Đề nghị truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi, nhạc sĩ Hoàng Việt

Thứ Tư, 18/08/2010, 15:41
Chuẩn bị tập hợp tư liệu, lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) cho tác giả của bài thơ "Dáng đứng Việt Nam", liệt sĩ, nhà thơ Lê Anh Xuân, sáng 17/8, Hội Nhà văn TP HCM đã tổ chức hội thảo về cuộc đời, sự nghiệp của ông.

Diễn ra tại Hội Nhà văn thành phố, 81 Trần Quốc Thảo, hội thảo có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều nhà văn cũng như những người yêu mến nhà thơ. Được biết, nhà thơ Lê Anh Xuân sinh năm 1940, trong một gia đình yêu nước tại tỉnh Bến Tre. Sớm tiếp xúc với văn thơ từ nhỏ, năm 12 tuổi, ông bắt  đầu vừa học văn hóa, vừa học việc ở nhà in Trịnh Đình Trọng thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ trong chiến khu.

Năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra Bắc và học ở trường học sinh miền Nam (Hải Phòng), trường Nguyễn Trãi (Hà Nội) và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông công tác một thời gian tại khoa Sử của trường.

Cuối năm 1964, Lê Anh Xuân vượt Trường Sơn, tình nguyện về Nam công tác, làm việc ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam… Ông hy sinh năm 1968 tại Cần Đước, Long An trong một trận càn của giặc. Bạn đọc trong và ngoài nước biết đến ông qua nhiều tác phẩm thơ và văn xuôi: Tiếng gà gáy, Trường ca về Nguyễn Văn Trỗi, Hoa dừa, Giữ đất… Riêng bài thơ nổi tiếng "Dáng đứng Việt Nam" đã từng được đưa vào giảng dạy cho học sinh.

Tiếp nối hội thảo về nhà thơ Lê Anh Xuân, ngày 18/8, một hội thảo về nhà văn Nguyễn Thi, tác giả của tác phẩm nổi tiếng "Người mẹ cầm súng" cũng được tổ chức tại trụ sở Hội Nhà văn TP HCM. Thông qua hoạt động bàn thảo về cuộc đời, văn nghiệp của nhà văn, Hội Nhà văn TP HCM sẽ tập hợp tư liệu để tiến hành lập hồ sơ, cùng đề nghị phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho ông.

Nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi và nhạc sĩ Hoàng Việt (từ trái qua).

Nhà văn Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, sinh năm 1928 tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nhưng lúc sinh thời có nhiều năm sống ở Nam Bộ và Hà Nội. Vừa hoạt động sáng tác vừa tham gia kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, ông là một trong những nhà văn thường xông xáo đến tận những địa bàn gian khổ, ác liệt nhất. Ông hy sinh khi theo một mũi tấn công vào Sài Gòn trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968.

Là một tên tuổi của văn học cách mạng nước nhà, trước khi hy sinh, ông đã để lại một sự nghiệp văn học khá đồ sộ. Cùng với tập truyện ký nổi tiếng "Người mẹ cầm súng", ông còn được biết đến với rất nhiều tác phẩm đã xuất bản khác: Trăng sáng, Đôi bạn, Năm tháng chưa xa…

Được Hội Nhà văn TP HCM tiến hành lập hồ sơ, đề nghị phong tặng danh hiệu AHLLVTND trong đợt này còn có nhạc sĩ Hoàng Việt, tác giả của bản "Tình ca" nổi tiếng cũng như nhiều tác phẩm âm nhạc sống mãi với thời gian: Bản giao hưởng "Quê hương", Lá xanh, Nhạc rừng, Lên ngàn…

Nhạc sĩ Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực, sinh năm 1928, tại Chợ Lớn, Sài Gòn. Ông tham gia sáng tác rất sớm, một số ca khúc đã ít nhiều được công chúng biết đến từ trước và trong năm 1945: Biệt đô thành, Tiếng còi trong sương đêm… Sau Cách mạng Tháng Tám, ông nhập ngũ, vừa hoạt động cách mạng, vừa sáng tác âm nhạc.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, sau đó được cử đi học ở Nhạc viện Sophia (Bulgaria), bắt đầu viết những tác phẩm khí nhạc. Tốt nghiệp, trở về quê nhà, năm 1966, nhạc sĩ tình nguyện vào chiến trường miền Nam và hy sinh năm 1967 tại tỉnh Tiền Giang…

N.Nguyễn
.
.
.