Đầu xuân trò chuyện với GS Phạm Gia Khải - “Công dân Thủ đô ưu tú 2013”

Thứ Năm, 06/02/2014, 13:13
Khuôn viên rợp cây lá của Viện Tim mạch ngày đầu năm ngập tràn sắc xuân. Một vài bệnh nhân đón Tết xa nhà đi dạo quanh khoảnh sân nhỏ, thi thoảng họ lại nghỉ lấy sức rồi lại tiếp tục thong thả bước một. Ngay cạnh khuôn viên nhỏ bé đó là phòng làm việc của Giáo sư Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, người vừa được vinh dự nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2013. Căn phòng cũng rất nhỏ, chật nêm sách vở. Giáo sư bảo với tôi, mùa xuân nào với ông cũng là một kỷ niệm đẹp nhưng ngày Tết nhiều khi ông cũng không nghỉ. Với ông, không có ngày nào là ngày nghỉ vì người bệnh quanh năm, họ cần là ông có mặt…

Giáo sư, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân Phạm Gia Khải đã làm tan biến đi sự e ngại trong tôi bằng một thái độ chân thành, ấm áp và cũng rất thẳng thắn. Ông nói chuyện thật sự ấm áp, thật sự quyết liệt và có cả sự dí dỏm, hài hước. Dường như ở người thầy thuốc này không có chỗ cho sự do dự, không có chỗ cho những lo lắng buồn rầu, mà thường trực trong ông là một bản tính “ưa dịch chuyển”, không thích ngồi yên một chỗ bao giờ. Và ở tuổi này, Giáo sư vẫn say mê học, ông quan niệm, người nào không học được nữa, không đổi mới được nữa thì đã thực sự già rồi. Có những người đã già khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tên tuổi của Giáo sư Phạm Gia Khải đã quá nổi tiếng, cuộc đời ông luôn gắn liền với những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, đào tạo giáo dục, phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hội nhập quốc tế. Giáo sư còn là một thầy thuốc giỏi, có tâm, có tài, đã cứu sống và chữa lành cho hàng vạn người bệnh tim mạch hiểm nghèo. Giáo sư còn được tin tưởng giao trọng trách to lớn trong Ủy ban Chăm sóc sức khỏe cho các nhà lãnh đạo của đất nước. Ông còn là một trong những nhà khoa học hàng đầu, đã có trên 100 công trình khoa học, nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch, đặc biệt là trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, mang lại hiệu quả thiết thực, to lớn, góp phần thúc đẩy ngành tim mạch nước nhà có thể hội nhập trong khu vực và trên thế giới. Là một thầy giáo, ông đã góp phần đào tạo ra nhiều nhà khoa học, thầy thuốc ưu tú, đặc biệt trong lĩnh vực tim mạch học. Nhiều học trò của ông nay đã trở thành những nhà khoa học, thầy thuốc, giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ… hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch của Thủ đô và cả nước.

Giáo sư Phạm Gia Khải hướng dẫn sinh viên y khoa khám chữa bệnh.

Giáo sư Phạm Gia Khải là người Hà Nội gốc. Bố ông là một nhà tri thức cách mạng tham gia kháng chiến chống Pháp, sau này bố ông về làm cán bộ Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Mẹ ông cũng là người con gái Hà Nội gốc. Ông kể rằng, bố ông thường dạy con rằng, phải có cách nghĩ trong sáng, tôn trọng công bằng, không được áp đặt. Đối với người thân, xử lý lấy tình là chính. Trong xã hội, lý là chính nhưng tình và lý phải song hành với nhau… Lời răn dạy của cha theo ông đến tận bây giờ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ, cách làm, cách ứng xử và lẽ sống của ông. Đó là một cách sống rạch ròi, minh bạch và công bằng, đã xác định cái gì cần làm là làm ngay, cái gì không cần làm thì sớm gạt ra khỏi đầu, nhường chỗ cho việc khác. Rạch ròi, minh bạch đấy nhưng tôi cảm nhận ở ông lại không phải là sự cứng nhắc. Trái tim người thầy thuốc này luôn nồng ấm chất nhân văn. Tôi được nghe nhiều bác sỹ từng là học trò của ông kể lại rằng: Với những người lao động khám bệnh đi lao động nước ngoài, nếu chẳng may họ bị huyết áp cao thì ông bao giờ cũng cho họ đơn thuốc uống, rồi hẹn ngày tái khám… Những câu chuyện rất nhỏ như vậy nhưng cũng đủ để để minh họa cho một triết lý sống “trong phạm vi cái lý có cái tình” của Giáo sư Phạm Gia Khải.

