Đoàn Lê và những cung bậc cuộc đời
Năm 1961, tôi vào học Trường Điện ảnh và Kịch nói Việt
Lớp điện ảnh học ở số 7 Trần Phú, Hà Nội. Ký túc xá là một ngôi biệt thự trên phố Cao Bá Quát. Còn lớp diễn viên và đạo diễn kịch nói tọa lạc trong khu nhà lá trên đường Bưởi; khu nhà có tên gọi là Trường tiếng Đức, vì trước đó là nơi dạy tiếng Đức cho học sinh Việt Nam chuẩn bị đi du học ở nước Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ).
Khi khai giảng Khoa Kịch nói, Khoa Điện ảnh đã vào học được chừng trên dưới một năm rồi.
Buổi lễ khai giảng của chúng tôi hôm ấy (1/12/1961), Lớp Diễn viên điện ảnh đến dự, toàn những nữ sinh mặn mòi nhan sắc khiến bọn con gái Khoa Kịch chúng tôi phải thầm ước ao "Giá mà mình cũng xinh đẹp như thế!...".
Trong những người bạn gái học cùng trường ấy, Đoàn Lê nổi lên như một nhan sắc dịu dàng, thánh thiện.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tiếp cận với chị, không phải trong lễ khai giảng hôm ấy, mà trước đó, trong một lần đến ký túc xá phố Cao Bá Quát tìm Mai Ngọc Căn (bạn học cùng Lớp Diễn viên điện ảnh với Đoàn Lê và là người họ hàng của tôi), tôi đã bất ngờ khi nhìn thấy chị: mắt nâu, da trắng, nụ cười lấp lóa thật hiền và một bím tóc vắt về trước ngực.
Đoàn Lê hỏi tôi, lúc đó đang thập thò ngoài cổng: "Bạn cần tìm ai thế?" "Mốt" tóc được tết thành một bím và vắt về phía trước ngực, những năm ấy được coi là đỏm dáng và là đặc trưng của các nữ sinh học nghệ thuật, nhất là của các nữ sinh học Lớp Diễn viên điện ảnh: Những Trà Giang, Đoàn Lê, Đức Lưu, Bích Hồng, Ngọc Điệp, Kim Oanh, Minh Đức,...
Như trên đã nói, tuy cùng trường nhưng học ở 2 địa điểm khác nhau, thầy dạy cũng khác nhau nên chúng tôi cũng ít có dịp gặp gỡ. (Lớp Điện ảnh có thầy Azơđa - người Azerbajzan, Lớp Kịch chúng tôi học các thầy Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi, Ngô Y Linh mới học từ Trung Quốc về).
Thảng hoặc, những buổi đi xem phim ở số 7 Trần Phú (xem phim và viết thu hoạch là một môn học bắt buộc của chúng tôi) hoặc những khi được đi đóng các vai quần chúng trong các phim như "Một ngày đầu thu" ở dốc Tam Đa đường Bưởi (có hàng bún ốc ngon ơi là ngon) hay "Vợ chồng A Phủ" ở Xuân Mai, Hòa Bình và "Nổi gió" ở Quý Cao (Hải Phòng), một công việc mà ngày ấy chúng tôi rất thích thú và hãnh diện! Chỉ những lúc ấy, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ chuyện trò trao đổi...
Sau này được biết, Đoàn Lê còn có tài vẽ và làm thơ ngay từ hồi còn đang học Lớp Diễn viên điện ảnh. Nghe nói, mỗi khi làm thơ, Đoàn Lê thường có thói quen đốt một điếu thuốc lá!...
Tất cả những điều ấy, một nhan sắc với những tài năng sớm phát lộ... khiến mỗi lần nhớ về Đoàn Lê, tôi lại thấy như có một màn sương khói bảng lảng và chị bỗng trở thành một ký ức mơ hồ của tôi...
Ra trường năm 1964, tôi về Hải Phòng công tác, mối liên hệ với các bạn bên Lớp Diễn viên điện ảnh hầu như không còn (duy có chị Đức Lưu, khi chị về đầu quân cho Đoàn kịch Hà Nội thì tôi thường gặp).
Bẵng đi một thời gian dài, khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, một hôm Đoàn Lê gõ cửa phòng tôi, một "chuồng chim cu" ở tầng 3 khu tập thể của Đoàn kịch Hải Phòng.
Sau phút đầu bỡ ngỡ vì đã lâu lắm mới gặp lại nhau, Đoàn Lê mời tôi tham gia một vai trong phim nhựa mà chị và anh Tự Huy đứng tên đạo diễn - Phim "Truy lùng băng Quỷ Gió".
Sau này tôi còn cộng tác với chị trong vai trò diễn viên ở một vài phim nữa do chị đạo diễn, hoạt động cùng với chị trong Trung tâm Văn hóa doanh nhân mà chị là Giám đốc và những lần cùng với Đoàn Lê ngồi trên ghế giám khảo trong các cuộc thi Người đẹp của thành phố.
Làm việc cùng với nhau, tôi đã phát hiện một Đoàn Lê khác nữa. Chị rất sắc sảo và nghiêm túc trong công việc nhưng cũng thật là giản dị, chu đáo và dễ mến. Tôi cũng không hình dung nổi, tại sao người phụ nữ tưởng là đơn giản này lại có những tác phẩm ấn tượng đến thế. Tôi đã đọc "Trinh tiết xóm chùa", "Cuốn gia phả để lại", nhiều truyện ngắn đăng trên các báo và hôm nay, tôi được đọc "Sex" của chị trên Tạp chí Cửa Biển!
Có lẽ những nếm trải của cuộc đời với đầy đủ những cung bậc buồn vui, những hạnh phúc và bất hạnh đã qua của người đàn bà đa đoan này đã làm nên những trang viết mang màu sắc Đoàn Lê! Không phải ngẫu nhiên mà Đoàn Thị Tảo đã có bài thơ nổi tiếng tặng "Chị tôi"! Không phải ngẫu nhiên, với những tác phẩm gan ruột của mình, chị đã có chỗ đứng thật đẹp trong trái tim người đọc.
Phải nhắc đến những bức tranh của chị nữa! Trong Triển lãm mỹ thuật Hải Phòng đầu năm 2005, tranh của Đoàn Lê, với những đề tài bám sát cuộc sống đã có những nét riêng, đất riêng và đầy nữ tính.
Tôi đến thăm chị ở "Xóm núi Đồ Sơn" - một gian phòng lộng gió biển và đầy ắp tranh. Ngổn ngang khắp phòng là bột màu, bút vẽ và những khung toan đang vẽ dở... Ngoài vườn, xanh mướt lá và những chùm hoa lẵng tiêu duyên dáng. Và tiếng chim, rất nhiều tiếng chim...
Chị đón bạn với nụ cười rạng rỡ, thật hiền và tiếp khách thật chu đáo. Trong khi trò chuyện với khách, nữ chủ nhân thỉnh thoảng lại xen vào những nhận xét thật ngộ nghĩnh về sự ấm lạnh thường nhật của cuộc đời, những bình luận hết sức dí dỏm, sâu sắc và bất ngờ!
Ngay cả những lúc ấy, tôi vẫn nhìn thấy ở Đoàn Lê một người phụ nữ Việt
Cuối tháng 4/2008