Đấu kiếm Việt Nam với nỗi lo đầu tư cho lực lượng trẻ

Chủ Nhật, 29/11/2020, 07:22
Giải vô địch đấu kiếm quốc gia năm 2020 vừa kết thúc tại Hà Nội vào ngày 27/11 đã cho thấy những dấu hiệu tích cực về sự trưởng thành của lớp VĐV trẻ. Dù vậy, vẫn cần nhiều giải pháp về đầu tư trang thiết bị, tạo sân chơi để VĐV cọ xát, mau chóng trưởng thành về chuyên môn. Nếu không, nguy cơ tụt hậu so với nhiều đội kiếm ở Đông Nam Á vẫn hiện hữu như trong thời gian qua.


Đầu tàu Hà Nội

Nếu coi Hà Nội như đầu tàu trong việc duy trì và phát triển bộ môn đấu kiếm (còn được biết đến với tên gọi là kiếm quốc tế) thì đến giải đấu năm nay, điều đó càng được làm rõ. Trong 110 VĐV dự giải thì Hà Nội có tới 50 kiếm thủ góp mặt ở tất cả nội dung thi đấu. Thành tích của các kiếm thủ Hà Nội cũng tương xứng với tiềm năng khi giành tới 8/10 HCV của giải đấu.

Cũng phải kể thêm về lực lượng của đấu kiếm Hà Nội. Hiện tại, hiếm đội kiếm nào ở Việt Nam luôn đầy đủ VĐV ở 3 tuyến, có lớp trước, lớp sau như đấu kiếm Hà Nội. Thế nên, trong đợt dịch COVID-19, việc tuyển quân gặp khó nhưng đấu kiếm Hà Nội lại không lo lắng vì có lớp VĐV kế thừa đầy đặn, có tài năng. Cách đây vài tháng, Trưởng bộ môn đấu kiếm Hà Nội Phạm Anh Tuấn từng chia sẻ rằng chỉ riêng đội kiếm 3 cạnh nữ, ngoài kiếm thủ kỳ cựu Nguyễn Thị Như Hoa (từng giành vé dự Olympic 2016), Hà Nội còn sở hữu khoảng 5 VĐV nữ khác, từ 18 đến 22 tuổi, đủ trình độ tranh chấp HCV tại SEA Games.

Đấu kiếm Việt Nam cần nhiều sân chơi trong nước hơn.

Điều này đã được chứng minh ở giải năm nay khi kiếm thủ sinh năm 1999 Nguyễn Phương Kim đã vượt qua kiếm thủ kỳ cựu Nguyễn Thị Như Hoa (1984) để giành HCV nội dung kiếm 3 cạnh nữ. Hay Nguyễn Thị Trang (1998) cũng đánh bại tay kiếm kỳ cựu khác là Hạ Thị Sen (1983) để giành HCĐ cũng ở nội dung kiếm 3 cạnh nữ... Hay các nội dung kiếm chém nam, kiếm ba cạnh nam cũng có dấu ấn của các VĐV trẻ, trong đó đa số là VĐV Hà Nội.

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, những gương mặt VĐV trẻ đã khẳng định được khả năng tại giải này như Phương Kim hay Nguyễn Thị Trang, Vũ Thị Hồng là lứa VĐV được đào tạo từ 8-10 năm nay nhằm chuẩn bị cho SEA Games năm 2023. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của họ khiến họ có cơ hội được góp mặt ngay ở SEA Games năm 2021 chứ không đợi đến năm 2023. Còn Quản lý bộ môn Đấu kiếm (Tổng cục TDTT) Phùng Lê Quang cũng cho rằng, lứa vận động viên trẻ này được hy vọng sẽ giúp đấu kiếm Việt Nam tự tin giành lại vị thế số 1 khu vực ở nội dung kiếm ba cạnh tại SEA Games 31 năm 2021.

Tất nhiên, để có lứa VĐV trẻ tài năng như hiện nay, ngành Thể thao và đặc biệt là bộ môn đấu kiếm Hà Nội phải đầu tư rất nhiều với những câu chuyện khó tin. Thậm chí, có lúc do vướng thủ tục nên người có trách nhiệm đã phải đặt phương tiện cá nhân để kịp ứng tiền mua trang thiết bị tập luyện cho VĐV. Đến giờ, vẫn gặp không ít khó khăn, chủ yếu về thủ tục, nhưng đấu kiếm Hà Nội vẫn bền bỉ đầu tư lực lượng, trang thiết bị để xứng với vị thế hàng đầu cả nước của mình. Cho đến lúc này, ngoài việc làm đầu tàu về chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn cho một số địa phương, đấu kiếm Hà Nội cũng đang được kỳ vọng sẽ giúp đấu kiếm Việt Nam có dàn VĐV đủ mạnh để thực hiện mục tiêu ở SEA Games hay tranh vé dự Olympic.

