Doãn Hoàng Giang khinh ai "khôn gái"

Thứ Sáu, 06/03/2009, 15:42
Ở tuổi thất thập, vị đạo diễn tài ba vẫn tự xưng mình là anh, là Giang. Anh cho biết có cái thú kéo cao cổ áo đi dạo đêm mưa lạnh miền Bắc chứ không thích mặc quần đùi ăn dưa hấu ở Sài Gòn.
>> Đạo diễn Doãn Hoàng Giang “sợ nhất mấy người… ơ ơ”

Doãn Hoàng Giang mãi luyến tiếc người con gái đầu tiên trong đời.

- Một người nổi tiếng chịu chơi như Doãn Hoàng Giang “chơi” gì trong năm 2009?

- Tôi đang “nghiến răng” cùng Nhà hát chèo Hà Nội dựng vở Oan khuất một thời với số tiền đầu tư đến hơn một tỷ đồng. Có thể nói đây là lần đầu tiên tôi dựng một sân khấu tốn kém đến mức đó. Không cần biết lỗ hay lãi. Tôi chỉ biết cống hiến cho khán giả một sân khấu lung linh, hoành tráng, đẹp đẽ để xứng đáng với hình tượng Nguyễn Trãi - nhân vật thảm khốc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Vừa rồi, chúng tôi trày trật mới xin tổng duyệt tại Nhà hát Lớn được một hôm. Nhà hát Lớn lúc nào cũng kín lịch mà tôi không muốn diễn ở những chỗ úi xùi. Khán giả bây giờ kén chọn lắm. Họ đòi hỏi sân khấu phải xứng với mình. Ngày xưa sân khấu có xấu một tý khán giả cũng chấp nhận vì nhà người ta bé. Ngày nay họ đòi hỏi “sân khấu phải sang trọng ngang với tôi, tôi ăn mặc đẹp rồi diễn viên cũng phải ăn mặc đẹp ngang với tôi”. Những vở kịch trước của chúng ta thường là một ông họa sĩ thiết kế sân khấu vẽ luôn mẫu quần áo rồi mời thợ đến may dăm ba bộ quần áo dúm dó, xanh xanh đỏ đỏ. Lần này tôi điều hẳn Sỹ Hoàng từ trong miền Nam ra may trang phục. Riêng tiền phục trang đến vài trăm triệu, chưa kể là trang trí bao nhiêu tượng, bao nhiêu vải, lại thuê cả công ty Fantasy chuyên ánh sáng laze phục vụ. Tất cả là để dành cho một cuộc thanh minh lịch sử.

- Vì sao anh phóng tay vậy trong thời buổi suy thoái kinh tế hiện nay?

- Khủng hoảng kinh tế tất nhiên là khó khăn nhưng nghệ thuật không thể đối thoại với khán giả theo kiểu đó. Tôi không thể ra trình bày với khán giả vì kinh tế đang khủng hoảng nên sân khấu của tôi nhếch nhác, chỉ có vài cái giẻ rách. Người xem chỉ cần biết sân khấu của anh dúm dó hay sang trọng, còn có chấp nhận được cuộc chơi hay không là tùy anh. Sân khấu ác ở chỗ anh không thể có một lời biện hộ. Khủng hoảng kinh tế không được chấp nhận ở nghệ thuật.

- Anh nghĩ gì khi giao vai chính Nguyễn Trãi cho NSƯT Quốc Anh, một gương mặt chuyên đóng hài và phản diện?

- Có hai loại diễn viên. Một bị đóng đinh vào dạng vai cố định như Xuân Hinh là một tài năng của hề chèo nhưng không thể đóng vai chính diện, hay như tôi chỉ có thể đóng những vai bụi bặm chứ bắt Giang đóng Nguyễn Văn Trỗi là Giang thua. Tôi vào vai Năm Sài Gòn, Tư "lập lơ"… thì tàn bạo và oách lắm. Tôi cũng từng đóng một lãnh tụ cách mạng ăn mặc rách rưới vào nhà các bà mẹ vận động cách mạng, vừa ra khỏi cánh gà ở dưới khán giả hét “Ô, thằng gián điệp”.

Quốc Anh ở dạng thứ hai - những diễn viên đa năng. Anh ta có thể đóng những vai như hề hay thằng ăn trộm, nhưng đồng thời cũng có thể đóng vai chính diện rất tốt. Và rõ ràng Quốc Anh đóng Nguyễn Trãi xuất sắc: một Nguyễn Trãi uyên bác, một Nguyễn Trãi đau đời, đằm thắm và hát hay. Khi giao cho Quốc Anh, bản thân tôi không có gì phải băn khoăn vì tôi biết anh làm được. Cũng như ngày xưa Trần Tiến chuyên đóng vai hài từng đảm đương tốt Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Quốc Anh có ưu điểm là cơ thể đẹp, cao lớn, khuôn mặt thánh thiện, chất giọng hay và làm việc rất say mê.

