Đoàn múa lân sư rồng Hằng Anh Đường: Phía sau sàn diễn

Chủ Nhật, 20/11/2005, 08:31

Trên sân khấu, với những động tác biểu diễn điêu luyện, các vận động viên còn rất trẻ của Đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường đã đoạt liền 4 giải A trong Liên hoan lân sư rồng Tp.HCM lần thứ 4 năm 2005. Ít ai biết những vận động viên tài năng ấy từng là những đứa trẻ nghiện ngập, lang thang. Nhờ tổ ấm Hằng Anh Đường, cuộc đời các em đã bước sang trang mới.

Tôi được xem Huỳnh Hoài Trung biểu diễn điệu nghệ những động tác điêu luyện trong tiết mục lân lên Mai Hoa Thung - một tiết mục chính đặc trưng của Đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường, tiết mục này rất khó, đòi hỏi phải tập luyện công phu. Để có được thành công như bây giờ, Trung đã trải qua những chuỗi ngày dùng ý chí tự chiến đấu với bản thân để vượt qua cám dỗ của ma túy.

Từng lang thang khắp nơi để kiếm sống, Trung gia nhập đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường từ khi còn là một cậu bé 15 tuổi. Một thời gian sau, Trung bị bạn bè rủ rê vào con đường nghiện hút. Những lần tập luyện uể oải vì lên cơn nghiện, những buổi diễn vật vờ như một cái bóng, Trung đã có ý định bỏ đoàn để trở lại cuộc sống lang thang kiếm tiền hút ma túy. Nhưng niềm đam mê nghệ thuật kéo Trung lại với cuộc đời. Trung quyết tâm cai nghiện ma tuý bằng cách tự đi mua thuốc về uống, gồng mình vượt qua đau đớn của thể xác mỗi khi lên cơn nghiện. Sự động viên của bạn bè và nỗ lực của chính bản thân đã giúp Trung cai nghiện thành công. Hiện nay, ngoài vai trò là vận động viên chính chuyên biểu diễn những tiết mục khó thì Trung còn là huấn luyện viên về kĩ thuật cho các vận động viên trẻ của đoàn.

Múa cặp chính cùng với Trung là Hoàng Thọ Nhân, có biệt danh “siêu quậy" - bắt nguồn từ những thành tích bất hảo với những chuỗi ngày sống lang thang ngoài đường. Do ham thích múa lân nên Nhân xin vào Đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường. Nhân được sống giữa những người bạn cùng cảnh ngộ nhưng biết nỗ lực vượt lên hoàn cảnh. Những buổi tập luyện vất vả, những tiết mục biểu diễn thành công làm cho Nhân trưởng thành hơn rất nhiều và biết trân trọng những thành quả mình có được. Trở thành vận động viên biểu diễn chính, nhắc lại biệt danh ngày xưa với Nhân là một kỉ niệm vui vì “siêu quậy” bây giờ hiền hơn rất nhiều.

Các vận động viên của Đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường có tuổi đời còn rất trẻ, hầu hết đều là trẻ mồ côi lang thang, hoàn cảnh khó khăn… có những chuỗi ngày sống ngổ ngáo và bất cần, nhưng chính niềm đam mê nghệ thuật dưới mái nhà chung Hằng Anh Đường đã giúp các em tự rèn luyện để trở thành những vận động viên trưởng thành, chăm ngoan.

Và người Trưởng đoàn "Hằng xúc"

“Hằng xúc” (tức chú Hằng) là tên gọi thân thiết mà các thành viên trong Đoàn Hằng Anh Đường gọi Trưởng đoàn của mình - anh Lương Tấn Hằng. Sinh ra trong một gia đình người Hoa, từ nhỏ anh đã tự bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Nhưng niềm đam mê và truyền thống về nghệ thuật múa lân sư rồng của gia đình luôn thôi thúc trong anh. 20 tuổi, anh đứng ra lập Đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường. Bền bỉ xây dựng Hằng Anh Đường từ chỗ chỉ có vài vận động viên là những bạn bè mình, đến bây giờ đoàn đã phát triển với hơn 100 vận động viên và những phương tiện biểu diễn hiện đại. Trong quá trình phát triển, lúc nào Hằng Anh Đường cũng mở rộng vòng tay với những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn… miễn là chúng có niềm đam mê nghệ thuật múa lân, anh sẵn sàng nhận vào đoàn để dạy nghề, cho tham gia biểu diễn và trả lương.

Sau những buổi biểu diễn, hầu hết các vận động viên trong đoàn lại tập trung về căn nhà mà đoàn "mượn tạm" ở một góc sân của Nhà thiếu nhi quận 11. Góc sân nhỏ đó đã trở thành "ngôi nhà chung của những đứa trẻ nghèo", vì hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, cùng quây quần sống với nhau như trong một gia đình. Không chỉ là một Trưởng đoàn, Hằng giống như một người anh cả trong ngôi nhà chung đó. Anh chăm lo cho các vận động viên từ những bữa ăn, giấc ngủ đến việc sắp lịch biểu diễn tập luyện.

Năm 1998, anh phát hiện gần 20 vận động viên trong đoàn do bị lôi kéo dụ dỗ đã dính vào ma tuý. Như một người thân trong gia đình, anh đưa ra một chế độ quản lý chặt chẽ. Đứa thì đưa đi trung tâm cai nghiện tập trung, đứa thì có biện pháp để cai nghiện tại chỗ. Anh luôn động viên, ở bên cạnh các em để giúp chúng tránh xa ma túy. Giờ đây, hầu hết các em đã vượt qua khỏi cơn nghiện và trở thành những diễn viên tài năng. Để tạo thêm thu nhập khi không có lịch diễn, anh còn tổ chức việc quay phim, dựng phim. Đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường lại sắp sửa chuẩn bị cho đi chuyến biểu diễn xa, “Hằng xúc” còn nhiều điều phải lo nữa

Bích Phượng
.
.
.