Điện ảnh với mảnh đất phương Nam một năm nhìn lại

Thứ Sáu, 04/02/2011, 08:27
Có lẽ chưa có năm nào, phim chiếu rạp lại nhiều, lại phong phú, đa dạng và cũng gây xôn xao dư luận nhiều như năm nay. Đầu tiên phải kể đến thời điểm phim Việt được công chiếu. Người xem đã không còn nhất định phải đợi đến Tết Nguyên đán, thời điểm gần như được mặc định để phim Việt ra rạp phục vụ công chúng mà được nhà sản xuất công chiếu ở khá nhiều thời điểm khác nhau.

"Ồn ào" như phim chiếu rạp

Irene Trịnh, một trong số những nhà sản xuất Việt kiều khá mạnh tay đầu tư cho điện ảnh gần đây từng chia sẻ rằng: Tại sao cứ phải đợi đến Tết chúng ta mới được xem phim Việt Nam trong khi mỗi năm chúng ta có đến 365 ngày? Irene muốn thay đổi quan niệm ấy, thói quen ấy. Thực tế, hai bộ phim do những người Việt trẻ, lớn lên, học tập ở nước ngoài tham gia sản xuất đã góp phần mang lại những "hương vị" mới lạ, hấp dẫn công chúng.

Thành công đầu tiên của dòng phim Việt kiều này phải kể đến "Để mai tính" (Kịch bản: Dustin Nguyễn, đạo diễn: Charlie Nguyễn), bộ phim tình cảm lãng mạn, hài hước ra rạp ngay từ nửa đầu của năm nhưng ngay lập tức trở thành "hiện tượng lạ" của điện ảnh Việt bởi không những tạo sức hấp dẫn một lượng khán giả đông đảo mua vé vào rạp xem phim mà còn "khuynh đảo" liên tục trên nhiều phương tiện đại chúng, trong đó, chiếm phần lớn lại là lời khen.

Cảnh trong phim "Cánh đồng bất tận", hiện tượng "lạ" của điện ảnh Việt năm 2010.

Tiếp nối thành công của "Để mai tính" về lượng khán giả cho dòng phim Việt kiều phải kể đến "Giao lộ định mệnh" (đạo diễn: Victor Vũ). Chỉ có điều, nếu mới ra rạp, "Giao lộ định mệnh" nhận được nhiều sự ủng hộ bao nhiêu khi công chiếu thì cũng nhận lại nhiều lời chỉ trích bấy nhiêu khi bị phát hiện quá giống Shattered ít ngày sau đó…

Góp phần làm phong phú cho phim Việt chiếu rạp năm nay còn có "Vũ điệu đam mê" (đạo diễn: Đức Việt), "Em hiền như ma sơ" (đạo diễn: Hoàng Thiên Trụ) nhưng gần như chỉ là hai vệt mờ trong bức tranh điện ảnh Việt 2010. Nếu "Vũ điệu đam mê" khai thác một đề tài khá mới mẻ với điện ảnh nước nhà: đề tài về hiphop với giới trẻ nhưng không thành công bởi "gánh" quá nhiều thoại như hô khẩu hiệu trong khi cách thể hiện chưa tới thì "Em hiền như ma sơ" cũng giống như một món quà nhỏ, cho người xem vui trong chốc lát dịp giáng sinh rồi quên.

"Khát vọng Thăng Long", một trong 3 bộ phim lịch sử ra rạp 2010.

Ngược lại, thành công của điện ảnh Việt 2010 thuộc về dòng phim của… học thuật. Ghi dấu ấn đậm nét bởi sự thành công về doanh thu cũng như các luồng dư luận trái chiều phải kể đến "Cánh đồng bất tận" (đạo diễn: Nguyễn Phan Quang Bình). Được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, ngay từ ban đầu, "Cánh đồng bất tận" đã được "trang bị" bằng ưu thế đặc biệt của một tác phẩm văn học ăn khách. Tuy nhiên, ngoài "hâm nóng" dư luận tranh cãi không ngừng trong suốt một thời gian dài, "Cánh đồng bất tận" trở thành tác phẩm điện ảnh ghi dấu ấn đậm nét nhất trong làng điện ảnh năm nay bởi cả cuộc hành trình khẳng định mình ra nước ngoài cũng như thành công đặc biệt về mặt doanh thu.