Quốc Anh hóa thân vào vai Nguyễn Trãi đầy thuyết phục.

- Đã có rất nhiều vở kịch về Nguyễn Trãi. Tác phẩm của anh sẽ mang đến những gì mới mẻ cho khán giả?

- Khi làm chèo tôi có quan niệm hơi khác những người bình thường: Tôi cho thấy tôi là người hiện đại làm chèo chứ không phải cụ Trùm Thịnh làm chèo, ông Năm Ngũ làm chèo. Tôi là Doãn Hoàng Giang với tiết tấu cảm của thời đại, Doãn Hoàng Giang với pop, rock, hip hop. Mọi người xem chèo của tôi sẽ thấy tiết tấu hoàn toàn khác, nó giống như những ngọn lửa cháy chứ không chịu sự rời rạc kiểu các cụ ngày xưa vừa diễn vừa nghĩ, không có văn bản. Thanh niên hiện đại đâu chấp nhận được cái “í ì i” mãi đấy. Tôi quan niệm nghệ thuật phải là con đường nhanh nhất để đến mục đích. Nghĩa là phải có cách giải thích mới, biện pháp mới, thủ pháp mới, phương tiện kỹ thuật hiện đại vì cuộc sống bay giờ khác, khán giả bây giờ khác. Chèo với tôi, nếu không đưa được thanh niên vào là vứt. Nền nghệ thuật nào không phục vụ cho thanh niên là nền nghệ thuật bỏ đi. Nghệ thuật không dành cho ông già vì nó phải có ý nghĩa giáo dục, nó phải nhắm vào thế hệ còn mấy chục năm để xây dựng hay tàn phá. Những vở lớn của loài người như Romeo hay Hamlet đều là những vấn đề của thanh niên cả đấy thôi.

- Nói “Nghệ thuật chỉ dành cho thanh niên”, ở tuổi thất thập, anh thấy mình trẻ hay già?

- Tôi thấy mình lúc nào cũng là người của thanh niên. Khi làm việc tôi bao giờ cũng tự hỏi: Thủ pháp này thanh niên thích không? Đoạn nhạc này thanh niên thích không? Đó là sự thách thức. Giang là người làm việc quên tuổi tác. Ba điều Giang tự dặn mình luôn quên: Quên tuổi - quên bệnh tật - quên hận thù. Giang lúc nào cũng tự nhận mình là ổi xanh, không chín. Chín tức là rụng. Trăng tròn là sắp khuyết. Giang là trăng mười ba.

- Dù sao, đến tuổi này anh vẫn là gương mặt độc tôn ở lĩnh vực của mình. Anh nghĩ gì về chuyện tre đã già mà măng chưa chịu mọc?

- Hôm nọ tôi làm kịch, có một lô đạo diễn trẻ đi xem, xem xong bảo: “Thôi, thế này em về không đi học nữa. Học có làm được đâu”. Tôi cho rằng đó là một điều đáng buồn. Giang chẳng dương dương tự đắc vì không có thằng nào bên cạnh, tha hồ mà múa gậy. Một mình mình chạy trên đường thì sao vui được? Đằng sau không có hơi thở nóng phả vào mình để thúc giục mình chạy nhanh hơn. Đó là cái đáng báo động. Nền sân khấu nếu không cẩn thận sẽ hiu hắt, sẽ bơ vơ.

Cảnh Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc theo Doãn Hoàng Giang là vết nhơ của lịch sử.

- Cô đơn trên con đường nghệ thuật và cô đơn cả trong cuộc sống, cảm giác của anh thế nào?

- Tôi là Giang cô đơn. Tôi chấp nhận cuộc sống cô đơn một cách tự hào như Tagore từng viết: “Ngọn cỏ tìm bạn bè dưới đất, cái cây tìm sự cô đơn trên trời”. Tính cách Doãn Hoàng Giang con gái chỉ yêu chứ khó lấy, lấy là sẽ khổ. Vợ nào chịu được ông cứ trông thấy con gái là nhảy chồm lên mà hôn chùn chụt. Hơn nữa, tôi có tật khi làm việc không nghĩ tới điều gì khác. Hồi tôi sống với vợ, Ánh là người trong nghề mà còn không chịu được, Khi tôi viết vở, một tháng tôi không nói chuyện với Ánh. Ánh mặc áo đẹp rủ tôi đi chơi, tôi buông câu gọn lỏn: “Thôi em đi một mình”. Sau khi tôi thôi Ánh, có nhiều cô yêu tôi nói: “Thôi, anh cứ lấy em đi, tùy anh làm việc, em không bao giờ cản phá”. Nhưng mới đang yêu, mình ngồi viết kịch bản bỏ mặc nàng, nàng đã điên nên mà rằng: “Này là kịch bản, bà xé vứt đi”.

