Đền Cao - An Phụ (Hải Dương): Không để tâm linh bị lợi dụng

Thứ Hai, 26/02/2007, 10:26
Theo ông Nguyễn Tất Khoái, Trưởng ban Quản lý khu di tích Đền Cao - An Phụ, việc tổ chức, quản lý di tích Đền Cao trong Lễ hội năm nay không còn bị lợi dụng tâm linh, mang tiếng xấu cho nhân dân. Quy chế quản lý tiền công đức được tổ chức chặt chẽ, đúng đắn.

Theo tục truyền, lễ hội Đền Cao (hay còn gọi là An Phụ Sơn từ) - Đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) diễn ra từ ngày 1/4 (âm lịch) hàng năm vào dịp An Sinh Vương mất. Nhưng với lòng tôn kính được lưu truyền qua nhiều thế hệ, ngay từ đêm 30 Tết, cả vạn lượt người Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng... mang theo lễ vật, lòng thành thắp hương, dâng lễ cầu mong một năm mới an lành. Không chỉ thế, nhân dân trong vùng Bắc Bộ hễ có cơ hội rảnh rỗi là đến Đền cầu phúc.

Trưởng ban Quản lý di tích Nguyễn Tất Khoái giới thiệu, năm nay, xu hướng khách đến Đền Cao sẽ đông hơn mọi năm. Suốt trong những ngày Tết Đinh Hợi vừa qua, mỗi ngày có trung bình hơn một vạn lượt người đến lễ Đền. Khách đi lễ, vãn cảnh chưa ai kêu ca, phàn nàn về an ninh, tệ nạn, vệ sinh môi trường. So với những năm trước, công tác tổ chức chặt chẽ, chu đáo hơn.

Đầu tháng 1/2007, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định thành lập Ban Quản lý khu di tích Đền Cao - An Phụ thay cho việc quản lý trước đây hoàn toàn giao cho chính quyền xã An Sinh.

Vì vậy mới xảy ra việc đau lòng, một số người đứng đầu địa phương cùng nhân viên kế toán, thủ quỹ câu kết, biển thủ hàng trăm triệu đồng tiền công đức của nhân dân. Các cơ quan pháp luật đã phải vào cuộc và vụ án được đưa ra ánh sáng. 8 bị cáo lĩnh án từ 2 năm đến 7 năm tù giam, trong đó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là những người phải chịu mức án cao nhất trong số người phạm tội. Tâm linh đã bị lợi dụng nên năm nay, UBND tỉnh sáng suốt quản lý, tổ chức lại nơi tôn nghiêm, hợp với ý nguyện của nhân dân.

Cùng với dòng người đến Đền Cao, chúng tôi cảm nhận công tác an toàn cho khách được quan tâm hàng đầu. Di tích Đền Cao được chia làm 3 khu (cùng nằm trên đỉnh núi An Phụ). Khu đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu (nằm trên đỉnh cao nhất 246m), khu chùa Tường Vân (phía dưới Đền thờ) và khu tượng đài Trần Hưng Đạo (nằm đỉnh giữa dãy An Phụ).

Từ chân núi qua các eo khe, đường lên khu Đền Cao dài gần 1km được xây dựng bằng bê tông, rộng 2 làn xe ôtô ngược chiều, rìa đường bên dốc dựng hàng rào tôn chắn sóng phòng tai nạn. Dọc đường lên được xây dựng 2 bãi đỗ xe, bố trí trông coi an toàn.

Khác với mọi năm, trên các đoạn eo dốc đều xây dựng thêm khu vực an toàn cho những xe xuống dốc không may mất phanh dễ gây tai nạn. Giá trông coi xe đúng với quy định của tỉnh (5-10 ngàn đồng/xe ôtô, 3 ngàn đồng/xe máy) do Ban Quản lý di tích quản lý, kiên quyết không tổ chức thầu khoán bãi như trước đây địa phương vẫn làm, dẫn đến tình trạng bắt chẹt giá.

Ban Quản lý khu di tích tuyển thêm 43 người làm bảo vệ, lễ nghi khánh tiết, vệ sinh... phân công nhau phục vụ 24/24h. Bộ phận bán vé vào khu di tích (3.000 đồng/người) được bố trí 5 nhân viên thường trực phục vụ khách, không còn tình trạng giao khoán thu để nhân viên quay vòng vé thu lợi cá nhân.

Các dịch vụ hàng ăn, giải khát, bán đồ lưu niệm, lễ Đền... được phân ô theo đúng khu vực quy định, không tranh giành khách, bán hàng di động theo khách như trước. Đặc biệt, nghiêm cấm không bán những đồ vật mê tín dị đoan, hàng ăn uống mất vệ sinh, bắt chẹt, đánh lừa khách. Hàng ngày, Công an huyện Kinh Môn đều cắt cử cán bộ, chiến sỹ hướng dẫn lực lượng bảo vệ điều phối xe bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những hoạt động lệch lạc nơi tôn nghiêm.

Theo ông Nguyễn Tất Khoái, điều quan trọng nhất từ lễ hội năm nay và những năm sau là việc tổ chức, quản lý di tích Đền Cao không còn bị lợi dụng tâm linh, mang tiếng xấu cho nhân dân. Quy chế quản lý tiền sẽ được tổ chức chặt chẽ, đúng đắn.

Có 3 khoản thu chính (tiền công đức, tiền vé thắng cảnh, tiền các khoản thu dịch vụ) Ban Quản lý được phép trích 15% chi cho các hoạt động hàng ngày, 85% còn lại nộp về Kho bạc Nhà nước tạo vốn sử dụng cho trùng tu, tôn tạo khu di tích.

Hàng ngày, vào cuối giờ, đại diện Ban Tài chính huyện cùng 10 thành phần liên quan khác cùng kiểm, đếm tiền, lập biên bản giao nộp Kho bạc vào ngày hôm sau. Trong những ngày lễ hội Đền năm nay, bình quân mỗi ngày thu nộp trên dưới 100 triệu đồng. Tất cả các khoản thu đều rất minh bạch, rõ ràng.

Ông Khoái khẳng định, quản lý tốt về mọi mặt, phục vụ chu đáo khách đi lễ, khách vãn cảnh đến với Đền Cao là bảo vệ tâm linh trong sáng, ý nguyện của nhân dân. Không phải ngẫu nhiên, ngày 8/10/1998, vào dịp kỷ niệm 698 năm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và khánh thành tượng đài của Người trong khu di tích Đền Cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn chính quyền và nhân dân Hải Dương: "Khu di tích Đền Cao được coi là quần thể văn hoá lớn của đất nước.

Quản lý, bảo vệ tốt cũng chính là bảo vệ tâm linh nhớ về cội nguồn dân tộc của mọi thế hệ người Việt Nam. Trách nhiệm của Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương là nặng nề, nhưng đổi lại được niềm tự hào, tâm trong sáng đối với tổ tông dòng dõi Việt bao đời dựng xây đất nước...".

Thật ý nghĩa cho dù chỉ một lần đến với di tích Đền Cao, không chỉ được ngắm nhìn dãy núi An Phụ xanh tươi huyền bí, nổi lên đỉnh cao như chiếc nón chóp khổng lồ trong mờ ảo các công trình kiến trúc. Hình ảnh ấy có lẽ thôi thúc bao thế hệ mơ ước đến thăm Đền Cao như để hiểu cảnh quan hùng vĩ và nhớ về cội nguồn dân tộc. Bây giờ, khu di tích Đền Cao sẽ còn đẹp hơn khi nơi đây không còn chỗ cho những kẻ lợi dụng tâm linh...

Mạnh Hừng
.
.
.