Di tích quốc gia 444 tuổi tại miền Tây bị xâm hại nghiêm trọng

Thứ Năm, 10/01/2013, 11:04
Trên phần đất cạnh cổng chùa Dơi, chính quyền phường từng không cho bà con mua bán “để giữ gìn mỹ quan cho Di tích”. Nay thấy nhà hàng, khách sạn, phòng karaoke mọc lên, ăn nhậu, ca hát ì xèo có khi suốt cả ngày,… bà con mới biết chính quyền đã lặng lẽ ưu ái cho… doanh nghiệp.

Chùa Wathserâytêchô Mahatup - chùa Mã Tộc, hay chùa Dơi theo cách gọi dân gian, là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo của Phật giáo Nam Tông Khmer Nam Bộ và thuộc vào hàng các ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Sóc Trăng, từng được xếp hạng Di tích nghệ thuật quốc gia. Nơi đây được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL chọn là điểm dừng chân tiêu biểu của vùng; trở thành niềm tự hào không riêng gì của người dân Sóc Trăng. Thế nhưng, mấy ai biết, di tích 444 tuổi này đang bị xâm hại nghiêm trọng…

Ngôi chùa thiêng huyền thoại

Nét độc đáo đầu tiên được thể hiện qua tên gọi. Một cán bộ Sở VH, TT-DL tỉnh, am hiểu về Di tích này, giải thích: “Mahatup” hiểu theo ngôn ngữ đồng bào Khmer là “trận kháng cự lớn”. Nơi đây đã diễn ra một trận đánh ác liệt của phong trào nông dân nổi dậy chống phong kiến. Sau đó, dân chúng tản cư trở về sinh sống và cho rằng đây là vùng đất lành nên xây chùa thờ Phật, kỳ vọng được đấng tối cao che chở, tiếp tục giành chiến thắng. Về sau, người Kinh và Hoa đọc trại “Mahatup” thành “Mã Tộc”. Rồi “Mã Tộc” trở thành địa danh của một làng. Thấy trên mấy cây dầu sao trong khuôn viên chùa có đàn dơi quạ đông đúc trú ngụ, sinh sống, bà con gọi là chùa Dơi. Theo quan niệm của người Hoa, dơi là hình tượng của điềm phúc (phước).

Chùa Dơi là di tích quốc gia nổi tiếng.

Theo thư tịch cổ được ghi trên lá thốt nốt, chùa Dơi được xây dựng từ năm 1569 dương lịch, đến nay đã trải qua 19 đời Đại đức. Công trình được xem là kiến trúc tiêu biểu trong quần thể chùa Dơi là ngôi chính điện, được xây dựng từ năm 1569. Qua nhiều lần được trùng tu, đặc biệt là năm 1960, với đóng góp của phật tử xa gần, cột bê tông đã thay thế gỗ, mái ngói thay mái lá dừa nước. Sau lần bị hỏa hoạn vào 15/8/2007, chính điện đã được đầu tư trên 4 tỷ đồng để phục dựng với những tiểu tiết độc đáo vốn có.

Nhớ lần đầu tiên đến đây cách nay hơn chục năm, tôi từng tận mắt nhìn cảnh dơi túa ra đi kiếm mồi vào hoàng hôn rất rộn ràng, chi chít tiếng dơi gọi bạn... Lạ một điều là bao thế kỷ trôi qua, dơi chỉ đậu dưới những tán cây trong khuôn viên chùa, trong khi bên ngoài cạnh đó cũng có nhiều cây lá sum suê nhưng dơi không đậu. Theo giải thích của các sư, do khuôn viên của chùa yên tịnh, môi trường hoang dã, lại không bị ai vây đuổi, săn bắt... nên chúng chọn làm nơi trú ngụ. Tôi được nghe kể về chuyện ông Thạch Chia - Đại đức đời thứ 17 nuôi và thuần chủng dơi đến mức dơi luôn quấn quít bên ông. Đặc biệt là khi ông đi vắng, dơi ở lại phòng khách của ông; ai lạ đến thì dơi sẽ phản kháng ngay...

Sở VH, TT&DL tỉnh đánh giá chùa Dơi là quần thể kiến trúc đẹp. Đó không chỉ là trung tâm sinh hoạt giáo dục - văn hoá của cộng đồng cư dân địa phương, mà còn là một thắng cảnh, một điểm hành hương, dừng chân của du khách trong ngoài nước. Di tích đã góp phần đáng kể trong việc hướng con người đến chân - thiện - mỹ, làm điều hay lẽ phải, làm việc thiện, tích phúc cho đời...