Cho nên, tôi nghĩ, tôi lấy ai sẽ làm người ta khổ. Về mặt vật chất tôi có thể cung cấp cho nàng như bà hoàng, nhưng đời sống tinh thần tôi không thể thỏa mãn nàng, không thể ngày nào cũng đi chơi với nàng, đưa nàng đi nhảy.

- Nguyên nhân của sự cô đơn phải chăng vì anh luôn coi phụ nữ chỉ xếp sau sân khấu?

- Đúng vậy, lúc nào yêu thì ngồi trước mặt tôi, cô ấy là nhất. Còn khi có sân khấu thì cô ấy xuống hàng thứ hai, khi có bóng đá thì nàng ngậm ngùi xuống hàng thứ ba. Tôi được cái hay là không bao giờ lừa dối, không bảo “Em là nhất, anh sẽ lấy bằng được em, không có em anh chết mất”. Giang đối thoại thế này: “Anh rất yêu em, anh rất có trách nhiệm với em nhưng chúng ta thống nhất không lấy nhau nhé. Em lấy chồng anh đứng lên lo hôn lễ cho em, lo đám cưới cho em. Khi anh làm sân khấu đừng có mon men”. Tôi từng yêu cầu người yêu đi về cho tôi làm việc vì nàng cứ lườm các cô diễn viên. Giang rất nhiều mối tình nhưng không có scandal, không có em nào chửi Giang là thằng phản bội. Thời điểm này tôi chưa yêu ai cả, nhưng biết đâu ngày mai ra đường lại chết lăn vì cô nào đó thì sao?

- Có nghĩa Doãn Hoàng Giang rất dễ xiêu lòng vì con gái đẹp?

- Nghề nghiệp tạo điều kiện cho tôi gặp nhiều gái đẹp mà ai chả thích gái đẹp, có riêng gì Giang. Thằng nào nói không thích gái đẹp là thằng nói láo.

Giang tuyên bố, đoàn nào có nhiều con gái đẹp Giang làm. Đoàn nào không có con gái đẹp là có tội với khán giả. Khán giả trả tiền để thưởng thức thanh sắc, tại sao anh không thanh sắc? Chỉ ác một điều, sân khấu bây giờ nghèo. Những cô đẹp đi làm cave, làm người mẫu thời trang. Tôi từng nói chỉ cần cho tôi ba cô hoa hậu, không cần sân khấu đẹp nữa, không cần vở sâu sắc nữa, khán giả cũng vỗ tay ầm ầm. Thì như những cuộc thi hoa hậu, có cô nào trả lời ra gì đâu, ở dưới vẫn hoan hô rào rạt. Người diễn viên đẹp quan trọng lắm. Có nói ngọng khán giả cũng bảo: “Ôi, nói ngọng mới hay”. Sân khấu hiu hắt một phần vì thiếu diễn viên đẹp.

Riêng tôi bao giờ cũng tha thứ cho người đẹp. Họ có phản tôi, tôi đau, tôi ức nhưng thấy họ đẹp, tôi nghĩ, đẹp quá, phản mình cũng là đúng. Khi đã yêu, người ta sẵn sàng bỏ qua hết. Nhất là với người dại gái như Giang. Giang tuyên bố Giang rất khinh những ai khôn gái. Yêu người ta, người ta cho mình cái ngàn vàng mà mình còn mặc cả cái này cái kia thì ra gì? Về tư chất, những thằng khôn gái có thằng nào là tử tế đâu?

- Trong số những người đẹp từng đi qua đời anh, anh luyến tiếc bóng hồng nào nhất?

- Tôi luyến tiếc người con gái đầu tiên, khi tôi mới mười tám tuổi, đang là thằng cha căng chú kiết đi học. Nàng là văn công quân đội trong khi lý lịch của tôi lại có vết: Học trường đạo, gia đình đi Nam. Vì thế mối tình của tôi bị cấm, nàng mà yêu tôi sẽ phải ra khỏi đoàn văn công. Hai đứa đành gạt nước mắt chia tay. Bây giờ gặp nhau, nàng đã là bà lão hơn sáu mươi nhưng vẫn yêu tôi nồng nàn như xưa. Nàng nói với chồng: “Ông không bao giờ được ghen với anh Giang vì anh Giang mới là chính, ông là phụ mà thôi”. Tôi đến nhà nàng ăn cơm lúc nào cũng có địa vị như ông chủ trong nhà.

“Oan khuất một thời” phỏng theo “Đêm Ức Trai” của cố tác giả Lưu Quang Hà.

Đạo diễn: Doãn Hoàng Giang Diễn viên chính: NSƯT Quốc Anh

Công diễn vào 18-19/3 tại Nhà hát lớn Hà Nội và hai buổi hàng tháng cho đến đầu năm 2010.

Sau khi ra mắt khán giả miền Bắc, “Oan khuất mội thời” sẽ du Nam biểu diễn.

Theo Ngọc Trần (VnExpress)
.
.
.