Đã có giải pháp, chỉ đợi cách thực hiện

Việc sở hữu những tay kiếm trẻ tài năng cũng chỉ là điều kiện cần để đấu kiếm Việt Nam duy trì vị trí số 1 tại Đông Nam Á và thường xuyên giành vé dự Olympic. Trong vài năm gần đây, đấu kiếm Việt Nam đã cảm nhận rõ sự phát triển mạnh mẽ của các nền đấu kiếm khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore. Các nước này liên tiếp đưa VĐV đấu kiếm đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, đầu tư trang thiết bị đến mức tối đa cho VĐV và đương nhiên, VĐV được liên tục đi thi đấu quốc tế. Đấu kiếm Việt Nam lại thiếu những điều này, dẫn đến nguy cơ tụt hậu ngay ở Đông Nam Á.

Trong khi đó, trước mắt đấu kiếm Việt Nam vẫn còn những nhiệm vụ nặng nề như giành vé dự Olympic năm 2021 ở Nhật Bản hay giành 5-6 HCV tại SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam.

Vì vậy, muốn không bị tụt hậu thì chỉ còn cách đầu tư cho lớp VĐV đang ở độ chín về tài năng hiện nay trong đó có Vũ Thành An cũng như lớp VĐV trẻ nhóm tuổi 18-22 hiện nay. Theo ông Phạm Anh Tuấn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các VĐV hoàn toàn tập chay trong suốt thời gian qua, không có cơ hội tập huấn và thi đấu quốc tế. Ngoài ra, tình trạng thiếu thiết bị tập luyện ở cả đội tuyển quốc gia cũng như các địa phương khiến các VĐV gặp không ít khó khăn.

Để giải bài toán này, bên cạnh việc cung cấp đủ trang thiết bị tập luyện, thì chỉ còn cách tạo điều kiện cọ xát tối đa, dù là trong nước cho các tay kiếm trẻ tài năng. Chứ việc thi đấu 2-3 giải trong nước trong một năm như hiện nay khó đáp ứng yêu cầu phát huy hết khả năng của VĐV đấu kiếm, nhất là VĐV trẻ.

Quản lý bộ môn Đấu kiếm (Tổng cục TDTT) Phùng Lê Quang cho rằng, về lâu dài, bộ môn sẽ tìm giải pháp để cùng ngành Thể thao, các đội tuyển đấu kiếm ở địa phương kêu gọi, thu hút nhà tài trợ. Từ đó, tạo ra nguồn kinh phí tổ chức nhiều giải đấu trong nước nhằm hỗ trợ cho VĐV – nhất là VĐV trẻ về chuyên môn, đồng thời, kịp thời động viên, khen thưởng VĐV. “Được thi đấu càng nhiều càng tốt, dù là giải trong nước trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này cũng là mong ước của nhiều VĐV và chính người làm chuyên môn” - đó cũng là nhận định của ông Phạm Anh Tuấn.

Đúng là giải pháp đã có nhưng vấn đề thực hiện giải pháp như thế nào lại là câu chuyện khác. Cũng chỉ biết hy vọng những giải pháp này trở thành sự thật để đấu kiếm Việt Nam có dàn lực lượng đủ mạnh, đáp ứng nhiệm vụ quốc tế trong những năm tới.

Đợi cơ hội tranh vé dự Olympic

Kiếm thủ Hà Nội cũng như đội tuyển quốc gia Vũ Thành An cho biết, hiện nay vẫn đang tích cực tập luyện, chủ yếu tăng cường tập thể lực để duy trì phong độ và sẵn sàng lên đường tham dự các giải đấu tích điểm hoặc tranh vé dự Olympic năm 2021. Hiện tại, Vũ Thành An vẫn đang xếp thứ ba cá nhân vòng loại Olympic năm 2021 khu vực châu Á trong khi châu Á chỉ có 2 suất được dự. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.