Với con số lên đến cả chục tỷ đồng chỉ sau ít ngày công chiếu, bộ phim đã lập kỷ lục về mặt doanh thu cho dòng phim này. Cũng không thể không kể đến là "Bi, đừng sợ" của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di.

Trong khi các bộ phim ghi dấu ấn bằng việc kéo một lượng khán giả đông đảo vào rạp thì "Bi, đừng sợ" lại đặc biệt thành công trong gặt hái giải thưởng. Với 2 giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes (Pháp), giải Special Mention của Liên hoan phim Vancouver (Canada), giải Phim xuất sắc tại Liên hoan phim châu Á - Hồng Kông và 2 giải thưởng cho Phim đầu tay xuất sắc nhất, quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Stockholm (Thụy Điển), "Bi, đừng sợ" còn được coi là bước tiếp nối thành công sau "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên về thể loại phim thử nghiệm…

Hài hước, lãng mạn, "Để mai tính" góp nét duyên lạ cho phim Việt "trái mùa" 2010.

Riêng với phim lịch sử cổ trang, dù bị xếp vào hàng "khó và ít" nhưng đã có đến 3 bộ phim kịp ra rạp năm nay: “Tây Sơn Hào Kiệt”, “Long Thành Cầm giả ca” và “Khát vọng Thăng Long”. Chưa hẳn thu hút khán giả như nhiều bộ phim khác nhưng đây là một nỗ lực lớn cần được ghi nhận của điện ảnh Việt Nam nói chung. Trong khi đó, mùa phim Tết Nguyên đán 2011 cũng khá "xôm tụ" với 4 bộ phim: “Bóng ma học đường”, “Cô dâu đại chiến”, “Thiên sứ 99”, “Saigon Yo!” Nhưng, vẫn như hàng năm, phim Tết gần như vẫn chỉ trung thành với tiêu chí "vui là chính"…

Phim truyền hình: Ấn tượng "hương sắc" Nam Bộ 

Cùng với phim chiếu rạp, với nghệ thuật thứ 7, không thể không kể đến những đóng góp từ mảng phim truyền hình. Nếu không tính về mặt số lượng buộc phải đáp ứng theo quy định phát sóng phim Việt thì phim truyền hình cũng rất phong phú về mặt đề tài cũng như thành công trong cách chuyển tải, góp phần "đẩy" một lực lượng diễn viên hùng hậu đến gần công chúng hơn. Được khai thác nhiều vẫn là các bộ phim về đời sống đô thị. Cùng với dấu ấn từ "Phía cuối cầu vồng", "Hạnh phúc mong manh", motip công chúa, hoàng tử lọ lem vẫn xuất hiện khá nhiều với "Tóc rối", "Cho một tình yêu"…

Người nông dân miền sông nước Nam Bộ lên phim "Vịt kêu đồng" .

Tuy nhiên, không chỉ quẩn quanh với những con người, cuộc sống phố phường, hàng loạt các mảng đề tài khác tiếp tục được mở rộng khai phá hoặc bắt đầu khai phá. Một trong số đó là "Ngã rẽ", phim truyền hình dài tập tiếp nối của loạt phim "Ký sự pháp đình" do đạo diễn Nguyễn Tường Phương thực hiện. Đây cũng là một trong số không nhiều những bộ phim không cần "váy ngắn, chân dài" mà cuốn hút khán giả màn ảnh nhỏ bằng những câu chuyện về thân phận con người khá nặng tính triết lý…

Có lẽ, cũng chưa bao giờ, mảng đề tài về đồng quê, về đời sống, con người vùng nông thôn Nam Bộ được lên phim truyền hình nhiều như năm 2010

N.H. – CAND Tết 2011
.
.
.