Đi tìm cuốn lịch của người Việt cổ

Thứ Bảy, 17/12/2005, 08:45

Chúng ta đang sử dụng hai loại lịch, đó là Âm lịch và Dương lịch của Trung Hoa cổ đại được du nhập vào nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc, và Dương lịch Gregorius do người Pháp đưa vào từ thế kỷ XIX. Vậy, trước khi tiếp nhận những cuốn lịch của nước ngoài, người Việt đã có lịch riêng của mình chưa?

Người Việt cổ xưa đã biết tính lịch

Các nhà khoa học cho rằng, ở thời tiền sử, vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là trung tâm phát sinh nền nông nghiệp trồng trọt vào loại sớm của nhân loại. Mà việc trồng trọt bao giờ cũng đòi hỏi phải tụ hội nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố tự nhiên đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Từ đó, nhà nông đã đúc kết phải: Trông trời, trông đất, trông mây / Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm (Ca dao). Cấy trồng ắt phải hợp thời vụ, tục ngữ có câu: Làm ruộng phải thì, đi buôn phải chuyến, hay: Hớt hải không bằng phải thì. Chúng ta có thể tin chắc rằng, người Việt cổ đã biết cách tính lịch để làm mùa. Bản báo cáo của Lưu An gửi cho vua Hán ghi trong sách “Tiền Hán thư” cũng khẳng định điều đó.

Các giả thuyết chưa đủ thuyết phục

GS. Hoàng Xuân Hãn suy đoán: “Nước Văn Lang chắc đã dùng năm 12 tháng, tháng lần lượt 29, 30 ngày, cũng không hẳn là vô lý. Tuy ở vùng nhiệt đới, khí nóng lạnh không đến cực để làm giới cận cho thời tiết, nhưng gió mùa, nước lũ khá điều hòa, cũng đủ gợi kỳ hạn của năm” (Lịch và lịch Việt Nam, trang 54).

Và, bài ca dao: Mồng một lưỡi trai / Mồng hai lá lúa... tiết lộ: lịch xưa tính ngày có trăng non làm đầu tháng, chứ không giống Âm-Dương lịch hiện hành, quy định đầu tháng là ngày không trăng. Ở Mường Bi (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) có bài ca dao tương tự, phù hợp với cuốn lịch cổ truyền của họ, gọi là Sách Đoi (tiếng Mường đọc là Khách Đoi), hay còn gọi là lịch Tre.

Lần tìm dấu tích và nhận định

Cuốn lịch Mường được khắc đầy đủ trên 12 thẻ tre tương ứng với 12 tháng. Trên đó ghi các ký hiệu ngày, tháng và các hiện tượng tự nhiên như: ngày mưa, ngày bão; các hiện tượng xã hội như: ngày có khách, ngày đi kiếm cá, ngày săn thú. Một ngày chia thành 16 giờ, mỗi giờ tương ứng với 1,5 giờ Dương lịch. Người ta không xác định giờ bằng công cụ nhân tạo mà xác định rất linh hoạt thông qua các hiện tượng tự nhiên như: gà gáy, mặt trời mọc, tang tảng sáng...  Điều lý thú là ngày không phải bắt đầu từ nửa đêm, bình minh hay hoàng hôn như các loại lịch khác trên thế giới mà là thời điểm trước bình minh: gà gáy.

Tháng phù hợp với tuần trăng, nên có tháng đủ 30 ngày và tháng thiếu 29 ngày. Một tháng chia thành 3 tuần gọi là tuần Cây, tuần Lôồng và tuần Cối tương ứng với Thượng tuần, Trung tuần và Hạ tuần trong lịch Âm-Dương phản ánh chu kỳ chợ phiên truyền thống. Mỗi tuần có 10 ngày, nếu tháng thiếu, tuần cuối có 9 ngày. Năm thường có 12 tháng, năm nhuận có thêm 1 tháng. Từ “Lôồng” được bảo lưu và biến âm thành từ “Mồng” dùng để chỉ 10 ngày đầu tháng trong lịch Âm-Dương ngày nay của người Việt.

