Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan: Cô gái tật nguyền “Không gục ngã”

Thứ Bảy, 09/03/2013, 10:07
Với trên 20 tác phẩm sách dịch, một cuốn tự truyện vừa ra mắt, làm thơ và viết truyện ngắn rất hay, cùng nhiều bài báo, bài bình luận sắc sảo. Đó là kết quả không dễ đạt được của một người bình thường; song một cô gái tật nguyền, mang trong mình căn bệnh nan y đã làm được. Chị là nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan.

Sinh năm 1976, tại Hưng Hà, Thái Bình, Nguyễn Bích Lan có dáng người nhỏ bé, mỏng manh. Những ngón tay gầy guộc, mỏng mảnh tưởng chừng như không thể cầm được một thứ đồ vật, dù nhẹ. Nhưng khuôn mặt ánh nên sự thông minh và nghị lực, tạo cho người gặp lần đầu tiên một sự cảm mến.

Một căn phòng ấm cúng, một chiếc bàn làm việc, chiếc máy tính, đó là một góc nhỏ riêng của Lan trong căn hộ mới, cô ở cùng với người em trai. Căn phòng đẹp, sáng sủa, chiếc máy tính kê ngay sát cửa sổ mà ngồi đó, Lan có thể nhìn thấy thế giới bên ngoài ồn ào, nơi Lan không thể cứ thích là ra ngoài đó bất kể lúc nào. Chiếc máy tính đang ở chế độ làm việc, và bìa cuốn tự truyện mới nhất của Lan “Không gục ngã”, được chọn dùng làm ảnh nền.

Có lẽ gọi Bích Lan bằng chức danh gì cũng đúng: nhà văn, dịch giả, nhà báo, nhà giáo… Lan đã có nhiều đầu sách do chính chị dịch được phát hành. Lan là một cộng tác viên “ruột” của Báo Phụ nữ, có nhiều truyện ngắn đăng trên Báo Tuổi trẻ, Giáo dục thời đại, Hồ sơ sự kiện của Tạp chí Cộng sản… với những chuyên đề sâu, cùng nhiều bài bình luận, phản biện sắc sảo về vấn đề mà chị quan tâm, đó là văn học.

Năm 13 tuổi, sau khi bị căn bệnh loạn dưỡng cơ, một căn bệnh hiếm gặp và khó chữa khỏi, chị phải nghỉ học giữa chừng khi còn là học sinh lớp 8. Vượt qua đau đớn, khó khăn, chị mày mò tự học tiếng Anh bằng những quyển sách của người em trai và sau này khi có chiếc máy tính hỗ trợ, học tiếng Anh càng hiệu quả hơn.

Chỉ bằng phương pháp tự học mà Lan đã có thể có đủ kiến thức để dạy học sinh. Rất nhiều em nhỏ ở quê đã đến nhờ chị dạy học. Nhưng do sức khỏe không tốt nên Lan đã phải nghỉ dạy giữa chừng. Và đây cũng là bước ngoặt để Bích Lan đến với văn học… Cô nhận dịch sách cho Nhà xuất bản Phụ Nữ, và sau này dịch những sách tự tìm tòi và yêu thích…

Hơn 20 đầu sách đã được xuất bản từ sự làm việc không ngừng nghỉ của một cô gái bé nhỏ, trọng lượng cơ thể chỉ có 28kg. Trong đó có những tác phẩm nổi tiếng, từng dựng thành phim và đoạt giải Oscar như “Triệu phú khu ổ chuột”, và một loạt sách hay, tiểu thuyết khác nhau.

Một cuốn sách cũng do Lan dịch, mới phát hành là “Cuộc sống không giới hạn”, cuốn tự truyện của một thanh niên không tay không chân Nick Vujicic, đã làm nên những điều kỳ diệu của cuộc sống… Không những thế Lan còn viết rất nhiều bài báo, bài tham luận, rồi truyện ngắn, thơ và mới đây là một cuốn tự truyện mới ra mắt có tên “Không gục ngã”.

Sự quan tâm lớn nhất của Lan vẫn là văn học. Làm báo chỉ là trong những giây phút để phòng khi Lan gặp những bức bối từ việc dịch sách, hay để Lan nuôi những cảm xúc cho văn học. Những vấn đề liên quan đến văn học như văn hóa đọc của người trẻ, hay những vấn đề của văn học dịch, sự lựa chọn tác phẩm như thế nào cho phù hợp với độc giả Việt Nam, vì Lan luôn xác định, người dịch sách như một con ngựa thồ văn hóa, việc lựa chọn tác phẩm rất quan trọng… Chính vì vậy, những bài viết của Lan đều được đánh giá cao và được người đọc rất thích, vì những bình luận sắc sảo, những dẫn chứng sát thực tế. 

Lan cũng bật mí, cô đang nhờ người bạn người Ấn Độ sưu tập cho những truyện ngắn của Tagor để Lan dịch. Nhờ có vốn tiếng Anh và chiếc máy tính, nên dù suốt ngày Lan chỉ quanh quẩn ở góc phòng, nhưng Lan có bạn ở khắp nơi, đối với Lan, chiếc máy tính và vốn tiếng Anh đúng là “một cửa sổ mở ra thế giới”. Từ việc tìm sách, liên hệ với tác giả… hay trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan… Lan đều liên lạc qua thư điện tử.

Làm việc thì nhiều như thế, nhưng nhu cầu của Lan rất đơn giản. Lan chỉ vào chiếc máy tính đặt ở góc phòng: “Lan chỉ cần một góc nhỏ để làm việc. Đi đâu cũng chỉ cần một góc”. Và một góc mới của Lan, giờ đây có ô cửa sổ nhỏ nhìn xuống những con phố Hà Nội ồn ào, náo nhiệt. Lan đã chuyển đến căn hộ mới ở cùng với mẹ và người em trai.

Hy vọng rằng, sự ấm cúng của căn nhà nhỏ cùng với những người thân, sự sôi động của con phố  sẽ làm tinh thần Lan cảm thấy phấn chấn hơn, làm cho Lan quên đi bệnh tật và những áng văn thơ, những sản phẩm sách dịch sẽ được xuất bản chỉ từ “một góc nhỏ” ấy

Khánh Linh
.
.
.