi dũng cảm hy sinh. Những người lính ở bến K962 đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ tàu và vũ khí ở bến. Anh Hoàng Thanh Loan dù bị địch bắt, tra tấn, bị mổ bụng, moi tim, gan, vẫn kiên quyết không khai nơi giấu con tàu…
Đạo diễn Minh Chuyên cho biết: Nhiều thước phim về các cuộc đụng độ giữa tàu không số với tàu địch, là tài liệu gốc, do ta mua lại của các cựu binh Mỹ. Vì thế, tính chân thật được đảm bảo.
Một người lính trong ĐTKS ngày ấy, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn kinh tế Tuần Châu, đã nhiều lần rơi nước mắt khi nhắc về đồng đội: Do đặc thù nhiệm vụ, sau chiến tranh, các chiến sĩ của ĐTKS đều trở về với đời thường, hầu như không được hưởng thêm chế độ gì. Nhưng họ đều coi việc cống hiến, hy sinh trong chiến tranh là chuyện tất nhiên khi đất nước lâm nguy. Trong mọi hoàn cảnh, họ đều rất kiên cường…
Phát biểu tại buổi ra mắt, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: Đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Tôi hoan nghênh Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức biên soạn và ra mắt cuốn sách và bộ phim tài liệu "Huyền thoại tàu không số". Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phấn khởi cho biết: Sau hội thảo về ĐTKS tổ chức tại Hải Phòng, Nhà nước đã Quyết định kỷ niệm ngày truyền thống của ĐTKS theo cấp Nhà nước.
10 tập phim tài liệu "Huyền thoại tàu không số" sẽ được phát sóng trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào giờ 21h30' ngày thứ 2, thứ 3, thứ 5 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 3/10 đến 23/10. |