Đoàn Kịch nói CAND ra mắt vở “Giông tố”

Thứ Tư, 02/04/2014, 11:06
Sau một loạt vở diễn tạo được dấu ấn: “Đường đua trong bóng tối” (kịch bản; Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Lê Hùng), “Quyết đấu giữa sương mù” (kịch bản: nhà văn Chu Lai, đạo diễn: NSND Lê Hùng), Đoàn Kịch nói CAND vừa chính thức ra mắt khán giả vở “Giông tố” (kịch bản: Lê Chí Trung, phỏng theo tiểu thuyết “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng; đạo diễn: NSND Lê Hùng). Đây có thể coi là một thành công mới của đoàn kịch, một bước đệm ấn tượng và xứng đáng khi Đoàn Kịch nói CAND chuẩn bị trở thành Nhà hát Kịch CAND.

“Giông tố” là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam điển hình, khi gần một thế kỷ trôi qua, vẫn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả, bởi những câu chuyện mà Vũ Trọng Phụng phản ánh, dường như không quá xa lạ với hôm nay, thậm chí, như những dự báo về đời sống xã hội. Bởi vậy, việc dàn dựng vở diễn là một áp lực không nhỏ với các nghệ sĩ Đoàn Kịch nói CAND. Nhưng, cũng vì kịch bản “Giông tố” của Lê Chí Trung quá hấp dẫn, mà Thượng tá, NSƯT Công Bảy, Trưởng đoàn Kịch nói CAND đã không thể lần lữa.

Kịch bản chắt lọc được những tình tiết, nút thắt điển hình từ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn họ Vũ, đã làm nổi rõ chủ đề câu chuyện. Dưới bàn tay đạo diễn của NSND Lê Hùng, vở diễn đã mang được cả bóng dáng của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, lại vừa nóng ấm hơi thở của cuộc sống hôm nay, khiến người xem thấy những gì vở diễn phản ánh đều rất hiện thực và gần gũi. Với cách mở màn là có chuyện, Lê Hùng kéo người xem vào ngay những tình tiết hấp dẫn của vở kịch ngay từ phút mở đầu. Khung cảnh làng quê thanh bình được đạo diễn “vẽ” ra rất rõ nét với những gánh rơm, với những cô gái quê mùa kín mít trong những tấm khăn mỏ quạ, mà hồn hậu trong những tiếng cười thôn nữ trong veo, ngơ ngác. Chiếc ôtô, “vật phẩm” của đời sống thị thành chợt xuất hiện, đã không chỉ phá đi một lúc cái không gian yên bình ấy, mà còn gieo “giông tố” xuống một cuộc đời, một gia đình, khi đó là nơi đã bắt đầu bi kịch với cô gái mang tên Thị Mịch và gia đình ông đồ Uẩn. Những đạo cụ bắt mắt, đã không chỉ làm cho sân khấu của NSND Lê Hùng bớt những bục bệ “vuông thành sắc cạnh” hơn, mà còn tạo được sự thú vị về mặt thị giác cho khán giả.

Cảnh trong “Giông tố” của Đoàn Kịch nói CAND.

Diễn viên “lấn át” gần như toàn bộ câu chuyện chính là Hồng Tuấn, vai Nghị Hách. Hồng Tuấn vốn có thế mạnh với những vai phản diện và lần này, anh tiếp tục phát huy rất tốt nhân vật có nhiều đất diễn mà đạo diễn dành cho anh, để khán giả thấy rõ bản chất của gã dân biểu Nghị Hách: Gã đã cậy tiền, quyền để hiếp dâm cô gái sắp về nhà chồng, rồi cũng cậy quyền và tiền để “chạy án”, khiến không chỉ vị quan thanh liêm, có tâm buộc phải rời khỏi vị trí, mà cuối cùng, kẻ thua cuộc lại chính là bị hại. Bằng cách diễn chuyên nghiệp, Hồng Tuấn tận dụng hiệu quả từng hành động, cử chỉ trên sân khấu, từ cách ngồi, cách đứng, cách đi, để khắc họa thành công tâm lý, phẩm cách của một gã “trọc phú” làm chính trị. Từ cách sàm sỡ Thị Mịch trong lần đầu gặp mặt, đến cách đối xử khi “buộc phải cưới Mịch”, tưởng không còn có sự đổi trắng thay đen nào tệ hơn. Rồi cách cư xử với quan trên, với dân chúng, đến cả những bà vợ ở trong nhà, lúc nào, bản chất tàn nhẫn, ích kỷ cũng bộc lộ rõ. Bộ mặt kinh tởm của Nghị Hách được phơi bày, nhưng hắn vẫn tiếp tục tranh cử với những hành động mị dân: phát chẩn cho dân nghèo, hô hào "muốn đem tài trí ra làm việc công", chạy chọt để được thưởng Bắc đẩu bội tinh… để tiếp tục thu vén cho cá nhân. Nói Nghị Hách của Hồng Tuấn tung hoành ở vở diễn thật chẳng ngoa, khi ấn tượng của anh để lại qua vai diễn rất đậm nét.

Huyền Trang cũng đã làm tốt một vai diễn có tính cách không đồng nhất. Từ một thị Mịch hiền lành, sẵn sàng tìm đến cái chết vì bị nhục, Thị Mịch đã trở thành trâng tráo sau khi “lên đời” bà Nghị với cách nhìn đời, cách cư xử kênh kiệu, khinh đời của kẻ có tiền và quyền. Với một diễn viên còn trẻ, Thị Mịch là một nhân vật khá nhiều thách thức, đòi hỏi cách thể hiện chiều sâu tâm lý và Huyền Trang cũng đã làm được điều này. Việt Dương cũng diễn ra vai một anh chàng Long chan chứa tình cảm yêu thương con người, nhưng cũng tham lam và nhỏ nhen, một phần tính cách của tầng lớp tiểu tư sản. Xuất hiện khá ngắn, nhưng Hồng Quân vẫn để lại ấn tượng với người xem qua vai Vạn tóc mai, con rơi của Nghị Hách và là kẻ chỉ biết ăn chơi trác táng. Ánh sáng hy vọng chính là các nhân vật Tú Anh, con trai Nghị Hách và viên Tri huyện Hải Vân có học, có lương tri, cho dù, họ vẫn phải chịu sự chi phối mạnh mẽ của xã hội. Báo động về cái ác đang trỗi dậy qua hình ảnh Nghị Hách, “Giông tố” của Đoàn Kịch nói CAND cũng đề cao trí thức và nhân cách qua các nhân vật Hải Vân và Tú Anh.

Xem “Giông tố”, thấy như chuyện xưa mà nói cả chuyện nay. Những con người mưu đồ làm chính trị từ những đồng tiền bất chính, những vụ “chạy án” đã đẩy số phận con người vào “bước đường cùng” và những người có phẩm cách vẫn đang cố chống lại vòng quay đó của xã hội vv… Nhưng rồi, cái gì cũng phải trả giá: Sự tàn ác, lối sống ích kỷ của Nghị Hách đã gieo giông tố cho chính gia đình hắn: vợ hắn ngoại tình, các con hắn loạn luân… Đó, cũng là một thông điệp mà vở diễn “Giông tố” gửi đến khán giả, để nhắc nhở mỗi chúng ta trong cuộc sống hôm nay

Dạ Miên
.
.
.