“Ăn theo” và… phá hoại di tích

Sáng 9/1, PV Báo CAND có mặt tại chùa Dơi và được nhiều người dân kể một “chuyện lạ”. Đó là trên phần đất cạnh cổng chùa Dơi, chính quyền phường từng không cho bà con mua bán, rằng “để giữ gìn mỹ quan cho Di tích”. Nay thấy nhà hàng, khách sạn, phòng karaoke mọc lên, ăn nhậu, ca hát ì xèo có khi suốt cả ngày,… bà con mới biết chính quyền đã lặng lẽ ưu ái cho… doanh nghiệp. Ai muốn buôn bán khu vực dự án thì phải đóng “hụi chết” 3 triệu đồng/tháng. Còn bãi đỗ xe, xe ôtô của khách thập phương đến tham quan Di tích đều bị các nhân viên của Satraco ngoắc vào bãi, thu phí. Trước đó, doanh nghiệp này tự ý đặt biển “cấm xe chạy và đậu trên vỉa hè”… 

Lần giở lại hồ sơ của chùa Dơi, chúng tôi được biết vào ngày 12/2/1999, Bộ VH-TT đã có quyết định công nhận nơi đây là Di tích nghệ thuật cấp quốc gia. Điều 2 quyết định ghi rất rõ: Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực của di tích... Khi sử dụng đất đai ở Di tích phải được phép của Bộ trưởng Bộ VH-TT. Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa) cũng ghi rõ việc làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích được xem là hành vi làm sai lệch di tích, hủy hoại di sản văn hóa.

Một số hạng mục của dự án do Công ty Satraco đầu tư nằm đối diện với cổng chùa, làm mất vẻ tĩnh mịch, tôn nghiêm vốn có.

Thế nhưng, gần như bỏ qua những quy định vừa kể, ngày 28/12/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu đã ký giấy chứng nhận đầu tư Dự án đầu tư khu du lịch – nhà hàng – khách sạn Satraco cho Công ty CP Quốc tế Satraco (Sóc Trăng), thời hạn thực hiện dự án 49 năm. Thật khó hiểu khi trong tổng diện tích đất mà ông Hiếu ký giao cho Satraco (20.220,2m2) có gần một nửa là đất mượn của chùa Dơi. Với vốn đầu tư 45 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ xây các hạng mục: Bãi đậu xe, khu kiot, resort (khách sạn) và nhà hàng có khả năng phục vụ 1.200 khách mặn và… 100 khách ăn chay! Cho tới sáng 9/1, theo tìm hiểu của PV Báo CAND, dự án đã xong một số hạng mục, trong đó nhà hàng phục vụ… khách ăn mặn.

Trao đổi với PV Báo CAND, một Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL cho biết Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã quyết định cử đoàn do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu, đến Sóc Trăng tìm hiểu vụ việc đang được dư luận đặc biệt quan tâm này.

Từ những bức xúc của người dân, PV Báo CAND đã tìm đến ông Mai Khương - Chủ tịch HĐND tỉnh. Ông Khương cho biết căn cứ theo quy chế hoạt động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, lẽ ra trước khi ký thuận chủ trương dự án như thế này, Chủ tịch UBND tỉnh phải thông qua tập thể Ban Thường vụ. Nhưng bản thân là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Khương chưa từng được thông qua bao giờ.

“Bí thư Tỉnh ủy cũng vừa có ý kiến chỉ đạo giao cho ngành chuyên môn, tiến hành kiểm tra, rà soát thật kỹ, báo cáo Tỉnh ủy, nếu có sai thì phải xử lý” – ông Khương cho biết.

Kể về dơi, một vị sư ở chùa Dơi cho biết thời điểm cách nay 10 năm, nhìn cây nào trong khuôn viên chùa cũng có dơi, dơi đậu đen kịt. Giờ thì chỉ còn 2-3 phần so với trước. Theo giải thích, đàn dơi của chùa Dơi thưa dần là do chúng bị bắt trong quá trình đi tìm mồi. Từ 5 năm trước, Sóc Trăng đã có chỉ thị cấm mua bán, giết mổ dơi. Thế nhưng, gần đây, con dơi càng không thể an tâm trú ngụ do cảnh quan quanh chùa không còn hoang dã, tĩnh mịch như xưa; thay vào đó là không khí tiệc tùng ăn nhậu, hò hét, ca hát nhạc sống mở loa hết công suất, khói xe, tiếng còi động cơ ôtô ầm ĩ, nhất là những ngày cuối tuần, ngày lễ; chen vào đó là những âm thanh từ công trường xây dựng dự án…

“Con dơi gắn liền với hình ảnh chùa Dơi, nếu mai mốt hết dơi rồi thì Di tích chùa Dơi còn gì ý nghĩa” – một du khách lộ vẻ băn khoăn.

Binh Huyền
.
.
.