Giáo sư, công dân Thủ đô ưu tú Phạm Gia Khải đến với nghề y bởi từ khi còn nhỏ ông đã thích làm bác sĩ chữa bệnh. Hồi thơ bé, có lần nhìn con chim bồ câu bị chết, ông thương lắm, trong tâm hồn non nớt thuở đó đã rung lên khát vọng tìm được giải pháp để chữa trị cho những sinh vật nhỏ bé thoát khỏi ốm đau. Sau này, ông đã đi học y, thỏa ước vọng thơ bé, trở thành sinh viên Y1 của ĐH Y Hà Nội. Năm 1960, ông ra trường, trở thành bác sỹ đa khoa rồi bác sỹ chuyên khoa sâu về tim mạch.

Nhắc đến những năm tháng sinh viên, Giáo sư Phạm Gia Khải thấy lòng mình náo nhiệt hơn, bao kỷ niệm của một thời đèn sách, lăn lộn với sách vở, tài liệu y khoa, với người bệnh lại ùa về trong ông. Rồi kỷ niệm về những người thầy vĩ đại, không chỉ mang đến cho ông những kiến thức y học uyên thâm, mà còn mang đến cho ông cả một “cách làm nghề” đầy cao thượng, trong đó quyền lợi và tính mạng của người bệnh phải được đặt ở vị trí “tối thượng”. Giáo sư Phạm Gia Khải xúc động kể: “Thầy Đặng Văn Chung thường khuyên chúng tôi là tất cả những gì liên quan đến người bệnh đều phải quan tâm. Điều tưởng như rất giản dị đó lại sâu sắc vô cùng. Có lần, tôi khám cho hai người bệnh từ miền Nam ra, họ đều bị mất phản xạ chi dưới, tôi cho họ uống kháng sinh và thuốc B1. Nhưng chỉ có một người khỏi bệnh, người thứ hai không khỏi làm tôi lúng túng. Lúc đó, thầy Đặng Văn Chung bảo tôi, anh phải hỏi kỹ người ta về đời tư xem có gì liên quan không. Sau này, khi tìm hiểu sâu thêm thì quả thật, người bệnh đó từng bị mắc bệnh giang mai. Rồi lại có người bạn lớn tuổi nhờ tôi khám bệnh, anh này bị cao huyết áp, mặt đỏ gay, nhưng tôi chữa không khỏi. Thầy Chung liền khám lại, ngồi nói chuyện với anh ta một giờ, hỏi cặn kẽ và biết thêm anh ta đã từng sang Thái Lan để mua thuốc tăng lực uống vì lấy vợ trẻ… Những ví dụ sinh động này cho thấy thầy Chung khám bệnh rất toàn diện, khám kỹ càng. Trong khi đó, thầy Tôn Thất Tùng lại quan sát rất nhiều, thầy Tùng bao giờ cũng tìm ra giải pháp thích hợp, tối ưu nhờ quan sát”.

Ảnh hưởng từ những người thầy của mình đã mang đến cho Giáo sư Phạm Gia Khải một phong cách làm việc nghiêm cẩn, quyết liệt. Sau này, ông cũng dạy học trò của mình rằng, chữa bệnh không bắt đầu từ những cái quá cao siêu, nhưng phải từ A đến Z; nếu một người bị da vàng thì phải tìm hiểu cặn kẽ vì sao họ lại bị như thế, từ gan hay từ nguyên nhân nào khác. Giáo sư Phạm Gia Khải lại lấy ví dụ: Có lần hỏi thi, ông đưa ra tình huống, nếu một bác sỹ chăm sóc người bệnh tốt mà chuyên môn chưa tốt thì có chấp nhận được không? Sinh viên trả lời: Không thể chấp nhận được bởi đã là thầy thuốc thì chuyên môn phải là số 1, nếu không có chuyên môn thì bệnh tình sẽ không được chẩn đoán đúng, dù thái độ đối với người bệnh cũng rất quan trọng. Nhưng có quy trình đúng thì sẽ có thái độ phục vụ đúng. Ông đã cho sinh viên này đỗ ngay vì câu trả lời xác đáng…

Ông còn bảo với tôi, y tế là một ngành dịch vụ nhưng nhân đạo, tuy nhiên một số nơi đang quá nhẹ yếu tố nhân đạo, coi nặng dịch vụ, do đó đây đó vẫn có tình trạng hạch sách người bệnh, bệnh nhân sắp chết rồi vẫn ghi đơn thuốc đắt tiền. Ông tâm niệm, dân mình còn rất nghèo, không phải tự dưng mà có người bệnh “phẫn uất”, nên điều quan trọng làm sao để anh em y tá, bác sỹ thay đổi cách nghĩ phục vụ người bệnh. Như thế mới là nhân văn, là nền y tế dịch vụ nhân đạo…

Thu Phương
.
.
.