Hiện nay, người Mường tính lịch khá đơn giản. Họ sử dụng lịch Âm-Dương của Nhà nước phát hành hàng năm để đối chiếu tìm ra ngày, tháng lịch Mường. Nguyên tắc đối chiếu là ngày lui, tháng tới, nghĩa là ngày mồng một lịch Mường tương ứng với ngày mồng hai lịch Âm-Dương, nhưng tháng giêng Mường lại trước lịch Âm-Dương. Người Mường vùng Hòa Bình lấy đầu năm trùng với tháng mười lịch ta, còn vùng Bất Bạt, Ba Vì lại lấy tháng đầu năm trùng với tháng mười một lịch ta. Nếu tháng lịch Âm-Dương thiếu, đủ hay nhuận thì tháng Mường tương ứng cũng tính đủ, thiếu và nhuận.

Cách tính lịch Tre cổ truyền đã bị mai một, nhưng chắc chắn trước khi có lịch Âm-Dương, người Mường đã có cách tính riêng của mình. Có lẽ họ đã nhìn trăng đầu tháng để điều chỉnh tháng đủ hay thiếu, điều này đã từng xảy ra trong lịch Arập và Do Thái cổ đại. Về quy tắc nhuận, họ đã căn cứ vào chu kỳ mặt trăng giao hội với sao Tua Rua (Pleiades thuộc chòm Tuarus - Kim Ngưu) mà họ gọi là sao Đoi để tính. Những năm thường, ngày rằm tháng giêng lịch Mường (tháng 10 Âm-Dương lịch) trăng chuyển động vào khoảng vị trí sao Tua Rua, nhưng năm nào đến rằm tháng giêng trăng còn cách xa sao Tua Rua thì tháng ấy là tháng nhuận của năm trước và ngày rằm tháng kế tiếp sau trăng mới đi vào sao Tua Rua.

Bóc tách lớp bụi mờ thời gian, nhận thấy trong lịch Tre của người Mường có những điểm gạch nối với những “mảnh vỡ” của cuốn lịch Việt cổ còn lại trong ca dao, tục ngữ. Đó là, đầu tháng là ngày có trăng non, cách gọi 10 ngày đầu tháng là “Mồng”. Hơn nữa, các nhà khoa học trong và ngoài nước khi nghiên cứu về các tộc người ở Việt Nam đều khẳng định rằng, trước Công nguyên ở nước ta đã từng tồn tại một cộng đồng Việt - Mường chung và chỉ đến thiên niên kỷ thứ nhất mới dần dần có sự phân hóa thành người Kinh sống chủ yếu ở miền châu thổ và người Mường chủ yếu ở vùng thung lũng, đồi trước núi. Như vậy, nếu lịch Tre có từ trước khi cộng đồng chung Việt - Mường chia tách, cũng có nghĩa nó là tài sản chung mà tổ tiên người Việt, người Mường đã sáng tạo nên.

Xét về mặt lịch pháp, lịch Tre là một loại lịch sơ khai, dựa vào việc quan sát trăng, sao trực tiếp để điều chỉnh lịch. So với lịch Âm-Dương Trung Hoa, lịch Tre chưa có một hệ thống tính toán chặt chẽ dựa vào các thuật toán và không thể tính toán trước cho các năm. Bởi vậy, nó không thể nảy sinh sau khi mà người ta tiếp nhận lịch Trung Hoa. Hay nói một cách khác, người ta không sáng tạo ra cái lạc hậu hơn những gì cùng loại hiện có.

Vậy lịch Tre chính là cuốn lịch của cộng đồng chung Việt - Mường, sau khi khối cư dân này chia tách, người Việt đã tiếp thu văn hóa Trung Hoa mạnh mẽ, dấu tích cuốn lịch xưa cũng chỉ còn lại trong ca dao, tục ngữ. Người Mường với đặc trưng cư trú của mình, đã có điều kiện để bảo lưu những giá trị văn hóa cổ truyền.

Khi chính quyền phong kiến trung ương thống nhất sử dụng lịch Âm-Dương thì người Mường đã dung hòa giữa lịch Nhà nước ban hành và lịch Tre một cách tối ưu, vừa bảo lưu được đặc trưng cổ truyền vừa phù hợp với lịch chính thống. Đó là, việc đặt ra nguyên tắc ngày lui, tháng tới, làm cho lịch Tre trở nên tiện dụng hơn, việc tính toán không cần quan sát trăng, sao trực tiếp nữa. Nhưng chính quá trình này đã làm thất truyền cách tính lịch nguyên thủy, biến lịch Tre thành một thứ lịch “ăn theo”, phụ thuộc vào lịch Âm-Dương. Đây là một sáng tạo của người Mường trong quá trình tiếp nhận những yếu tố văn hóa bên ngoài

Chu Văn Khánh
.
.
.